Hợp thức hoá (sự) hay Chính đáng hoá (sự) [Đức: Legitimation; Anh: Legitimation]
Sự chấp thuận chung một chính quyền, hệ thống chính trị hay hệ thống pháp luật của đa số người dân lệ thuộc vào các hệ thống này. Khái niệm này có thể được liên hệ với sự phân biệt của nhà xã hội học Đức Max Weber giữa ‘quyền lực’ (power) và ‘quyền uy’ (authority). Việc thực thi quyền lực một cách đơn thuần có thể xem là dùng sức mạnh thô bạo, chẳng hạn như do một nhà nước thực hiện hòng chống lại người dân vốn không thừa nhận quyền sử dụng quyền lực đó của nhà nước. Tiêu biểu là nhiều chế độ hà khắc của thế kỷ XX (như chế độ Pol Pot ở Kampuchea, hay gần đây hơn là sự thống trị của Robert Mugabe ở Zimbabwe), hay sự bành trướng ảnh hưởng của đế quốc Anh trong các thế kỷ XVIII và XIX. Còn quyền uy có thể dẫn đến sự thực thi sức mạnh, nhưng lần này có sự đồng thuận của người dân bị cưỡng bức. Thẩm phán tuyên phạt tiền vì hành vi vi phạm luật giao thông, nhưng chúng ta vẫn trả và chấp thuận thẩm quyền của tòa án; chính phủ ra quyết định chính sách mà ta không đồng ý nhưng ta phải chấp nhận nó vì chính phủ đó lên cầm quyền thông qua bầu cử tự do và công bằng. Vì thế, tính chính đáng là đặc tính của quyền uy. Ở điểm cốt yếu của nó, quyền uy có thể được hiểu như là sự sử dụng quyền lực có tính chính đáng. Tuy nhiên, cách sử dụng thuật ngữ ‘tính chính đáng’ của Habermas còn đặt ra những chủ đề xa hơn. Điều quan trọng với Habermas là Max Weber và lý thuyết gia xã hội Niklaus Luhmann (xem lý thuyết hệ thống/systems theory) giả định rằng sự thực thi quyền lực là chính đáng nếu người dân chấp nhận nó trong thực tế. Nhà xã hội học chỉ cần nhìn vào các biểu hiện công khai của người dân về sự hài lòng hay không hài lòng với nhà cầm quyền của họ. Còn Habermas thì lại nhìn vào các lý do mà sự chấp thuận đó căn cứ vào để cho rằng quyền uy chỉ chính đáng thực sự nếu nó có thể được hậu thuẫn bởi sự biện minh hợp lý tính. Quan niệm của Habermas về sự hợp thức hoá hay sự chính đáng có thể xem là có liên hệ với mối quan tâm hàng đầu của ông về lý tính giao tiếp/communicative reason.
Nghiên cứu về sự hợp thức hoá có thể được tìm thấy từ những công trình thời trẻ của Habermas. Nghiên cứu của ông về thái độ của sinh viên đối với chính trị ở nước Đức thời hậu chiến là bước khởi đầu cho công trình này (Habermas et al. 1961). Còn đối với những độc giả tiếng Anh, thì nghiên cứu của ông về sự phát triển của chính trị châu Âu và sự tranh luận về chính trị ở tác phẩm The Structural Transformation of the Public Sphere (1989a)/ Sự biến đổi cấu trúc của khu vực công lại hệ trọng hơn nhiều. Ở đây, Habermas lập biểu đồ cho sự phát triển từng bước một của tranh luận công về các chủ đề chính trị, và sự cần thiết của các chính phủ phải làm cho mình có trách nhiệm giải trình một cách hợp lý tính với người dân của họ (xem public sphere/khu vực công). Ông thể hiện mối bận tâm rằng, khả thể của tranh luận công đang bị xói mòn trong các xã hội đương đại khi khu vực công chỉ đơn thuần gia tăng kỳ vọng vào lựa chọn giữa các tuyên ngôn tranh cử của hai hay nhiều đảng chính trị cạnh tranh mà không có cơ hội để tranh luận về các chủ đề căn bản hơn, hoặc không thực sự để cho tranh luận và sự giám sát công cộng gây ảnh hưởng vào quá trình bầu cử. Chỉ mỗi việc đảng chính trị đã chiến thắng cuộc tuyển cử theo các quy tắc hiện hữu dường như đã đủ để đảm bảo cho nó tính chính đáng (và hệ thống chính trị như là một toàn thể).
