Khu vực công [Đức: Öffentlichkeit; Anh: Public sphere]
Là những thiết chế xã hội cho phép tranh luận mở và hợp lý tính giữa các công dân để hình thành công luận. Tranh luận có thể được tiến hành trực tiếp hay thông qua trao đổi thư từ và truyền thông bằng văn bản, và có thể qua trung gian của tập san, báo và các hình thức truyền thông điện tử. Theo lý tưởng, khu vực công cần được mở ra cho tất cả, và sự đồng tình cần được đảm bảo thông qua sức mạnh của luận cứ tốt hơn, chứ không phải thông qua bất cứ sự sử dụng hay sự đe dọa sử dụng vũ lực nào cả. Habermas tìm hiểu lịch sử của khu vực công trong cuốn sách đứng tên độc lập sớm nhất của ông The Structural Transformation of the Public Sphere (1989a)/ Sự biến đổi cấu trúc của khu vực công. Mối quan tâm thời trẻ của Habermas với khu vực công làm nổi bật vị trí căn bản mà những khái niệm về dân chủ/democracy và lý tính giao tiếp/communicative reason chiếm giữ trong các công trình của ông.
Khu vực công ra đời cùng với sự trưởng thành của chủ nghĩa tư bản/capitalism ở châu Âu vào thế kỷ XVIII. Chủ yếu đây là khu vực công của giai cấp tư sản, nghĩa là nó là không gian trong đó các thành viên của các tầng lớp thương mại và nghề nghiệp đang lên có thể gặp gỡ và giao tiếp. Tầng lớp lao động và tầng lớp quý tộc phần lớn bị loại trừ. Trong các xã hội phong kiến trước đó, tầng lớp quý tộc thống trị ít nhiều có sự kiểm soát trực tiếp trên mọi phương diện của đời sống xã hội, kể cả nền kinh tế. Trong khi vị quân vương phong kiến có thể hiện diện trước công chúng, thì sự trình diện cá nhân này phần lớn là sự phô bày khoa trương về quyền lực của vị quân vương đó. Nó không mời gọi bất cứ sự thách thức hay tranh luận nào. Khi giai cấp tư sản ngày càng trở nên hùng mạnh, nhất là lúc nó đi đến chỗ kiểm soát nền kinh tế, giành lấy sự kiểm soát nền kinh tế từ nhà nước, thì nó bắt đầu tìm kiếm một tiếng nói ngày càng tăng trong chính sách của chính quyền. Chính sách của chính quyền, nhất là trong các quan hệ quốc tế và trong nội bộ thông qua việc đánh thuế, có thể có tác động lớn lên các lợi ích kinh tế của giai cấp tư sản; giai cấp này đến lượt mình tìm cách bảo vệ cho các lợi ích này. Vấn đề ở đây không thiên nhiều về nền dân chủ, ít nhất theo nghĩa về quyền đơn giản để biểu quyết, và thiên nhiều về việc tạo nên một nhà nước đáp lại sự bày tỏ của giai cấp tư sản về nhu cầu và lợi ích của mình trong công luận (1989a, tr. 14–26).
Vì vậy, khu vực công là trung gian giữa địa hạt công cộng của nhà nước và những lợi ích riêng tư của các thành viên riêng rẽ thuộc giới tư sản. Sự phân biệt công–tư là quan trọng ở giai đoạn này. Nhưng khu vực công làm trung gian giữa công và tư không chỉ như phương thức để mang các tiếng nói của nhiều cá nhân riêng tư lại với nhau, mà còn trong chừng mực nó tạo điều kiện cho việc xiển minh về ý thức cái tôi của người tư sản riêng lẻ. Tính chủ thể tư sản được hình thành thông qua khu vực công. Ở đây Habermas phân biệt giữa khu vực công văn học (literary public sphere) và khu vực công chính trị (political public sphere), và phác họa sự phát triển ban đầu của cả hai ở Anh.
