Đối tượng [Đức: Ding, Objekt, Gegenstand; Anh: object]
Xem thêm: Hiện tượng, Tồn tại, Hiện hữu, Không (cái), Vật-tự-thân, Đối tượng siêu nghiệm,
Khái niệm của Kant về một đối tượng là rất mực tinh tế, mặc dù những sắc thái của nó thường bị mất đi trong bản dịch [tiếng Anh của Kemp Smith] thiếu sự phân biệt và thiếu hệ thống về những thuật ngữ Ding, Gegenstand và Object của ông. Ở mức độ chung nhất trong triết học thực hành của mình, Kant đi theo sự phân biệt trong luật La mã giữa những nhân thân và những sự vật (xem Justinian’s Institutes, Quyển 1 và 2). Một nhân thân “là một chủ thể mà những hành vi của chủ thể đó có thể bị quy trách nhiệm”, trong khi đó một vật thì “không thể bị quy trách nhiệm”; cái trước được xác định rõ như một chủ thể sở hữu sự tự do và tự khởi; có khả năng hành động dựa theo các nguyên tắc, trong khi đó một vật không có sự tự do và tự khởi. Một con người hành động theo các xu hướng là một vật, như một vật đơn thuần bị sử dụng như phương tiện cho những mục đích của người khác.
Sự vật được phân biệt với nhân thân bằng tính thụ động của nó và không có tác nhân tự do, tự trị và đây là những đặc tính xác định tính chất của vật hay đối tượng được bàn kỹ trong triết học lý thuyết. Thế nhưng trong khi sự vật là có tính thụ động trong nghiên cứu của Kant về kinh nghiệm, thì ông thận trọng phân biệt giữa những phương cách khác nhau trong đó những sự vật và những đối tượng đối lập lại những sự tổng hợp tự khởi của giác tính con người. Những phương cách khác nhau này của vật tính có thể được nhận diện bằng những từ khác nhau trong tiếng Đức mà Kant sử dụng cho chúng - Ding, Gegenstand, Objekt - và những ngữ cảnh mà chúng xuất hiện.
Dingìà thuật ngữ Kant ít sử dụng nhất trong triết học phê phán, lý do là vì ông muốn phân biệt giữa triết học phê phán của ông với siêu hình học giáo điều của trường phái Wolff. Thuật ngữ Ding được Wolff và trường phái của ông sử dụng nhằm xác định vật tính siêu hình học; nó cho thấy rằng cái gì cũng có thể có, ngay cả khi nó không có thật. Những người theo thuyết Wolff hiếm khi, nếu không nói là chẳng bao giờ, sử dụng những thuật ngữ Objekt và Gegenstand được Kant ưa chuộng. Thế nên trong PPLTTT, Ding xuất hiện trong những ngữ cảnh liên quan đến vật tính siêu hình học, như khi bàn về sự khẳng định và sự phủ định siêu nghiệm (A 574/B 603). Ở đây trước hết Kant cho rằng sự khẳng định siêu nghiệm xác lập nên thực tại, và chỉ thông qua nó, những đối tượng mới được xem là có vật tính hay “Gegenstände etwas (Dinge) sind” [“những đối tượng là cái gì đó” (những sự vật/Dinge)]. Sự khẳng định siêu nghiệm cũng xác lập nên khả thể của sự phủ định, vì “tất cả những khái niệm phủ định đều là phái sinh” (PLTTT A 575/ B 603), và, hơn nữa, khả thể của mọi sự giới hạn, vì Kant xem sự giới hạn như là một hình thức của sự phủ định. Vì vậy Kant cho rằng ta cần phải có một cảm nhận khái quát hay “ý thể” về vật tính nói chung, hay omnitudo realitas [tất cả tính thực tại], để tri giác những đối tượng hữu hạn, xác định. Ông gọi khái niệm về vật tính không xác định này là “vật-tự-thân”, bằng việc sử dụng thuật ngữ Ding an sich [vật tự thân], khi đối lập với Gegenstand hay Objekt hay Objekt an sich [đối tượng tự thân].
