Giáo hội/Nhà thờ [Đức: Kirche; Anh: Church]
Xem thêm: Thượng Đế/Thiên Chúa, Nhà nước, Biện thần luận, Thần học,
Cách hiểu của Kant về giáo hội có thể được đặt trong ngữ cảnh rộng của khoa giáo hội học Tin Lành. Điều này trước hết liên quan đến những vấn đề về mối quan hệ giữa giáo hội với những tín đồ và với nhà nước. Cách xử lý của Kant về hai vấn đề này trong TG và SHHĐL cho thấy sự kết hợp thường không ổn định của những chủ đề được rút ra từ truyền thống Calvin và Pietist đang thịnh hành thời bấy giờ tại nước Phổ.
Di sản hiển nhiên nhất của chủ nghĩa Calvin là sự phân biệt của Kant giữa giáo hội vô hình và giáo hội hữu hình. Giáo hội vô hình là “ý niệm về sự hợp nhất của mọi người chính trực dưới sự cai quản trực tiếp của thế giới luân lý thần linh. Giáo hội vô hình sẽ là sự hiện thực hóa của khối cộng đồng đạo đức, nhưng nó cũng có thể được theo đuổi thông qua giáo hội hữu hình tức là “sự hợp nhất hiện thực của con người vào trong một toàn bộ hài hòa với lý tưởng đó”. Kant mô tả những đặc trưng của giáo hội hữu hình đúng đắn bằng Sổ đồ bốn đề mục phạm trù về lượng, chất, tưong quan và tình thái: vê lượng, nó là phổ biến và hợp nhất; về chất, nó là thuần túy; về tương quan bên ngoài và bên trong là được cai quản bằng nguyên tắc của sự tự do; về tình thái, nó là bất biến.
Đối với sự thiết lập thể chế của giáo hội hữu hình, Kant dứt khoát không đồng ý sự phụ thuộc kiểu Kitô giáo lẫn sự phụ thuộc kiểu Chính thống giáo vào những hình thức quân chủ và quý tộc của các tổ chức tăng lữ; ông cũng bác bỏ những hình thức dân chủ đại diện theo chủ nghĩa Calvin. Thay vào đó, điều đáng ngạc nhiên là, ông lại thích phái Pietism hon, hình thức gia trưởng của tổ chức giáo hội được đắp khuôn một cách tưong tự với gia đình thiêng liêng. Ông viết: “thể chế của nó không phải là quân chủ (dưới quyền một giáo hoàng hay giáo trưởng), cũng không phải là quý tộc (dưới quyền những giám mục và những tổng giám mục), cũng không phải là dân chủ.... Tốt nhất nó nên giống với sự cấu tạo của một hộ dân (gia đình) dưới quyền một Người cha luân lý chung, dù là vô hình...” (TG tr. 102, 103). Người con trai làm cho gia đình biết được ý chí của người cha, trong tinh thần ấy, “họ cùng nhau đi vào sự hợp nhất tự nguyện, phổ biến và lâu bền của những tâm hồn” (sđd).
Khi Kant trở về với mối quan hệ giữa giáo hội và nhà nước, ông từ bỏ lập trường phi chính trị ẩn dật của phái Pietism, để ủng hộ cho cách tiếp cận mang đậm tính Calvinist. Nhà nước không thể can thiệp một cách chính đáng vào giáo hội, bởi lẽ tầm ảnh hưởng của nhà nước không xa đến mức như vậy. Nó không thể áp đặt tôn giáo lên con người, cũng không thể đòi hỏi sự tuân thủ, đồng thời cũng không thể tước đoạt quyền sở hữu tài sản khỏi giáo hội. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là giáo hội hưởng thụ quyền tự trị của nó mãi mãi. Theo Kant, bây giờ trong một nguồn cảm hứng Tin lành mạnh mẽ, tổ chức của một giáo hội và những quyền hành và đặc quyền về tăng lữ của nó là kết quả của một thỏa ước với những thành viên của nó. Nếu họ rút lui khỏi thỏa ước này, thì giáo hội và tăng lữ của nó có thể bị truất hữu một cách hợp pháp “vì lý do cho sự sở hữu của chúng cho đến nay chỉ nằm trong ỷ kiến của nhân dân và giữ được sự sở hữu bao lâu ý kiến này còn tồn tại. Nhưng ngay khi ý kiến này mất hiệu lực, và thậm chí mất hiệu lực chỉ từ ý kiến của những bậc có công đức lớn giữ vai trò hướng dẫn trong giáo hội, thì sự sở hữu ấy phải kết thúc, như thể đó là một lời yêu cầu của nhân dân đối với nhà nước” (SHHĐL, tr. 325, 135).
Có lẽ do tính cách chiết trung của nó, giáo hội học của Kant đã có một ảnh hưởng tưong đối ít đến thần học hiện đại. Nó không đóng một vai trò chính trong những lý giải về tư tưởng tôn giáo hay triết học của ông. Tuy nhiên, nó được lưu ý như một bộ phận trong mối quan tâm ngày càng nhiều hon đối với những nghiên cứu của Kant về tổ chức chính trị và xã hội.
Hoàng Phong Tuấn dịch