Trong các công trình thời kỳ trưởng thành, từ những năm 1970 trở đi, sự hợp thức hoá bắt đầu được xử trí bằng mối quan tâm ngày càng tăng của Habermas với lý thuyết hệ thống. Do đó, trong sự tái thiết thuyết duy vật lịch sử của mình, ông nghiên cứu các hình thức khác nhau của sự hợp thức hoá trong việc thực thi quyền lực khi các xã hội gia tăng tính phức tạp (Habermas 1974a; 1979a, tr. 130–177). Trong các xã hội cổ xưa, việc biện minh cho các hệ thống phân cấp xã hội và thực thi pháp luật thường dựa trên sự viện dẫn đến các câu chuyện thần thoại ít nhiều nhất quán (chẳng hạn, cách giải thích quyền uy của các nhóm thống trị bằng sự kế thừa từ các tổ tiên thần thoại). Cùng với sự phát triển của các tôn giáo đa thần và độc thần, các câu chuyện thần thoại đặc thù được đưa vào nền thần học có hệ thống và trừu tượng hơn. Trên thực tế, điều này thể hiện bước tiến hướng đến sự hợp lý hoá. Người dân không tìm kiếm sự biện minh chỉ bằng các câu chuyện hay, mà đúng ra là bằng cái gì đó giống như các nguyên tắc cơ bản chung từ đó những hệ quả nhất quán có thể được suy diễn ra. Do vậy, một mặt, các nguyên tắc và giá trị nền tảng này ngày càng trở nên mở đối với sự giám sát và thách thức (và sự phát triển của các trào lưu tôn giáo mới, như Kitô giáo hay đạo Islam, có thể được hiểu một cách chính xác là những thách thức như thế). Mặt khác, sự cai trị chính trị và sự cai trị bằng pháp luật phải được xem là được áp dụng một cách nhất quán, khiến cho ai ai cũng đối diện với cùng một thứ pháp luật và được đối xử như nhau. Những mâu thuẫn trong các nguyên tắc pháp luật và áp dụng của chúng sẽ ngày càng trở nên có vấn đề, và có xu hướng làm suy yếu quyền uy của tầng lớp thống trị. Bây giờ, người dân có thể thấy rằng nhà cai trị là không công bằng. Sự xuất hiện của pháp luật và chính trị hiện đại ra đời khi mọi tầng lớp trong xã hội đều tự nhận thức về việc phải phục tùng cùng một hệ thống pháp luật thế tục. Chính trị và pháp luật không còn dựa trên những nguyên tắc tôn giáo trọng yếu nữa, thay vào đó là các nguyên tắc đạo đức ngày càng phổ quát (chẳng hạn, sự viện dẫn đến quyền con người, hay đến nhu cầu công lợi để tối đa hoá hạnh phúc tổng thể của dân chúng), điều này một lần nữa lại phải phục tùng sự gia tăng giám sát hợp lý tính ngày càng khắt khe.
