Tự khởi (tính) [Đức: Spontaneität; Anh: spontaneity]
Xem thêm: Thông giác, Tự do, Tâm thức, Thụ nhận, Tổng hợp,
Tính tự khởi là phương diện lý thuyết của tự do, và là cái tương tự gần gũi với phương diện thực hành của sự tự trị của tự do. Trong phần bàn luận chung của Kant về tự do, tính tự khởi kết hợp hai đặc tính của tự do: thoát khỏi sự quy định bên ngoài và chủ động tự ban bố quy luật. Khía cạnh trước nổi bật trong PPLTTT, trong đó, tính tự khởi được đối lập một cách nhất quán (và tuy thế lại quan hệ) với tính thụ nhận. Ngay đầu phần “Logic học siêu nghiệm”, Kant nhận diện hai nguồn suối của nhận thức trong Gemüt (tâm thức): “Nguồn thứ nhất là quan năng tiếp nhận những biểu tượng (tính thụ nhận những ấn tượng), nguồn thứ hai là quan năng nhận thức một đối tượng bằng các biểu tượng ấy (tính tự khởi của các khái niệm) (PPLTTT A 50/B 74). Nguồn đầu thì được mô tả là cảm năng, trong khi nguồn sau, hay “quan năng của Gemüt sản sinh ra các biểu tượng từ chính nó” (A 51/B 75) là giác tính. Duy chỉ thông qua sự kết hợp cả hai thì nhận thức mới có thể nảy sinh - “tính thụ nhận chỉ có thể làm cho nhận thức có thể có được khi được kết hợp với tính tự khởi” (PPLTTT A 97) - nhưng để hiểu điều này diễn ra như thế nào thì điều cần đòi hỏi là các chức năng của chúng trước hết phải được phân biệt một cách nghiêm ngặt.
Chức năng của tính tự khởi là phải kết hợp cái đa tạp do cảm năng mang lại, hay nói khác đi, phải tổng hợp cái đa tạp ấy trong việc tạo ra kinh nghiệm (xem PPLTTT B 130). Điều này đòi hỏi tính tự khởi không chỉ phải được thanh lọc hay thuần túy hóa khỏi mọi dấu vết của tính thụ nhận, mà còn phải tự mang lại cho mình các quy luật hay các quy tắc của sự tổng hợp. Kant hình dung ra hai trường hợp giới hạn về việc thuần túy hóa và tự ban bố quy luật có tính tự khởi này như sau: việc trước, được trình bày trong PPNLPĐ §77, Kant hình dung một trực quan tự khởi không cần đến sự bổ sung của những cái phổ biến để sản sinh ra nhận thức; việc sau, được bàn thảo trong PPLTTT, Kant hình dung lý tính tạo ra “các quy luật (không đơn thuần là các quy tắc logic) cũng có tính tiên nghiệm quy định sự tồn tại của chúng ta - cơ sở để coi chúng ta tự coi mình là kẻ ban bố quy luật một cách hoàn toàn tiên nghiệm...” (PPLTTT B 430). Cái sau, Kant quả quyết, sẽ làm bộc lộ “một tính tự khởi nhờ đó tồn tại hiện có của chúng ta có thể được xác định, mà không cần đến các điều kiện của trực quan thường nghiệm” (sđd). Tuy nhiên, tính tự khởi như thế vừa có tính tự ban bố quy luật vừa có giá trị đối với tính thụ nhận và các điều kiện của trực quan.
Trong khi nguồn gốc của tính tự khởi được Kant hiểu là sự tự do - “một cái gì tiên nghiệm” trong “ý thức về sự tồn tại của chúng ta” - nhưng ông mô tả sự vận hành của nó theo nhiều cách khác nhau. Trong một cước chú ở bản A, tính tự khởi được mô tả một cách mơ hồ là “một tác vụ bên trong (tính tự khởi) nhờ đó một khái niệm (một tư tưởng) trở nên có thể có được”, trong khi trong PPLTTT, nó được mô tả trước hết, trong phần “Diễn dịch A”, là cơ sở cho sự tổng hợp ba lần, và thứ hai, trong phần “Diễn dịch B”, là sản phẩm của trí tưởng tượng tác tạo. Trong trường hợp đầu, Kant phát triển điều ông tuyên bố là cả tính thụ nhận lẫn tính tự khởi đều được cần đến cho nhận thức lên thành quan niệm rằng “tính tự khởi là cơ sở của sự tổng hợp ba lần, và sự tổng hợp này nhất thiết phải được tìm thấy trong mọi nhận thức; cụ thể là, sự lĩnh hội các biểu tượng của tâm thức trong trực quan, sự tái tạo của chúng trong trí tưởng tượng, và sự nhận thức trong khái niệm” (PPLTTT A 97). Trong nghiên cứu thứ hai, việc làm của sự tổng hợp cần thiết cho nhận thức được thực hiện bởi “trí tưởng tượng tác tạo”, trong chừng mực trí tưởng tượng là tính tự khởi”, được phân biệt với “trí tưởng tượng tái tạo, mà sự tổng hợp của nó là hoàn toàn phục tùng các quy luật thường nghiệm” (PPLTTT B 152).
Nghiên cứu của Kant về tính tự khởi được Fichte (1974) tiến hành triệt để như là một phần của một nỗ lực có chủ ý muốn xác lập tính thứ nhất của lý tính thực hành. Lấy lại một hướng từng được Kant xét đến nhưng lại bác bỏ, Fichte đề xuất một tính tự khởi tuyệt đối, gần giống với tính tự khởi của lý tính ở Kant, là tính tự khởi bao hàm ngay trong nó những giới hạn của chính tính tự khởi của nó (1794, tr. 272). Lập trường này được Schelling (1800) phát triển xa hon nhưng rồi bị Hegel bác bỏ, và Hegel cảnh giác trước bất kỳ yêu sách nào về một “chủ thể tự khởi tuyệt đối”, tuy chủ thể này có năng lực, hay đúng hon, bị buộc phải tự giới hạn chính mình.
Đinh Hồng Phúc dịch