Hiện tượng, Vẻ ngoài/Ảo tưựng/Ánh tượng và Ánh hiện [Đức: Erscheinung, Schein und Scheinen; Anh: appearance, illusion and shining]
Tiếng Đức có hai từ cho “appearance” trong tiếng Anh: Schein, với động từ scheinen, và Erscheinung, với động từ erscheinen.
(1) Scheinen có hai nghĩa khác nhau: (a) “chiếu sáng, ánh hiện”; (b) “hiện ra, có vẻ như”. Tương ứng với động từ ấy là danh từ Schein có nghĩa: (a) “ánh sáng, ánh tượng”; (b) “vẻ ngoài, ảo tượng, ảo tưởng”.
(2) Erscheinen và Erscheinung cũng có nghĩa là “xuất hiện ra” và “hiện tượng”, nhưng, khác với Schein và scheinen, hai từ này cũng được sử dụng để nói về sự xuất hiện ra, chẳng hạn, việc công bố một quyển sách, hay việc việc làm cho xuất hiện ra, nhưng không có ngụ ý rằng sự vật là khác với những gì nó xuất hiện.
Trong triết học thế kỷ XVIII, Schein có xu hướng được đánh đồng với Täuschung (“ảo tưởng, sự lừa dối”) hoặc với Erscheinung. Nhưng Kant rút ra một sự phân biệt nghiêm ngặt giữa hai nghĩa này: Erscheinung là một “hiện tượng” (Anh: phenomenon) khả giác, là cái ta tri giác được về một đối tượng tương ứng với các mô thức của cảm năng và giác tính của ta, tương phản với “Noumenon”, tức thực tại siêu cảm tính hay đối tượng tồn tại tự thân. (Khác với Fichte xem các hiện tượng là sản phẩm của hoạt động của cái Tôi, Kant cho rằng một hiện tượng bao hàm cái gì đó xuất hiện ra và bản thân cái sau này lại không phải là một hiện tượng). Trong khi đó, ngược lại, Schein, theo Kant là ảo tượng nảy sinh từ phán đoán sai lầm về hiện tượng hoặc về những đối tượng siêu cảm tính. Schein cũng được dùng trong mỹ học: cả Herder, trong “Plastik”/“Nghệ thuật tạo hình” của ông, cũng như Kant, trong PPNLPĐ, đều phân biệt hội họa như là nghệ thuật về cái Schein cảm tính so với điêu khắc và kiến trúc như là nghệ thuật về sự thật cảm tính, bởi hội họa chỉ mang lại ảo tượng (illusion) về tính ba chiều của không gian. Nhưng Schiller lại xem Schein (theo nghĩa là “vẻ ngoài” thẩm mỹ, chứ không phải “ảo tượng” hay lừa dối) như một đặc điểm của tất cả mọi nghệ thuật (tương phản với thực tại), và cũng là đặc điểm của bất kỳ đối tượng nào được nhìn dưới giác độ thẩm mỹ.
