Hiện tượng [Đức: Erscheinung; Anh: appearance]
Xem thêm: Hiện thực, Kinh nghiệm, Mô thức, Ý thể, Ảo tượng, Chất liệu, Noumenon, Phenomenon, Cảm năng, Chân lý,
Trong PPLTTT và SL, Kant cải tiến nghiên cứu của triết học truyền thống về hiện tượng bằng cách phân biệt giữa hiện tượng (Erscheinung/ apperance), Phenomenon và ảo tượng (Schein/illusion). Ông một mực nhấn mạnh đến những sự phân biệt này nhằm cứu hiện tượng khỏi sự khinh thị mà nó đã phải hứng chịu dưới uy quyền của truyền thống triết học: nó không đơn giản chỉ là ảo tượng - tức vẻ bề ngoài lừa dối của tri giác cảm tính - mà đúng hơn còn là kinh nghiệm trong những ranh giới của các trực quan của con người về không gian và thời gian. Tuy nhiên, Kant vẫn bảo tồn một phiên bản sáng giá về sự phân biệt đã có từ thời cổ đại giữa hiện tượng và chân lý - giữa những phenomenon và những noumenon - cùng với những cái đối ứng như cái biến dịch và cái tồn tại, cái cảm tính và cái ý thể, chất liệu và mô thức. Vì sự thỏa hiệp này mà về sau Kant đã bị phê phán, kịch liệt nhất bởi Nietzsche, do việc Kant đã không nhất quán và đã rút lui khỏi các thức nhận của ông về tính không thể tránh khỏi của những hiện tượng.
Trong LA (1770), Kant vẫn còn làm việc bên trong sự đối lập truyền thống giữa hiện tượng và thực tại. Hiện tượng là một đối tượng của nhận thức cảm tính và được đối lập với nhận thức lý tính hay trí tuệ. Kant bình luận một cách trung lập rằng các đối tượng của mỗi lĩnh vực nhận thức, “trong các trường phái triết học của người xưa” (LA §3), được gọi là phenomenon và noumenon. Hon nữa, hiện tượng (ở đây không được phân biệt với các phenomenon) là đối lập rõ rệt với chân lý, và được đồng nhất hóa với chất liệu của cảm giác như đối lập lại với mô thức của trí tuệ: “các sự vật được suy tưởng một cách cảm tính là các biểu tượng về các sự vật xét như chúng hiện ra, trong khi những sự vật thuộc trí tuệ là các biểu tượng của những vật như chúng tồn tại” (LA §4). Cho dù có những phát biểu không rõ rệt như vậy, thì ngay trong văn bản này, Kant cũng đã làm lung lay tận gốc sự đối lập này, và bằng cuốn PPLTTT ông đã đi thêm được một khoảng cách đáng kể hướng tới việc bác bỏ sự đối lập đó.
Trong PPLTTT, bản thân hiện tượng được chia thành chất liệu và mô thức: chất liệu của nó là cái bên trong hiện tượng, “tương ứng với cảm giác”, trong khi mô thức của nó là cái “quy định cái đa tạp của hiện tượng để nó có thể được sắp xếp trong các quan hệ nào đó” (PPLTTT A 20/ B 34). Kant khẳng định rằng, mô thức sắp xếp cảm giác thì bản thân không thể là cảm giác, từ đó ông suy ra rằng mô thức đó là một mô thức tiên nghiệm của trực quan. Ông khám phá ra hai mô thức tiên nghiệm như thế của hiện tượng: không gian và thời gian. Ông muốn cho thấy ta không thể có nhận thức chính đáng ở bên ngoài những mô thức ấy của trực quan, và do đó chúng ta thật ra chỉ có thể biết các hiện tượng trong không gian và thời gian mà thôi. Những hiện tượng không phải là những ấn tượng cảm tính đã tiềm ẩn sẵn khả năng đánh lừa ta, trái lại có sự sắp xếp và tổ chức của riêng chúng. Tuy nhiên, tự nó sự sắp xếp này có thể được nối khớp xa hơn nữa bằng các khái niệm tiên nghiệm của giác tính hay “các phạm trù”. Những hiện tượng được “tổng hợp” như thế sẽ trở thành những phenomenon: “Những hiện tượng, trong chừng mực chúng được suy tưởng như là những đối tượng dựa theo sự thống nhất của các phạm trù, gọi là phaenomena” (PPLTTT A 249). Thế nên các phenomenon cũng là các hiện tượng nhưng đã được tổ chức trong khuôn khổ thống nhất hóa của các phạm trù.
Bước chuyển tiếp từ các hiện tượng tới các phenonmenon là nguyên do [làm xuất hiện] một số luận chứng phức tạp và rối rắm nhất trong PPLTTT. Sự phức tạp này thường là bởi việc Kant ngần ngại không muốn rơi trở lại vào trong sự đối lập truyền thống giữa chân lý và hiện tượng,
vốn vẫn còn là đặc trưng cho lập trường của ông trong quyển LA. Trong khi ta chỉ có thể có nhận thức về các hiện tượng, thì nhận thức của ta lại không chỉ duy nhất được rút ra từ các hiện tượng. Giác tính tổ chức các hiện tượng trong không gian và thời gian dựa theo các khái niệm tiên nghiệm mà nguồn gốc của các khái niệm đó tuy không nằm trong vương quốc của các hiện tượng nhưng chúng sẽ không có được ý nghĩa gì nếu chúng được áp dụng bên ngoài vương quốc kinh nghiệm đó: “Vì thế, bất cứ cái gì không phải là hiện tượng đều không thể là đối tượng của kinh nghiệm, do đó giác tính không bao giờ có thể vượt qua các giới hạn của cảm năng là nơi duy nhất những đối tượng được mang lại cho ta. Các nguyên tắc của giác tính chỉ đơn thuần là các nguyên tắc trình bày về những hiện tượng...” (PPLTTT A 246/B 303).