Thế kỷ XVIII chứng kiến sự phát triển căn bản trong nghệ thuật, và nhất là trong văn chương. Lần đầu tiên, ở hình thức của giới tư sản, xuất hiện tầng lớp nhàn hạ và có giáo dục vốn có phương tiện để mua các tác phẩm nghệ thuật và có thời gian để thưởng thức chúng. Trong khi các điều kiện này tác động đến mọi ngành nghệ thuật, từ đó thương mại hoá chúng và giải phóng các nghệ sĩ khỏi sự bảo trợ của nhà thờ hay nhà nước, nhưng hình thức nghệ thuật đặc sắc nhất nảy sinh ra là tiểu thuyết. Đây là hình thức nghệ thuật có tính hệ hình của thế kỷ XVIII, được sản xuất hàng loạt, và phù hợp một cách hoàn hảo với thị trường của giới học thức mới. Tuy nhiên, Habermas nêu ra một điểm quan trọng rằng tiểu thuyết có nguồn gốc ở thư từ. Quả vậy, những tiểu thuyết đầu tiên là các tập hợp của các lá thư kiểu mẫu. Câu chuyện là thứ yếu so với việc người ta có thể dạy cho giai cấp tư sản cách biểu đạt bản thân trong sự viết. Sự biểu đạt này không chỉ là vấn đề về lối viết tao nhã, mà đúng ra là của việc xiển minh công khai những cảm xúc nội tâm của con người (1989a; tr. 48–51). Bằng cách ấy, thư từ khởi sự việc bắc cầu giữa địa hạt cá nhân và địa hạt công cộng.
Sự trỗi dậy của tiểu thuyết còn có một ngụ ý xa hơn. Trước thế kỷ XVIII, nếu có đọc, người ta đọc các tác phẩm kinh điển. Không có bất cứ tra vấn nào về địa vị của các tác phẩm kinh điển với tư cách bộ môn nghệ thuật lớn. Tiểu thuyết, chính xác vì nó mới xuất hiện, đã đặt ra một vấn đề với người đọc: nó có thực sự đáng đọc (1992c, tr. 423)? Vì thế, khu vực công văn học bắt đầu định hình theo yêu cầu tranh luận và biện minh cho sự vận dụng phong vị (exercise of taste). Văn chương đào luyện cho độc giả tư sản, không chỉ trong sự tự biểu đạt, mà còn trong tranh luận công cộng. Khu vực văn học mở rộng ra bao gồm không chỉ tác phẩm hư cấu, mà còn có tiểu luận, thường được xuất bản trong các tạp chí định kỳ (chẳng hạn như Tatler và Spectator), vốn kích thích sự thảo luận về một loạt các chủ đề thực tiễn, khoa học và xã hội. Chúng được bổ sung bởi các tổ chức như khách sảnh nghệ thuật, quán cà-phê và các hội học giả, ở đó tại các cuộc gặp mặt đối mặt, các ý tưởng có thể được trao đổi, tranh biện và bảo vệ.
Do đó, khu vực công chính trị ra đời thông qua hỗn hợp các phương tiện truyền thông và các tổ chức đa dạng như thế này. Nhưng nó còn chờ đợi một mục quan trọng. Báo chí chính trị, trong khi một mặt được kích thích bởi sự hiện diện của các tạp chí định kỳ gắn liền với các đảng chính trị, mặt khác vẫn bị cản trở bởi sự loại trừ các nhà báo từ Quốc hội Anh. Tranh luận chính trị thực sự đã diễn ra một cách riêng tư cho đến khi không gian được cung cấp cho các nhà báo trong Hạ nghị Viện [Anh] vào năm 1803 (1989a, tr. 62).
Nếu điều này phác họa sự ra đời của khu vực công thì Habermas cũng nhanh chóng chỉ ra những điểm yếu thực sự và những mâu thuẫn của nó. Trong khi nó tự xiển minh chính mình bằng một lý tưởng, sao cho tất cả mọi công dân đều có thể góp phần vào cuộc tranh biện, thì trong thực tế lý tưởng đó lại phải thỏa hiệp. Các tầng lớp lao động bị loại trừ, và điều này dẫn đến một số vấn đề căn bản bị loại trừ khỏi tranh luận. Những người đóng góp cho khu vực công đều thuộc cùng hạng người xét về quyền lực và các lợi ích kinh tế. Sự khác biệt có tính cá nhân giữa các thành viên của giới tư sản thường là các lợi ích kinh tế, và được xử lý ngoài thị trường. Xung đột to lớn về các lợi ích kinh tế vốn tồn tại giữa các tầng lớp lao động và giai cấp tư sản là thứ không được tranh biện. Kết quả là nó không được thừa nhận cả về mặt chính trị.