Hegel bác bỏ sự phân biệt của Kant giữa Schein và Erscheinung, giống như ông cũng bác bỏ vật-tự thân bất khả tri và bác bỏ thuyết DUY TÂM “chủ quan” của Kant và Fichte (“chủ quan” theo quan niệm của Hegel), vốn là cơ sở cho sự phân biệt nói trên. (Hegel tin rằng “hiện tượng” như Kant quan niệm là Schein hơn là Erscheinung). Nhưng Hegel vẫn phân biệt giữa hai từ này. Theo Hegel, Schein là đối ứng với Wesen (“bản chất”/ Anh: “essence”): BẢN CHÂT xuất hiện hay ánh hiện (scheint), nhưng bản thân nó lại ẩn đàng sau tấm màng của Schein. Trong trường hợp đó, Sein (“TỒN TẠI”, tức những gì ta trực tiếp làm quen) là Schein, vừa theo nghĩa rằng nó phụ thuộc vào một cái gì khác, tức vào bản chất, đồng thời theo nghĩa rằng nó không biểu lộ trọn vẹn bản chất ấy. (Sein và Schein gần giống nhau về ngữ âm, nhưng xa nhau về mặt từ nguyên). Nhưng Schein và scheinen, với Hegel, vẫn còn có nghĩa thứ hai là “chiếu sáng” hay “ánh hiện”. (Hai từ này gắn liền với từ PHẢN TƯ (Reflexion) cũng hàm hồ không kém). Vì thế Hegel nói về bản chất như là sự “ánh hiện” hay “chiếu sáng” ở bên trong hay vào trong chính mình, như thể bản thân bản chất và sự khác biệt của nó với Schein được tạo nên bởi một tiến trình tương tự với tiến trình nhờ đó nó “ánh hiện” hay “chiếu sáng” bản thân ra bên ngoài: chỉ bằng cách phóng chiếu một ánh tượng (ánh hiện ra bên ngoài) - chẳng hạn những bong bóng sủi bọt nơi một chất lỏng được đun sôi - và rồi thu hồi ánh tượng này (ánh hiện vào bên trong), mà bản chất cấu tạo nên chính mình như là bản chất. Hegel cũng sử dụng quan niệm về cái Schein nhân đôi này trong sự liên kết với những cặp hạn từ đối ứng khác: chẳng hạn, trong chừng mực cái phổ biến ánh hiện vào trong chính mình, nó mới đích thực mang tính phổ biến hay tính loài (ví dụ: “màu sắc” trong quan hệ với “màu đỏ”, V.V.), trong khi đó, trong chừng mực nó ánh hiện ra bên ngoài, nó trở thành riêng biệt hay đặc thù tương phản với “cái khác” mà nó ánh hiện vào (ví dụ: “màu sắc” trong quan hệ với “hình thê” hay “âm thanh”). (Ở đây Schein có thể hoán đổi với Reflexion). Trong mỹ học, Hegel, giống như Schiller, tin rằng nghệ thuật làm việc với Schein: ông phân biệt Schein với Täuschung (ảo tượng, lừa dối), và liên kết nó với từ gần đồng âm và gần gũi về từ nguyên: schön (“đẹp”).
Trong cách dùng từ của Hegel, Erscheinung và erscheinen khác với Schein và scheinen ở một số phương diện sau đây:
(1) Erscheinung cũng là sự xuất hiện ra của một bản chất, nhưng bản chất hoàn toàn bộc lộ chính mình trong Erscheinung và không ẩn giấu điều gì cả. (Sức mạnh nguyên thủy của tiền tố er- có nghĩa là “từ bên trong”, dẫn đến ý tưởng về “sự quá độ”, và vì thế dẫn đến ý tưởng về “sự đạt được hay đạt tới”).
(2) Giống như Schein, Erscheinung là phù du và phụ thuộc, nhưng cái mà nó phụ thuộc vào thì, ít ra một cách trực tiếp, không phải là một bản chất, mà là cái Erscheinung khác. Vì thế, tương phản với Schein, Erscheinung là một cái TOÀN BỘ, đa dạng, liên lập (phụ thuộc lẫn nhau) và biến dịch, hay còn gọi là: thế giới.
(3) Erscheinung không chủ yếu tương phản với “bản chất”, mà với “KHÁI NIỆM” hay “HIỆN THựC” (là cái hiện thực hóa trọn vẹn khái niệm), và do đó là bất tất và mong manh hơn là tất yếu, hợp lý tính và ổn định: chẳng hạn, tâm lý học thường nghiệm chỉ xem xét Erscheinung của TINH THẨN (con người), còn tâm lý học thuần lý hay có tính siêu hình học thì chỉ xem xét khái niệm về tinh thần (con người), trong khi đó, Hegel tin rằng cách tiếp cận đúng đắn là phải xem khái niệm về tinh thần ấy hiện thực hóa chính mình như thế nào trong Erscheinung. Ví dụ khác: trong khi một tội ác chỉ đon thuần là Schein, bởi nó xung đột với PHÁP QUYỂN, và pháp quyền khôi phục chính mình bằng sự PHỦ ĐỊNH (tức TRỪNG PHẠT) cái Schein này. Trong khi đó, một hợp đồng đặc thù là Erscheinung vì nó không xung đột với pháp quyền mà chỉ là một sự biểu lộ bất tất của pháp quyền (THPQ, §82). (Erscheinung - và Schein - thường thay đổi cách sử dụng, tùy theo văn cảnh, khi Hegel xem xét khái niệm hay cấu trúc hợp lý tính mà nó tưong phản).
