Vũ trụ học [Đức: Kosmologie; Anh: cosmology]
Xem thêm: Tuyệt đối, Nghịch lý, Nhân quả, Biện chứng pháp, Tự nhiên, Bản thể học/Hữu thể học, Tâm lý học, Thần học, Thế giới,
Vũ trụ học là một trong ba nhánh của “Siêu hình học chuyên biệt” cùng với Hữu thể học tạo thành hệ thống siêu hình học có nhiều ảnh hưởng được Christian Wolff (1719) phát triển. Trong khi bản thể học xem xét Tồn tại-nói chung, thì những nhánh của siêu hình học chuyên biệt tập trung vào sự tồn tại của những đối tượng đặc thù: Thần học xem xét sự tồn tại của Thượng đế, Tâm lý học xem xét sự tồn tại của linh hồn và Vũ trụ học xem xét sự tồn tại của thế giới. Siêu hình học của Wolff chính là “lý tính thuần túy” bị Kant phê phán, và cuốn PPLTTT đi theo cấu trúc của nó một cách sít sao: bản thể học được thay bằng phân tích pháp siêu nghiệm, và siêu hình học chuyên biệt được thay bằng biện chứng pháp siêu nghiệm. Trong sự xét lại có phê phán về siêu hình học chuyên biệt, linh hồn hay “ý niệm về chủ thể tuyệt đối”, thế giới hay “ý niệm về chuỗi toàn bộ các điều kiện”, và Thượng đế hay “ý niệm về một phức hợp hoàn tất của tất cả những gì khả hữu” bị vạch trần là có tính biện chứng, và các khoa học về chúng “ngao du” với những suy luận biện chứng - tâm lý học với võng luận, vũ trụ học với nghịch lý và thần học với những ý niệm siêu việt.
Luận văn thời kỳ đầu của Kant về vũ trụ học, LSTN, là một tập hợp các giả thuyết tư biện về sự cấu tạo của vũ trụ vốn nối kết một cách đặc trưng những luận chứng được rút ra từ vật lý học, thần học và nhân học. Đây chính là loại công trình mà PPLTTT sẽ phải chứng minh là được đặt nền tảng không vững chắc và không chính đáng, bởi lý do cơ bản rằng nó xử lý “những nguyên tắc có tính chất điều hành” hay có tính giả thuyết như thể chúng là tất nhiên hay “có tính cấu tạo”. Vũ trụ học phê phán bận tâm đến việc chỉ cho thấy những hệ luận biện chứng của các phạm trù được mở quá rộng vốn chỉ có thể áp dụng một cách đúng đắn vào cho những hiện tượng mà thôi. Những kết quả được trình bày trong bốn nghịch lý, tức những nghịch lý cho thấy điều gì xảy ra khi các phạm trù lượng, chất, tương quan và tình thái bị biến thành tuyệt đối, hay vượt ra khỏi những ranh giới không-thời gian của thế giới hiện tượng.
Kant bắt đầu với việc sử dụng một cách biện chứng các phạm trù về lượng. Nếu ta xem xét độ lớn của thế giới, hoặc nó là hữu tận hoặc vô tận, ta sẽ khám phá rằng ta không thể chứng minh chung cuộc nó là hữu tận hay vô tận; chúng ta chỉ còn lại nghịch lý thứ nhất, tức nghịch lý đưa ra hai luận điểm đối lập nhưng có sức thuyết phục ngang nhau về tính hữu tận và tính vô tận của thế giới. Một chiến lược lập luận tương tự được theo đuổi trong nghịch lý thứ hai, tức nghịch lý về chất, liên quan đến chất của những yếu tố cơ bản của thế giới. Nghịch lý này cũng gồm chính đề rằng thế giới được cấu tạo từ những nguyên tử hay đơn tử đơn giản lẫn phản đề có sức thuyết phục ngang bằng rằng không có bất kỳ cái đơn giản nào và thế giới được cấu tạo từ những cái đa hợp. Trong những nghịch lý “toán học” này, những ảo tưởng biện chứng nảy sinh từ sự mập mờ nước đôi giữa những hiện tượng trong thời gian và không gian với những vật tự thân; ta xem những điều kiện nhận thức của ta như thể chúng là những điều kiện tuyệt đối của các sự vật.
Cặp nghịch lý “năng động” thứ hai cũng chỉ thu hoạch được những suy luận biện chứng, vì lẽ ta lạm dụng cơ sở của kinh nghiệm bị giới hạn về mặt không-thời gian của ta để làm cho cái mà từ cách nhìn khác có thể tương thích lại trở nên mâu thuẫn với nhau. Sự hiểu biết có tính phạm trù của ta về những mối quan hệ nhân quả một khi được mở rộng đến một đối tượng tuyệt đối sẽ trở nên có tính biện chứng: hoặc mọi sự vật đều có quan hệ nhân quả [với nhau] và không có bất kỳ nguyên nhân độc lập nào, hoặc có tính nhân quả độc lập thông qua sự tự do. Cũng tương tự như thế với các phạm trù tình thái: khi chúng được mở rộng vượt khỏi những hiện tượng, chúng tạo nên nghịch lý rằng có hoặc không có một Hữu thể tuyệt đối tất yếu.
Vũ trụ học phê phán của Kant là “có tính chuẩn tắc” theo nghĩa của ông là mang lại những chuẩn mực cho việc xác lập tính sai lầm. Vũ trụ học của ông được trình bày như một biện pháp phòng tránh được đặt ra để chống lại “những ảo tưởng tự nhiên” của lý tính con người vốn luôn tìm kiếm sự nhận thức tuyệt đối về thế giới. Nó chỉ ra rằng khi lý tính mở rộng những khái niệm của giác tính vượt khỏi thế giới hiện tượng trong không gian và thời gian, nó sẽ rơi vào chỗ xung đột với chính nó. Với điều này, Kant thực tế đã từ bỏ dự án về một vũ trụ học triết học, cho dù ông đã mở ra khả thể cho một sự sử dụng có tính cách điều hành về những ý niệm vũ trụ học. Sau ông, Hegel và Schelling đã nỗ lực cứu vãn công cuộc này bằng môn triết học về tự nhiên, nhưng đây chủ yếu là một hành động vớt vát khi đối diện với tình hình là những mối quan tâm vũ trụ học đã nằm ở bên ngoài triết học và đã đi vào trong khoa học tự nhiên.
Hoàng Phú Phương dịch