Legitimation Crisis (Habermas, 1976b/ Sự khủng hoảng về hợp thức hoá hay về sự chính đáng, như nhan đề tác phẩm gợi ý, chủ yếu bàn về vấn đề tính chính đáng, và nhất là trong chủ nghĩa tư bản đương đại. Trong khi sự khủng hoảng về hợp thức hoá chỉ là một loại khủng hoảng bên cạnh ba khủng hoảng khác giày vò các xã hội hiện đại, thì sự khủng hoảng về hợp thức hoá không chỉ để làm nổi bật sự bất ổn định liên tục của chủ nghĩa tư bản mà với Habermas còn là niềm hy vọng về sự biến đổi của chủ nghĩa tư bản thành hình thức tổ chức xã hội công bằng hơn. Nói ngắn gọn, Habermas cho rằng, chủ nghĩa tư bản, ngay cả ở hình thức đương đại của các nền dân chủ nhà nước phúc lợi, vẫn được cấu trúc theo các lợi ích hay mối quan tâm của chủ sở hữu tư bản, và do đó, về cơ bản vẫn bất công và có tính bóc lột. Nếu nhà nước tư bản muốn tồn tại, nó phải che giấu sự bất công này và đảm bảo tính chính đáng (giả mạo) cho bản thân. Ở một cấp độ nào đó, tính chính đáng này được đảm bảo thông qua sản lượng của các nguồn cung phong phú của hàng hoá tiêu dùng, và sự an toàn tương đối mà nhà nước phúc lợi đem đến. Tuy nhiên, điều này làm gia tăng các can thiệp có tính quan liêu hay hành chính vào đời sống hàng ngày của các công dân. Nhà nước phúc lợi can thiệp vào, chẳng hạn, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội, và được hỗ trợ bởi những sắc lệnh pháp luật hay tài chính. Quan trọng là Habermas cho rằng, nhà nước phúc lợi do đó dẫn đến phương thức có tính công cụ cao trong cách tư duy về bản thân và các hoạt động của nó, tức là nó liên quan tới sự hiện thực hoá hiệu quả các kế hoạch, hơn là tới giá trị của các kế hoạch này và các mục tiêu của chúng. Điều này khiến nhà nước phúc lợi rất dễ bị tổn thương với những sai lầm và sự kém hiệu quả nếu, chẳng hạn, các hàng hoá tiêu dùng mà công chúng đòi hỏi không sẵn có, hay, có thể trầm trọng hơn là khi các cơ quan nhà nước phình to và quá quan liêu một cách rõ rệt làm cản trở sự tự do và phúc lợi. Những vấn đề như vậy không trực tiếp dẫn đến sự khủng hoảng hợp thức hoá, mà đúng ra là gián tiếp, bởi vì cách lập luận theo lý tính công cụ/instrumental reasoning về nhà nước phúc lợi sẽ kiềm chế khả năng sử dụng lý tính giao tiếp/communicative reason, và do đó kiềm chế khả thể của sự tranh luận thích đáng về vai trò của chính phủ và các mục tiêu của nhà nước phúc lợi. Điều này được pha trộn với thực tế là bản thân dân chúng ngày được giáo dục tốt và hay chỉ trích, và vì thế ngày càng gia tăng sức kháng cự với nỗ lực tuyên truyền nhồi sọ của nhà nước. Như cách nói của Habermas, ý nghĩa không thể được tạo ra một cách hành chính, tức là sự quản trị của chính phủ không thể ra lệnh cho người dân phải suy nghĩ như thế nào về ý nghĩa hay phải sống cuộc đời mình ra sao. Thực tế, chúng ta tiếp tục thấy sự bất mãn gia tăng với các chính phủ hiện đại trong thế giới đã được công nghiệp hoá thông qua, chẳng hạn, sự sụt giảm cử tri trong các cuộc bầu cử (vì cử tri không nhận thấy sự khác biệt giữa các đảng cạnh tranh, hay nghĩ rằng các đảng này đang tránh né các vấn đề bức xúc ngày nay như khủng hoảng môi trường và sự bất công toàn cầu), và sự gia tăng của các cuộc phản kháng đại chúng (chẳng hạn, chống lại việc đưa quân vào Irāq, hay thường xuyên diễn ra ở các cuộc họp của Hội nghị thượng đỉnh G8). Tất cả có thể xem là triệu chứng của cuộc khủng hoảng trong tính chính đáng của các hình thức đương đại của chính phủ.
Trong các công trình hậu kỳ của Habermas, ông quay trở lại chủ đề này, đầu tiên trong lý thuyết về sự thuộc địa hoá thế giới đời sống/colonisation of the lifeworld (Habermas, 1987, tr. 318–331), ở đây ông nghiên cứu ở mức độ sâu hơn phần mà các phương thức tư duy hành chính giữ vai trò trong việc làm xói mòn lý tính giao tiếp vốn là nền tảng cho đời sống hàng ngày, và trong nghiên cứu của ông về pháp luật/law (Habermas, 1996), ở đây ông gia tăng liên hệ với các khả thể cho sự biện minh hợp lý tính trong các khuôn khổ hiến pháp của các xã hội hiện đại.
K