Miroir
[VI] GƯƠNG
[FR] Miroir
[EN]
[VI] Cho các em bé soi mình vào gương rồi quan sát phản ứng, và từ đó suy luận về sự hình thành sơ đồ thân thể, về sự cảm nhận về bản thân là một thí nghiệm nhiều nhà tâm lý đã tiến hành. Trong năm đầu, thông qua vận động và nhìn vào thân thể của người khác, trẻ em dần dần nhận ra từng bộ phận của thân thể; lúc đầu là những bộ phận hay cử động, tay chân, mãi sau mới nhận ra thân tức bụng và ngực. Vào khoảng 8-9 tháng, khi một đứa bé đứng trước tấm gương thấy hình ảnh của thân mình, thì có một sự chú ý và hào hứng đặc biệt (khác hẳn với những con khỉ lớn thờ ơ với hình ảnh ấy, mặc dù về vận động lúc ấy khỉ vượt hẳn trẻ em). Lúc đầu trẻ em không nhận ra được đó là hình ảnh của bản thân, vì trước đó cảm nhận về thân thể của mình chủ yếu thông qua tự cảm (cảm giác từ cơ khớp), nay được nhìn toàn bộ thân thể của mình thì chưa nhận ra. Nếu trong lúc em không để ý bôi vết mực lên mũi, em bé liền lấy tay tìm sờ vào chính mũi mình, điều ấy chứng tỏ là em nhận ra đó là hình ảnh của bản thân. Sự phối hợp giữa tự cảm và thị giác (mắt thấy) giúp cho nhận ra hình ảnh toàn thân. Lúc đó bắt đầu hình thành cái Tôi (Ngã). Những bệnh nhân phân liệt thường đứng soi gương rất lâu, nhìn kỹ nét mặt của mình, lo hãi về những biến động trong sơ đồ thân thể. Nhắc lại, Marx cho rằng con người tự nhận ra mình bằng cách nhìn người khác như là tự nhìn trong một tấm gương.