Thường nghiệm, duy nghiệm (thuyết), người theo thuyết duy nghiệm (những) [Đức: empirisch, Empirismus, Empiristen; Anh: empirical, empiricism, empiricists]
Xem thêm: Trừu tượng (sự), Triết học phê phán, Giáo điều (thuyết), Lịch sử triết học, Thuần túy, Duy lý (thuyết),
Một khái niệm thường nghiệm hay một trực quan thường nghiệm là một cái “chứa đựng cảm giác” và qua đó “tiền giả định sự hiện diện thực sự của đối tượng” (PPLTTT A 50/ B 74). Nó được đối lập với một trực quan thuẫn túy, là cái “chỉ chứa đựng mô thức nhờ đó một cái gì đó được trực quan”, còn một khái niệm thuần túy là cái “chỉ chứa đựng mô thức của tư duy về một đối tượng nói chung” (A 51/ B 75). Một trực quan thường nghiệm hay một khái niệm thường nghiệm chỉ có thể là hậu nghiệm, trong khi đó một trực quan thuần túy hay một khái niệm thuần túy mới có thể là tiên nghiệm. Vì lý do đó, những đối tượng siêu nghiệm vượt khỏi những ranh giới của giác quan thì được coi là “bất khả tri một cách thường nghiệm”. Thấm nhuần sự phân biệt này giữa thường nghiệm và thuần túy là một sự phân biệt sâu hon giữa thuyết duy nghiệm và thuyết duy lý, thực ra là thường giữa những nhà duy nghiệm và những nhà duy lý. Trong phần các nghịch lý, phản đề trình bày sự tranh cãi của nhà duy nghiệm đối với chính đề của nhà duy lý. Kant nhận thấy rằng một “thuyết duy nghiệm thuần túy” loại trừ mối quan tâm về mặt thực hành của lý tính, nhưng bù lại nó mang lại những thuận lợi cho mối quan tâm tư biện của lý tính (PPLTTT A 486/ B 496).
Với tư cách một sự hiệu chỉnh chống lại sự thái quá của thuyết duy lý, thuyết duy nghiệm là hữu ích, thế nhưng “như vẫn thường xảy ra” “bản thân thuyết duy nghiệm trở thành giáo điều trong quan hệ với các ý niệm, và đi tới chỗ phủ nhận hết tất cả những gì vượt qua khỏi lĩnh vực những nhận thức có thể được trực quan của nó” (PPLTTT A471/B 499). Vì thế trong triết học lý thuyết và chiến lược mỹ học của Kant là bày trò cho thuyết duy nghiệm và thuyết duy lý chống đối lẫn nhau, trong khi đó chỉ trong triết học thực hành thì ông mới dứt khoát ưu tiên cho lập trường của nhà duy lý cao hon lập trường của nhà duy nghiệm (PPLTTH, tr. 72. tr. 74).
Sự đối lập giữa thuyết duy nghiệm và thuyết duy lý nhanh chóng tự bộc lộ là sự đối lập giữa những nhà duy nghiệm và những nhà duy lý. Trong quyển PPLTTT, sự đối lập này là sự đối lập giữa “nhà duy nghiệm” Epicurus và “nhà duy lý” Platon (A 471/ B 499). Sau đó điều này được lặp lại về phương diện đối tượng của nhận thức, với Epicurus đại diện nhà duy cảm, còn Platon đại diện nhà duy trí [duy tâm], ngoài ra được bổ sung bằng sự đối lập giữa Aristoteles và Platon về nguồn gốc thường nghiệm và nguồn gốc lý tưởng của nhận thức: Aristoteles được dán nhãn là nhà duy nghiệm, Platon được gọi là một nhà duy tâm. Sự phân biệt sau được chuyển thành sự phân biệt giữa Locke và Leibniz (PPLTTT A 854/ B 882), và được phát triển trong “ghi chú về tính nước đôi của các khái niệm phản tư” (PPLTTT A 269/ B 325 và các trang sau). Trong CSSHH và PPLTTH, những nhà duy nghiệm được kể tên là Hutcheson và các lý thuyết gia Anh thuộc “cảm quan luân lý” (CSSHH tr. 442, tr. 46) và cả Hume nữa (PPLTTH tr. 13), tất cả họ đều được đối lập lại với nhà duy lý Wolff. Một sự phân vai tương tự cũng hiện diện trong PPNLPĐ, đối lập lý thuyết thường nghiệm về sở thích (Burke, Hutcheson, Hume và Kames) với mỹ học theo phái hoàn hảo của Wolff và Baumgarten.
Phải chăng Kant đã rút ra sự đối lập giữa cái thường nghiệm và cái thuần lý từ những nhà duy nghiệm và những nhà duy lý nói trên hay ngược lại là một vấn đề mở, nhưng vấn đề quan trọng để đánh giá yêu sách của ông là đã cung cấp một sự phê phán về “quan năng lý tính mà thôi” chứ không phải là sự phê phán “các tác phẩm và các hệ thống” (PPLTTT A 12).
Cù Ngọc Phương dịch