Dị trị/Ngoại trị [Đức: Heteronomie; Anh: heteronomy]
-> > Ngoại trị/DỊ trị,
Ngoại trị/DỊ trị [Đức: Heteronomie; Anh: heteronomy]
Xem thêm: Tự trị, Nhân quả, Hạnh phúc, Xu hướng, Quy luật, Ban bố quy luật, Hoàn hảo, Ý chí,
Trong CSSĐ, Kant đặt tương phản sự tự do của ý chí biểu hiện trong sự tự trị (autonomy) với sự phụ thuộc của ý chí vào các nguyên nhân và các lợi ích bên ngoài hay ngoại trị. Quy luật luân lý dựa vào sự ngoại trị hẳn sẽ chỉ có giá trị hiệu lực bởi ta có được một lợi ích khi tuân thủ nó; điều này sẽ dẫn đến “sự phụ thuộc của lý tính thực hành vào cảm năng, tức là, vào cơ sở của một tình cảm, qua đó lý tính không bao giờ có thể tự đề ra quy luật một cách luân lý được” (CSSĐ, tr. 461, tr. 60). Kant phê phán mạnh mẽ triết học luân lý trước đây là đã đặt cơ sở trên các nguyên tắc ngoại trị, các nguyên tắc này hành động “như một kích thích có sức cuốn hút hoặc như một lực cưỡng chế buộc phải vâng lời” (CSSĐ, tr. 433, tr. 39). Do đó, ông đặt tương phản “nguyên tắc về tính tự trị của ý chí” của ông với “mọi nguyên tắc khác mà tôi xem như dựa vào sự ngoại trị” (sđd). Những nguyên tắc ngoại trị ấy có thể là thường nghiệm hoặc thuần lý, cái trước “được rút ra từ nguyên tắc về hạnh phúc, dựa trên xúc cảm thể lý hoặc xúc cảm luân lý”, trong khi cái sau, được rút ra từ nguyên tắc về sự hoàn hảo, “dựa trên khái niệm thuần lý về sự hoàn hảo như một tác động khả hữu của ý chí của ta hoặc dựa vào khái niệm về một sự hoàn hảo độc lập (ý chí của Thượng đế) như một nguyên nhân quy định ý chí của ta” (tr. 442, tr. 46).
Trần Kỳ Đồng dịch