Cơ học [Đức: Mechanik; Anh: mechanics]
Xem thêm: Động lực học, Quy luật, Chất liệu/Vật chất, Hiện tượng học, Bảng các phạm trù,
Cơ học là một trong bốn phần của hệ thống vật chất được trình bày trong SHHTN. Mỗi một phần tương ứng với vật chất được xét đến trong từng đề mục của bảng các phạm trù: chuyển động học tương ứng với lượng và là khoa học về lượng của sự vận động vật chất; động lực học tương ứng với chất và là khoa học về các tính chất của vật chất, cụ thể là lực hút và lực đẩy; hiện tượng học tương ứng với tình thái và là khoa học về hiện tượng của sự vận động vật chất đối với tri giác, trong khi đó cơ học tương ứng với tương quan, và là khoa học về quan hệ giữa các bộ phận của vật chất với nhau (xem SHHTN tr. 536-53, tr. 95-117).
Trong phần II của PPNLPĐ, Kant nghi ngờ năng lực của lối giải thích cơ học (tức tin rằng mọi thứ có thể được giải thích bằng mối tương quan giữa những bộ phận vật chất với nhau) về các sinh thể hữu cơ. Ông giải quyết nghịch lý của “Phê phán năng lực phán đoán mục đích luận”, tức cái nghịch lý đối lập chính đề cho rằng tự nhiên có thể được lượng định “như là khả hữu chỉ dựa trên các quy luật cơ học” với phản đề cho rằng tự nhiên không thể được lượng định như vậy, bằng cách lập luận rằng lý tính không thể chứng minh cho cả hai, và do đó, năng lực phán đoán nên được sử dụng theo phương cách phản tư chứ không phải theo phương cách xác định (§70). Tương tự, các quy luật của sự tự do vốn thấm nhuần hành vi luân lý của con người cũng đã vượt khỏi những ý niệm cơ học về nhân quả, và tuân theo tính nhân quả riêng của chúng, tức tính nhân quả phi-cơ giới, một lập trường được khảo sát tỉ mỉ trong “Nghịch lý thứ ba” của PPLTTT (xem PPLTTT A 444/B 472 ff)
Huỳnh Trọng Khánh dịch