Dụng hành (thuyết) [Đức: Pragmatismus; Anh: Pragmatism]
Một cách tiếp cận với triết học, và đặc biệt với triết học về khoa học, được phát triển ở Mỹ đến cuối thế kỷ XIX. Người chủ trương là Charles Sanders Peirce. Nó trở nên phổ biến qua các công trình của William James và John Dewey, và được phát triển trong tâm lý học xã hội của George Herbert Mead (ảnh hưởng quan trọng đến nghiên cứu của Habermas về bản ngã đồng nhất và sự phát triển cá nhân). Sau giai đoạn bị bỏ bê sau thế chiến thứ hai, thuyết dụng hành một lần nữa trở thành chủ đề của những thảo luận triết học lớn, với Richard Rorty là người ủng hộ chính yếu của thuyết tân dụng hành (neo-pragmatism). Habermas tìm thấy trong các công trình của Peirce cảm hứng cốt lõi cho nghiên cứu của ông về các khoa học tự nhiên. Ở Rorty, ông tìm thấy một đối thủ quan trọng mới hơn.
Thuyết dụng hành của Peirce phần nào có thể được đặc trưng bởi sự đối lập cơ bản với các công trình của triết gia thế kỷ XVII—Descartes, và như vậy, bởi sự đối lập với những gì Habermas gọi là triết học về ý thức/consiousness. Descartes cho rằng niềm tin chỉ có thể tính là tri thức nếu nó được đảm bảo là chắc chắn đúng. Chân lý chắc chắn này được thiết lập bằng cách sử dụng lý tính. Trong thực tế, Descartes cố nghi ngờ mọi thứ ông có thể nghi ngờ, cho đến khi ông đi tới một thứ không thể bị nghi ngờ và do đó phải chắc chắn đúng. Điểm chắc chắn này là niềm tin vào sự hiện hữu của chính bản thân ông (bởi vì ông phải hiện hữu để nghi ngờ về sự hiện hữu của mình). Từ nền tảng vững chắc này, Descartes ra sức xây dựng lại nhận thức với sự chắc chắn diễn dịch.
Peirce bác bỏ điều này ở từng điểm một. Để bắt đầu, ông tra vấn về khái niệm niềm tin. Theo Peirce niềm tin là cái gì đó trên nó chúng ta sẵn sàng để hành động. Chúng ta không cần sự chắc chắn, mà chỉ cần đủ sự tự tin để sẵn sàng làm điều gì đó trên cơ sở của niềm tin này. Chẳng hạn, tôi ngồi xuống ghế. Dù là tôi có ý thức về nó hay không, thì tôi vẫn tin rằng chiếc ghế đó sẽ đỡ lấy trọng lượng của tôi. Nếu tôi đúng, và tôi ngồi thoải mái, thì tại sao tôi phải lo lắng về sự chắc chắn của niềm tin này? Bây giờ nó đang thực thi và đó là tất cả vấn đề. Tất nhiên, tôi có thể sai, và chiếc ghế sẽ sụp xuống. Đây chính là điểm mà ở đó khoa học, hay ít nhất là sự phát biểu hàng ngày, bắt đầu. Bây giờ tôi có lý do thực sự để nghi ngờ (thay vì sự nghi ngờ gượng gạo của Descartes). Tôi sẽ muốn tìm ra điều gì đã sai. Phải chăng chiếc ghế đã bị hỏng? Hay là tôi đã ngồi lên chiếc ghế quá nhỏ so với trọng lượng của mình? Tôi bắt đầu sàng lọc niềm tin của mình, nhưng chủ yếu không chỉ bởi cách viện vào lý lẽ. Đúng hơn, tôi dùng cách thực hành để kiểm tra niềm tin mới đã được chỉnh lại. Có thể, tôi thử sửa lại chiếc ghế; có thể tôi rón rén ngồi trên một chiếc khác, để xem liệu chiếc này có chịu được trọng lượng của tôi không, và v.v.
Bằng cách này, Peirce đã định nghĩa lại ‘tri thức’. Biết điều gì đó không phải là biết nó với sự chắc chắn, mà tin rằng nó diễn ra trong thực tế. Vì thế ‘chân lý’ bây giờ là điều mà tôi tin là đúng ngay bây giờ. Peirce chấp nhận rằng chân lý hiện tại của chúng ta, về nguyên tắc, phải mở ngỏ đối với thách thức. Các kiểm nghiệm và kinh nghiệm mới có thể xuất hiện sẽ chứng minh chúng là sai, hay ít nhất là không thoả đáng. Nhưng, cho đến lúc đó, tôi sẽ bận tâm về những vấn đề cấp bách hơn. Khi điều này được áp dụng vào khoa học, nó dẫn đến những tiến bộ khoa học thông qua việc sử dụng các thí nghiệm và khai thác công nghệ của nghiên cứu khoa học. Vì công nghệ phát triển đòi hỏi nhiều hơn, nên những điểm yếu của các niềm tin hay lý thuyết khoa học hiện hữu của chúng ta sẽ được tìm ra. Trong tất cả những điều này, có gì đó theo kiểu Darwin. Giống như Darwin cho rằng các loài tiến hoá bằng cách chịu thử thách bởi môi trường, sao cho chỉ những loài nào thích nghi tốt mới sống sót, nên Peirce cho rằng chỉ những niềm tin nào sống sót mới tự chứng tỏ chúng hiệu quả trong việc thích nghi với môi trường văn hoá và công nghệ của chúng ta. Kỳ cùng, điều này dẫn đến việc kiểm nghiệm niềm tin của chúng ta dựa vào thế giới thực vốn tồn tại độc lập với chúng ta.