Như thế hiện tượng không phải là các ấn tượng cảm giác tùy tiện không thể phân biệt được với ảo tượng (Schein). Hoàn toàn ngược lại, vì ảo tượng [nảy sinh] cốt yếu ở việc xem các hiện tượng như thể chúng là những đối tượng tự thân: “Trong chừng mực tính chất này phụ thuộc vào phương cách trực quan của chủ thể trong mối quan hệ với đối tượng được cho, cho nên đối tượng này phải được phân biệt với tư cách là hiện tượng với chính bản thân nó, tức với tư cách là vật-tự thân” (PPLTTT B 69). Vì hiện tượng, Kant đã chỉ rõ trong một cước chú, là “cái gì, trong khi không thể tách rời với biểu tượng về đối tượng, không phải ở nơi đối tượng tự thân, mà bao giờ cũng nằm trong mối quan hệ của đối tượng với chủ thể” (B 70). Việc đưa ra một phán đoán mà không tự giới hạn nó vào mối quan hệ này với chủ thể sẽ làm nảy sinh ảo tượng.
Sự phân biệt của Kant giữa hiện tượng và ảo tượng trong mối quan hệ với chủ thể mang theo nó hàm ý sâu xa hơn về một mối quan hệ của đối tượng với “đối tượng tự thân”. Hàm ý này đã dẫn đến nhiều sự bất đồng ý kiến, bởi qua việc thừa nhận mối quan hệ đó Kant dường như đã khôi phục một sự phân biệt giữa hiện tượng và chân lý. Nhiều nhà phê phán, từ Nietzsche cho tới Strawson, có thể đi theo Kant tới ranh giới của cảm giác, nhưng lại nao núng trước khuynh hướng của Kant muốn vượt khỏi những ranh giới này để nói đến một đối tượng hay vật-tự thân. Thực ra thì làm thế nào mà ông có thể chấp nhận một mối quan hệ với đối tượng tự thân khi ông một mực khăng khăng cho rằng những đối tượng này là không thể nhận thức được: “Những đối tượng nào có thể được xem là những đối tượng tự thân và tách rời khỏi mọi tính thụ nhận của cảm năng chúng ta là điều hoàn toàn không thể biết được đối với ta” (PPLTTT A 42/ B 59). Nếu đối tượng đó là không được biết đến, tức không thể nhận thức được trên thực tế, thì tại sao Kant lại cứ một mực cho rằng các hiện tượng không chỉ được rút ra từ mối quan hệ giữa nó với một chủ thể, mà còn được rút ra từ mối quan hệ giữa nó với một đối tượng [tự thân] ?
Kant nhấn mạnh mặt này hay mặt khác của các quan hệ đặc thù với chủ thể hoặc với đối tượng dựa theo lập trường mà ông đang phê phán. Khi phân biệt các nghiên cứu của mình về hiện tượng và về trực quan cảm tính với Leibniz và Wolff, thì ông gắng sức hạ thấp mối quan hệ của hiện tượng với đối tượng-tự thân: “Nghĩa là thông qua cảm năng, không phải là ta nhận thức một cách không minh bạch về các tính chất của những vật tự thân mà là không thể nhận thức được gì hết về chúng” (PPLTTT A 44/ B 62). Ngược lại, khi ông lập luận chống lại thuyết duy nghiệm và thuyết hoài nghi, ông cố gắng bảo vệ các hiện tượng được đặt nền tảng trong một đối tượng siêu nghiệm cho dù đối tượng này là bất khả tri: “Đối tượng siêu nghiệm làm cơ sở cho những đối tượng bên ngoài cũng như cho những gì thuộc trực quan bên trong không phải là vật chất tự-thân, cũng không phải là một hữu thể-tư duy tự thân, mà chỉ là một cơ sở không nhận thức được của những hiện tượng, và chỉ những hiện tượng này là mang lại khái niệm thường nghiệm về loại trước cũng như về loại sau” (PPLTTT A 380).
Kant dường như thừa nhận một lối tiếp cận thực nghiệm và không giáo điều đối với vấn đề về các hiện tượng. Trong khi nhấn mạnh rằng các hiện tượng không đơn thuần là ảo tưởng hay sự thật, Kant lại từ chối cam kết một nghiên cứu độc quyền hoặc mang tính chủ quan hoặc mang tính khách quan về các hiện tượng. Kant sử dụng cách hiểu của ông về hiện tượng để phê phán các quan điểm đối lập và một chiều về vấn đề mà ông thừa hưởng từ truyền thống triết học. Không may, nhiều nhà kế tục Kant đã quay lại nhấn mạnh đến tính cách độc quyền của lập trường này so với lập trường kia, thậm chí xem là lập trường “thực sự” của Kant. Do đó, Fichte nhấn mạnh đến quan hệ độc quyền của các hiện tượng với chủ thể, trong khi Schelling nhấn mạnh mối quan hệ của những hiện tượng với đối tượng: cả hai ông đều tìm kiếm từ Kant sự biện minh cho lập trường của mình. Đi theo Fichte và Schelling, Hegel (1807, 1812) chọn việc bàn thảo về sự đối lập này như một chủ đề riêng biệt và biến những mối quan hệ chủ thể và khách thể thành những mô-men của một phép biện chứng.
Nguyễn Văn Sướng dịch