Trong HTHTT và KHLG, thế giới hiện tượng (Erscheinung) sản sinh ra một thế giới khác có tính bản chất hay Tự MÌNH và là sự đảo ngược (Verkehrung/Anh: the reverse) của thế giới hiện tượng. Sự tư ổng tác giữa các hiện tượng được chi phối bởi những QUY LUẬT (Gesetze), được Hegel liên hệ với ý tưởng rằng bất kỳ hiện tượng nào cũng được THIẾT ĐỊNH (gesetzt), hay được tạo ra bởi hiện tượng khác. Những quy luật giải thích những sự thay đổi trong lĩnh vực hiện tượng. Nhưng vì lẽ những thay đổi này là những sự đảo ngược (nóng trở thành lạnh V.V.), những quy luật phải cho thấy rằng những gì trong thế giới hiện tượng, chẳng hạn, là nóng, thì vẽ bản chất, hay tự mình, là lạnh và v.v. Điều này gợi nên ý tưởng về một thế giới vốn là sự đảo ngược của thế giới hiện tượng, trong đó tất cả những gì, có một chất nào đó, trong thế giới của ta, thì, trong thế giới tự mình có một chất đối lập.
Ý nghĩa của thế giới bị đảo ngược này là không rõ ràng. Phải chăng Hegel đòi hỏi rằng hai thế giới như thế phải là bất khả phân biệt? Một số ví dụ của ông (chẳng hạn các cực đối lập của nam châm, điện dưong và điện âm) quả là bất khả phân biệt, trong khi các ví dụ khác (chẳng hạn, đen và trắng) thì không phải như thế. Phải chăng ta phải suy tưởng về chủ thể-người như là công dân của một trong hai thế giới ấy và chịu một sự đảo ngược tưong ứng, hay đúng hon, vượt bỏ cả hai thế giới và hợp nhất chúng lại với nhau trong tư tưởng (ngụ ý rằng con người ít ra không phải là Erscheinung đơn thuần)? Nhưng có một số điều là khá sáng tỏ. Thứ nhất, ý tưởng này đến từ nhiều nguồn và nhiều ý nghĩa đối với Hegel: giống như Schelling, ông bị thu hút bởi tính phân cực của nam châm và điện; nhưng ý tưởng này cũng còn có ý nghĩa đạo đức và tôn giáo, chẳng hạn, trong sự đảo ngược của cái thiện và cái ác. (Xem: HTHTTVỈ. B về sự tha hóa). Thứ hai, những sự đảo ngược tương tự cũng diễn ra trong suốt các tác phẩm của ông, chẳng hạn, thế giới xã hội bị tha hóa sau sự sụp đổ của Đế quốc Ta Mã sản sinh ra một thế giới cũng đảo ngược tương tự, đó là thế giới của ĐỨC TIN. Thứ ba, cho dù ông rất quan tâm đến thế giới đảo ngược, và tin rằng thế giới của ta là thế giới hiện tượng, Hegel từ khước lòng tin vào hay sự khao khát về một thế giới “ở bên kia” (Jenseits/ Anh: “beyond”' ) vốn là niềm tin chung của các tác giả đương thời (Kant, Herder, Schelling, V.V.). Bản chất hay cấu trúc lô-gíc (mà Hegel không ngần ngại gọi là “THƯỢNG ĐỂ”) của thế giới hiện tượng biểu lộ hoàn toàn trong sự tương tác của nó và trong những sự đảo ngược. (Một số học giả, chẳng hạn, Shklar, trong Freedom and Independence (1976), liên hệ thế giới đảo ngược với thế giới của những MÔ THỨC của Plato. Nhưng những mô thức của Plato là một sự ý thể hóa/lý tưởng hóa, chứ không phải một sự đảo ngược của thế giới hiện tượng).
Bùi Văn Nam Sơn dịch