Mục đích, hợp mục đích (tính, sự) [Đức: Zweckmässigkeit; Anh: finality]
Xem thêm: Nhân quả, Mục đích, Tự nhiên, Phán đoán phản tư, Mục đích luận,
Tính hợp mục đích là một khái niệm cực rộng đã được Kant phát triển trong cuốn PPNLPĐ. Trong PPLTTT, “tính hợp mục đích của tự nhiên” được nói đến dựa trên một số ít các trường hợp với lời cảnh báo rằng nó phải “được giải thích từ những nguyên nhân tự nhiên và theo những định luật tự nhiên” (A 773/B 801). Tuy nhiên, trong PPNLPĐ, tính hợp mục đích giữ một vai trò trung tâm trong những nghiên cứu về phán đoán thẩm mỹ lẫn phán đoán mục đích luận, với tầm ý nghĩa hồi cố về những phán đoán xác định được phân tích trong PPLTTT.
Trong PPNLPĐ, Kant đưa ra hai định nghĩa về tính hợp mục đích, cả hai định nghĩa đều liên kết với khái niệm về mục đích. Trong định nghĩa đầu, “mục đích” là “khái niệm về một đối tượng, trong chừng mực khái niệm ấy đồng thời chứa đựng cơ sở cho tính hiện thực của đối tượng ấy” (PPNLPĐ, § IV), trong khi ở định nghĩa hai, mục đích là “đối tượng của một khái niệm, trong chừng mực khái niệm này được xem như là nguyên nhân của đối tượng (cơ sở hiện thực cho khả thể của nó)” (§ 10). Cả hai định nghĩa về mục đích này mang lại tính hợp mục đích hĩnh thức hay, trong định nghĩa thứ nhất, “sự trùng hợp [hay nhất trí] của một sự vật với đặc tính cấu tạo ấy của những sự vật, - tức với đặc tính chỉ có thể có được dựa theo các mục đích - là tính hợp mục đích về hình thức của chúng” (§ IV), và trong định nghĩa thứ hai, “tính nhân quả của một khái niệm đối với đối tượng của nó là tính hợp mục đích” (§ 10). Định nghĩa thứ nhất mô tả tính hợp mục đích chủ quan, định nghĩa thứ hai mô tả tính hợp mục đích khách quan. Cần phải giả định hình thức nào đó của tính hợp mục đích để phán đoán xảy ra; bởi vì tính hợp mục đích mô tả một sự hòa hợp giữa năng lực phán đoán của con người với thế giới, mà không có nó thì theo cách nói của Kant, “giác tính tự nó không thể không cảm thấy mình bị lạc lõng trong tự nhiên” (§ VII).
Nghiên cứu của Kant về phán đoán thẩm mỹ về sở thích dựa trên sự phân biệt giữa tính hợp mục đích chủ quan và khách quan. Tính hợp mục đích khách quan là có tính nhân quả: nó hiện thực hóa một mục đích. Tính hợp mục đích chủ quan chỉ là năng lực phán đoán biện biệt được khả thể của một mục đích. Trước tiên, Kant phê phán những quan niệm làm cơ sở cho cái đẹp trong tính hợp mục đích khách quan bên ngoài, trong tính hữu ích hay tính dễ chịu của đối tượng, và sau đó Kant tiếp tục phê phán nghiên cứu của Baumgarten về phán đoán thẩm mỹ dựa vào tính hợp mục đích khách quan bên trong để đặt cơ sở cho sự đánh giá của nó về cái đẹp của một đối tượng dựa trên sự hoàn hảo của đối tượng ấy, hoặc trong chừng mực nó hiện thực hóa mục đích của nó (§ 15). Tuy nhiên, Kant đặt nền tảng cho phán đoán thẩm mỹ trong tính hợp mục đích chủ quan, hay “tính hợp mục đích không có mục đích” (Zweckmässigkeit ohne Zweck), hay sự nhất trí giữa hình thức với sự hài hòa chủ quan giữa trí tưởng tượng và giác tính. Hơn nữa, ý thức về tính hợp mục đích như thế được Kant xác định như “sự tự thỏa mãn” được tạo ra bởi sự nhất trí giữa trí tưởng tượng và giác tính.
Trong Phần II của PPNLPĐ - “Phê phán Năng lực Phán đoán Mục đích luận” - Kant tiếp tục phát triển sự phân biệt giữa những hình thức của tính hợp mục đích, nhưng thêm vào một sự xác định rõ hon trong sự phân biệt của ông giữa “thuyết duy tâm” và “thuyết duy thực” về tính hợp mục đích của tự nhiên: thuyết duy tâm xem tính hợp mục đích như ngẫu nhiên và không có tác giả, trong khi thuyết duy thực xem nó là đặc tính cố hữu của vật chất (thuyết vật hoạt) hoặc được rút ra từ một nguồn gốc căn nguyên (thuyết hữu thần) (§ 72). Kant phê phán cả hai thuyết này vì chúng đã xem tính hợp mục đích như một nguyên tắc cấu tạo, và ông cho rằng sự sử dụng nó phải bị giới ước để đóng vai trò như một nguyên tắc điều hành của phán đoán phản tư mà thôi.
Mai Thị Thùy Chang dịch