Việc mở rộng nhượng quyền thương mại trong thế kỷ XIX, và việc thiết lập nhà nước phúc lợi đầu thế kỷ XX, bắt đầu khắc phục vấn đề này. Tuy nhiên, Habermas cho rằng điều này có được với cái giá của sự tan rã một khu vực công hiệu quả. Luận điểm của Habermas ở đây không phải cho rằng khu vực công không có khả năng tranh biện một cách hợp lý tính về sự khác biệt trong lợi ích giai cấp. Đúng ra, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản dẫn đến sự biến đổi căn bản trong cả giai cấp lao động lẫn tính chủ thể tư sản, và sự biến đổi đó làm suy yếu đi cuộc tranh biện. Trong khi ý thức về cái tôi của tư sản thế kỷ XVIII được đặt nền tảng trên các kỹ năng tự xiển minh và tranh luận, thì Habermas cho rằng ở thế kỷ XX cả giới tư sản và giai cấp công nhân đều ngày càng trở nên tư hữu hoá. Tức là các cá nhân có thể rút khỏi sự biện hộ công cộng cho sở thích và quan điểm của họ. Trong chủ nghĩa tư bản hậu kỳ, điều này được đặc trưng bởi sản xuất kinh tế quy mô lớn, các công ty đa quốc gia, và các bộ máy quan liêu rộng lớn trong cả khu vực sản xuất kinh tế tư nhân lẫn trong nhà nước, cá nhân ngày càng được thông hiểu khi xét đến vị trí trong phạm vi hệ thống kinh tế hay hành chính. Sau đó, Habermas phát triển luận cứ này trong phân tích của ông về sự thuộc địa hoá thế giới đời sống/colonisation of the lifeworld, khi người dân ngày càng liên hệ với nhau theo lối công cụ (instrumental) chứ không theo lối giao tiếp (communicative). Nghịch lý thay, các mối quan hệ xã hội phức tạp lại không yêu cầu các kỹ năng giao tiếp và tự phản tư phức hợp. Thay vào đó, chúng đòi hỏi khả năng phản ứng trước những tình huống như được xác định bởi cấu trúc kinh tế hành chính, và điều đó được đơn giản hoá và lược đồ hoá cao độ.
Kỹ năng giao tiếp, vốn là nền tảng cho khu vực công, trở nên hao mòn, và điều này được phản ánh trong cả sự tiêu thụ văn hoá lẫn trong chính trị. Trong khi người tư sản thế kỷ XVIII được kỳ vọng có thể tranh biện về phong vị hay sở thích của mình thì người tiêu thụ văn hoá ở thời hiện đại không cần gì hơn việc sử dụng chúng trong hành vi tiêu dùng. Phong vị bị quy giản thành sự ưa thích chủ quan vốn không thích hợp cho sự thảo luận hợp lý tính (xem quyết định luận/decisionism). Có lẽ điều còn có vấn đề hơn là những gì tương tự xảy ra đối với chính trị. Tranh luận công cộng bị thay thế bởi bầu cử đại chúng. Công luận bị quy giản thành ra chỉ là phép cộng của sự ưa thích cá nhân hơn là sự đàm phán mở và tranh luận về quan điểm chung. Cuộc bầu cử vì thế ít nhiều trở thành cuộc trưng cầu dân ý về tuyên ngôn tranh cử của hai hay nhiều đảng chính trị. Các vấn đề thực tế bị đè nén phía sau lựa chọn bị đơn giản hoá được trình bày với cử tri. Một cách tinh tế hơn, Habermas cho rằng các quan hệ công cộng hiện đại và sự quảng cáo có thể làm xói mòn hơn nữa phẩm chất của bất cứ tranh luận nào diễn ra. Tu từ pháp thay thế lý luận trong sự hình thành ‘ý kiến không công khai’ (non-public opinion) (1989a, tr. 221).
Mặc dù Habermas sau đó đã sửa lại quan điểm về khu vực công, và nêu ý rằng ông đã ít bi quan hơn về sự xói mòn của tranh biện công cộng (1992c), nhưng những mối quan tâm biểu đạt trong Structural Transformation of the Public Sphere vẫn là những vấn đề mà Habermas còn trở lại trong suốt sự nghiệp của mình.
Đọc thêm: Holub, 1991, tr. 1–19; Cahoun, 1992; Crossley & Michaels, 2004.