Dễ chịu (sự) [Đức: Angenehm; Anh: agreeable]
Xem thêm: Cảm năng học/Mỹ học, Kích động (sự), Đẹp, Hài lòng (sự), Tinh cảm, Vui sướng (sự), Sở thích,
Là một trong các thuật ngữ trong triết học mỹ học và triết học thực hành của Kant, “cái dễ chịu” được dùng để mô tả tình cảm về sự vui sướng. Nó xuất hiện như một thuật ngữ trong sự đối lập lịch sử mà Kant nhắc lại để xác định lập trường riêng của mình. Ông liên hệ nó với các trước tác của trường phái “cảm quan luân lý” của Anh mà ông đối lập với trường phái thuần lý-hoàn hảo chủ nghĩa của Đức của Christian Wolff và những người theo Wollf. Trong CSSĐ, tình cảm về cái dễ chịu “tác động đến ý chí chỉ bằng cảm giác” một cách chủ quan (CSSĐ, tr. 413, tr. 24) và được đặt đối lập với sự quy định thuần lý của ý chí do những người theo thuyết Wolff đề ra. Kant đặt mình vào giữa hai lập luận ấy bằng cách khai triển khái niệm về một mệnh lệnh vừa có đặc tính chủ quan lẫn khách quan.
Một hình thức lập luận tương tự được theo đuổi trong PPNLPĐ §3-7, ở đây sự đối lập giữa cái dễ chịu (lý thuyết của Anh về “sở thích”) và cái thiện (lý thuyết “mỹ học” Đức) được dùng để tô đậm cho lập trường thứ ba của riêng Kant. Cái dễ chịu, cái thiện và cái đẹp đều là các “giống” của “loài” là “sự hài lòng”; mỗi cái là một “sự biến thái của tình cảm vui sướng
hoặc không-vui sướng” cũng như là một quan hệ của một biểu tượng với đối tượng của nó (PPNLPĐ §3). Nhưng sự hài lòng nơi cái dễ chịu cốt yếu ở “cái gì làm hài lòng các giác quan trong cảm giác” (§3) hay ở tình cảm về sự vui sướng được khơi gợi bởi sự hiện diện của một đối tượng của cảm giác. Ngược lại, cái thiện bao hàm sự hiện diện của một khái niệm của giác tính. Quan niệm của Kant về bản tính của sự hài lòng trong cái đẹp được định nghĩa một cách phủ định đối lập lại sự đối lập này, nghĩa là như cái gì vừa không phải cảm tính vừa không thuần lý, không đòi hỏi sự hiện diện của cả đối tượng lẫn khái niệm.
Để khai thác đầy đủ sự tương phản giữa cái dễ chịu và cái thiện, Kant phóng đại những đặc tính không hay của cái trước. Nó không cần đến quan năng phán đoán và làm vừa lòng quan năng ham muốn, và nó đưa ra sự hài lòng chỉ như sự thích khoái đơn thuần “mang tính sinh lý có điều kiện (thông qua sự kích thích)” (§5). Thậm chí tệ hơn, nó là nhân tố có ý nghĩa cả “cho mọi sinh vật không có lý tính”, một “tình cảm riêng tư”, về bản chất là không có tính xã hội. Hình thức lập luận này được dùng như là một ví dụ về những tác động xấu lên sự phân tích triết học về tư duy dựa vào những sự đối lập lưỡng phân (dichotomies). Thực tế, một số tác giả xem phương thức tiến hành của Kant là sự đồng lõa với một loạt những công thức lưỡng phân được thừa hưởng từ quá khứ và vốn là đặc trưng cho triết học Tây phương, trong số đó là sự lưỡng phân dành đặc quyền cho lý tính hơn là thể xác, giống đực cao hơn giống cái, Âu châu cao hơn không-phải-Âu-châu. Tuy nhiên, phương thức của Kant có thể được biện hộ như sự phát hiện ra cách nói khác về các công thức triết học bằng cách nhắc lại những sự đối lập đã được thừa nhận trên bình diện văn hóa.
Hoàng Phong Tuấn dịch