Kant nhấn mạnh sự phân biệt giữa Ding và Gegenstand trong các định đề của tư duy thường nghiệm. Ở đây ông phân biệt giữa nhận thức về một sự tồn tại đã được xác định (Dasein) mà nó chỉ có thể được nhận biết như là một hiện tượng hay “sự tồn tại của những kết quả từ nguyên nhân đã cho phù hợp với quy luật nhân-quả” (PPLTTT A 227/B 279) với “tồn tại của những sự vật (bản thể) chưa được xác định [Dasein der Dinge (Substanzen)] ” (A 227/B 279) vốn không thể được nhận biết. Một lần nữa, Ding đồng nghĩa với bản thể siêu hình học và nó được phân biệt với “điều kiện [của những sự vật]... mà ta chỉ có thể biết từ những điều kiện khác được mang lại trong tri giác, theo các quy luật thường nghiệm của tính nhân quả” (A 227/B 280). Với thuật ngữ sau, Kant tập trung vào khái niệm về sự vật hay đối tượng chuyển từ Ding sang Gegenstand và Objekt.
Sự phân biệt của Kant giữa Gegenstand và Objekt là mấu chốt trong triết học siêu nghiệm, mặc dù ông chưa bao giờ bàn về chúng thành chủ đề một cách rõ ràng và hoàn toàn bị xóa bỏ trong bản dịch (tiếng Anh) của Kemp Smith về PPLTTT. Nó gồm yêu sách có tính cách tiên đề là “những điều kiện cho khả thể của kinh nghiệm nói chung cũng đồng thời là những điều kiện cho khả thể của những đối tượng [Gegenstände] của kinh nghiệm” (PPLTTT A 158/B 197), và mối quan hệ phức tạp này đưa đến sự phân biệt giữa khái niệm và trực quan. Gegenstände là những đối tượng của kinh nghiệm hay những hiện tượng phù hợp với những giới hạn của giác tính và trực quan; chúng có thể là những hiện tượng trong trực quan mà không “nhất thiết phải quan hệ với những chức năng của giác tính” (A 89/B 122), hay “những đối tượng của ý thức” “không có gì khác biệt với sự lĩnh hội chúng” (A 190/B 235). Khi những đối tượng [Gegenstände] của kinh nghiệm được tạo thành những đối tượng cho sự nhận thức, thì chúng trở thành Objekte. Nhận thức của giác tính “là ở trong mối quan hệ nhất định giữa những biểu tượng được cho với một đối tượng” [Objekt] với Objekt được mô tả là “trong khái niệm về đối tượng, cái đa tạp của một trực quan được cho được hợp nhất lại” [B 137], “Trực quan được cho” hay Gegenstand, vì thế tạo thành một Objekt dưới điều kiện của sự thống nhất của thông giác.
Những nghiên cứu khác nhau của Kant về đối tượng, do có nguy Cổ bị đánh giá chưa đúng mức về sự dị biệt nội tại của chúng, cần được tổ chức bằng nghiên cứu nhất quán về đối tượng. Một Objekt của nhận thức có thể nhận thức được bằng những khái niệm của giác tính đòi hỏi phải có một đối tượng của kinh nghiệm hay Gegenstand. Vì để có những đối tượng như thế đòi hỏi rằng phải có cái gì đó chứ không phải là không có gì, nên “cái gì đó” này hay vật tính - Ding - là không thể nhận thức được, mà chỉ được bàn như cái Ding an sich [vật-tự thân] siêu hình hay bản thể. Lối đọc này về đối tượng của Kant nhấn mạnh sự thân thuộc giữa PPLTTT với truyền thống bản thể học mà Kant đã gợi ra trong PPLTTT (A 247/B 303). Khi Kant lưu ý trong SHHĐL rằng “những bậc thầy về môn bản thể học”, mở đầu bằng những khái niệm “tồn tại” và “hư vô” thì họ đã quên rằng sự phân biệt này đã là một sự phân chia khái niệm về đối tượng nói chung” (tr. 218, tr. 46). Vì thế ông bắt đầu với đối tượng nói chung hay Ding, rồi được chia ra thành tồn tại và hư vô bằng sự khẳng định siêu nghiệm và sự phủ định siêu nghiệm. Ding lại được tiếp tục xác định rõ hon nữa như là một đối tượng của kinh nghiệm - Gegenstand - và sau cùng là một đối tượng cho nhận thức - Objekt -, vì thế tạo nên một phiên bản có tính phê phán đối với bản thể học truyền thống.
Cù Ngọc Phương dịch