Triết học siêu nghiệm [Đức: Transzendentalphilosophie; Anh: transcendental philosophy]
Xem thêm: Siêu hình học, Hữu [Bản] thể học, Triết học, Tổng hợp, Tiên nghiệm, Hệ thống, Siêu nghiệm,
Trong PPLTTT (B 73) và PPNLPĐ (§ 36), Kant mô tả vấn đề tổng quát của triết học siêu nghiệm bằng [câu hỏi] “làm thế nào có thể có được phán đoán tổng hợp tiên nghiệm?”. Như thế, Triết học siêu nghiệm liên quan đến các quy tắc thống ngự những phán đoán như thế - tức những qui tắc được đem lại trong khái niệm thuần túy của giác tính - cũng như việc chỉ ra “một cách tiên nghiệm trường hợp nào mà qui tắc phải được áp dụng” (PPLTTT A 135/B 174) hay nói khác đi, đó là các nguyên tắc của phán đoán siêu nghiệm. Kant phân biệt triết học siêu nghiệm với Phê phán lý tính thuẫn túy ở chỗ cái sau [tức PPLTTT] mang lại một sự phân tích chỉ về “những khái niệm nền tảng”, trong khi một triết học siêu nghiệm hoàn bị nhất định phải đưa ra được “một phân tích tát cạn hết toàn bộ tri thức tiên nghiệm của con người” (A 13/B 27). Nó còn chuyên biệt hon cả bản thể học, bởi vì nó chỉ mở rộng đến giác tính và lý tính “trong một hệ thống của các khái niệm và các nguyên tắc quan hệ với những đối tượng nói chung chứ không nghiên cứu về các đối tượng có thể được mang lại (tức Bản thể học)”, nhưng lại tổng quát hon Tự nhiên học (physiology) vì theo Kant, Tự nhiên học chỉ mở rộng đến giới tự nhiên hay đến với “tổng số những đối tượng được mang lại” (A 845/B 873). Triết học siêu nghiệm mang theo nó một nhiệm vụ phải trả lời các câu hỏi về các đối tượng được mang lại cho lý tính thuần túy, vì “chính khái niệm đã cho phép chúng ta đủ sức đặt câu hỏi thì cũng phải cho chúng ta khả năng trả lời những câu hỏi ấy” (A 477/B 505), cho dù câu trả lời nằm ở việc chỉ ra những giả định không thể biện minh được vốn đã hàm ý ngay trong câu hỏi.
Hoàng Phú Phương dịch