Có một bước quan trọng hơn nữa trong miêu tả của Peirce về khoa học. Descartes phản tư trong cảnh cô lập. Peirce, bằng việc thừa nhận rằng con người về cơ bản là những hữu thể xã hội, chỉ ra rằng khoa học được thực hiện với tinh thần hợp tác. Khoa học không phải được tiến hành đơn độc bởi các cá nhân, mà bởi những người trao đổi với nhau, thảo luận những khám phá, phê phán lẫn nhau, và bảo vệ các kết quả. Vì thế, khoa học được thực hiện bởi cộng đồng các nhà khoa học. Từ đó, Peirce có thể bắt đầu phác thảo một cộng đồng khoa học lý tưởng trong đó mọi người có thể đóng góp ý tưởng, cung cấp chứng cứ, đặt ra vấn đề, và trong đó tất cả có thể kỳ vọng sự phản hồi hợp lý. Trong thực tế, thực hành khoa học thực sự thì không giống như vậy. Một số ý tưởng bị đè nén; một số người sẽ không được phép nói. Nhưng Peirce đã bắt đầu nhấn mạnh không chỉ tại sao điều này sai, bởi nó sẽ dẫn đến những kết quả vô tích sự, mà còn chỉ ra rằng khoa học có chiều kích luân lý.
Sơ kỳ, Habermas xem Peirce là nền căn bản đối với công việc của mình vốn phát xuất từ miêu tả về khoa học được nêu ra ở lý thuyết về những lợi ích hay quan tâm về nhận thức/cognitive interests. Peirce có liên hệ khoa học với phạm trù lao động/labour của Habermas, tức là khả năng hàng ngày của chúng ta để cải biến môi trường thông qua sự can thiệp của công nghệ. Nhưng, Peirce còn bắt đầu khám phá ra vai trò của sự tương tác/interaction ở trong khoa học, nghĩa là khả năng của con người tự tổ chức về mặt xã hội. Trong các tác phẩm hậu kỳ, hình ảnh của Peirce về cộng đồng lý tưởng của các nhà khoa học trở thành cảm hứng cho nghiên cứu của Habermas về hoàn cảnh phát ngôn lý tưởng/ideal speech situation, nghĩa là tiền giả định có tính phản thực tế (counterfactual) về sự đối thoại mở và chân thật mà người ta mang đến bất cứ sự hội thoại hay tương tác xã hội nào (xem Habermas 1992b, tr. 88–112).
Thuyết tân dụng hành của Rorty khá khác biệt với cảm hứng nguyên thuỷ của Peirce. Trong khi Rorty tiếp thu ít nhiều thuyết phản căn (antifoundationalism) của Peirce, nghĩa là sự bác bỏ sự đánh đồng nhận thức và sự chắc chắn ở Descartes, thì ông lại dẫn nó đến những cực đoan khác. Ông cực kỳ hoài nghi sự tiếp tục cam kết với khái niệm ‘chân lý’ của Peirce, và nhất là về lập luận của Peirce rằng có những quá trình hợp lý qua đó yêu sách về chân lý có thể được biện minh. Theo Rorty, sự biện minh không thể bị gói gọn trong quá trình thuần lý hạn hẹp, nhất là vì ông đề xướng thuyết phi duy thực (non-realism). Thật thế, thế giới thực tồn (real) mà Peirce giả định như là sự kiểm nghiệm tối hậu của niềm tin khoa học bị Rorty bác bỏ. Theo Rorty, thế giới ‘thực tồn’ phần lớn là cấu tạo của văn hoá và ngôn ngữ con người. Theo Habermas, điều này chỉ dẫn đến việc làm nhoè ranh giới giữa vấn đề chân lý và vấn đề biểu đạt nghệ thuật hay tu từ học. Quả vậy, Rorty lập luận rằng những vấn đề trong khoa học không phải là kiểm nghiệm căn cứ vào thực tại (vì không có thực tại), mà đúng ra là mở ra những thực tại mới, những phương thức mới của sự tưởng tượng về thế giới. Với Habermas, những gì có thể được chấp nhận trong biểu đạt nghệ thuật thì không thể chấp nhận trong khoa học, nơi nhiệm vụ vẫn là tìm bằng chứng và lý lẽ để ủng hộ cho sự thích đáng của lý thuyết đối với thế giới hiện tồn một cách độc lập của Peirce (xem yêu sách về giá trị hiệu lực/validity claim). Do sự nhấn mạnh quá mức vào sự biểu đạt, theo Habermas, thuyết tân dụng hành của Rorty thoái hoá thành tương đối luận bất lực về chính trị (và vì thế thành một hình thức của thuyết tân bảo thủ/neo-conservativism). Rorty không thể biện minh một cách hợp lý tính cho lập trường luân lý. Ông cùng lắm chỉ có thể đưa ra sự biện hộ có tính tu từ rằng, ông sẽ thừa nhận, tức có thể chỉ kêu gọi những người khác giống như ông—nghĩa là, những người với cùng một bối cảnh văn hoá giống như ông mà thôi (xem Habermas 1999a, tr. 343–382).
Đọc thêm: Arens 1994; Koczanowicz 1999; Aboulafia et al. 2001