Loại suy của kinh nghiệm (các) [Đức: Analogien der Erfahrung; Anh: analogies of experience]
Xem thêm: Tùy thể, Loại suy, Hiện tượng, Phạm trù, Nhân quả (tính), Nguyên tắc (các), Tương quan, Thời gian,
Các loại suy của kinh nghiệm là nhóm ba nguyên tắc dùng như là các quy tắc cho sự sử dụng khách quan các phạm trù về tương quan. Mỗi một nhóm các phạm trù đều có một nhóm các nguyên tắc tương ứng với nó: các phạm trù về lượng có “các tiên đề của trực quan”; các phạm trù về chất có “những dự đoán của tri giác”; và các phạm trù về tình thái có “các định đề của tư duy thường nghiệm”. Chức năng khái quát của những nguyên tắc là xác định các sự vật phải xuất hiện ra cho những hữu thể hữu hạn [con người] như thế nào trong thời gian. Trong trường hợp của các loại suy, chúng phải xác định các sự vật xuất hiện ra là được quan hệ như thế nào trong thời gian. Kinh nghiệm của ta về những phương cách mà các sự vật quan hệ với nhau không trực tiếp là có tính phạm trù - ta không kinh nghiệm các quan hệ giữa các sự vật một cách trực tiếp bằng các phạm trù: bản thể và tùy thể, nhân quả và phụ thuộc, và cộng đồng tương tác - mà ta cũng không kinh nghiệm những quan hệ của chúng chỉ như là những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Các hiện tượng trong thời gian quan hệ với nhau bằng ba loại suy áp dụng cho trực quan lẫn các phạm trù: chúng “đi trước” nhận thức thường nghiệm về quan hệ và là một “quy tắc cho sự sử dụng khách quan” các phạm trù về tương quan.
Sự bàn luận chính của Kant về các loại suy là trong PPLTTT (A 176-218/B 218-65), được bổ sung bằng những tư tưởng xa hơn của ông trong SL. Chúng và những nguyên tắc khác là kết quả của công việc trong “thập niên im lặng” của những năm 1770, trong đó Kant cố gắng sửa đổi lại di sản của triết học kinh viện bằng cách biến đổi các phạm trù của bản thể học được tiếp nhận qua truyền thống Wolff thành những phạm trù của phân tích pháp siêu nghiệm. Thay cho những tương quan bản thể học có giá trị hiệu lực vĩnh viễn như: bản thể và tùy thể, nguyên nhân và kết quả, và cộng đồng tương tác, ông đề xuất những nguyên tắc của sự tương quan mang tính thời gian. Chúng mang hình thức của những sự tương tự có tính thời gian đối với những thuộc tính bản thể học, tức những loại suy thích hợp với kinh nghiệm của một hữu thể hữu hạn [con người] chỉ có thể biết được những hiện tượng trong không gian và thời gian mà thôi.
Nguyên tắc tổng quát thấm nhuần các loại suy cho rằng kinh nghiệm chỉ có thể có được “nhờ sự hình dung về sự nối kết tất yếu của những tri giác” (PPLTTT B 218). Điều này đòi hỏi rằng tri giác về những đối tượng trong thời gian có thể cho thấy là được quan hệ một cách tất yếu với nhau, và thực vậy nó đòi hỏi rằng những quan hệ này là “có trước mọi kinh nghiệm và làm cho kinh nghiệm có thể có được” (A 177/B 219). Điều này đạt được bằng cách cho thấy rằng các quan hệ giữa các hiện tượng được ngự trị bởi ba “thể cách” của thời gian - thời khoảng [thường tồn], tiếp diễn theo nhau, và cùng-tồn tại [đồng thời]. Mỗi một thể cách của thời gian mang lại một quy tắc đặc thù cho các hiện tượng liên quan; tất cả chúng cùng tạo thành những loại suy của kinh nghiệm.
Loại suy đầu tiên là “nguyên tắc về sự thường tồn của bản thể”. Những chi tiết của chứng cứ của Kant là không nhất quán một cách nội tại và thay đổi giữa các ấn bản 1781 và 1787, nhưng mục đích chung là rõ ràng. Ông cho rằng để kinh nghiệm sự biến đổi hay sự đồng thời trong thời gian, ta cần phải định đề hóa một sự thường tồn làm cơ sở cho các sự vật trong thời gian: “Không có sự thường tồn này, không một mối liên hệ nào trong thời gian có thể có được” (PPLTTT A 183/B 226). Tuy nhiên, ông lập luận chống lại yêu sách của truyền thống triết học rằng cái thường tồn là bản thể. Không nhất thiết phải hữu thể hóa cái thường tồn như là bản thể; ta chỉ cần chỉ ra nguyên tắc về cái thường tồn như là “cách thức trong đó ta hình dung cho ta sự tồn tại của sự vật trong thế giới hiện tượng” (A 186/B 229). Sự “thường tồn của bản thể’ không quy chiếu đến một thuộc tính bản thể học, mà quy chiếu đến bản thân thời khoảng hay phương cách mà “ta” - với tư cách là những hữu thể hữu hạn - hình dung các hiện tượng “cho ta” như là ở trong thời gian.
Loại suy thứ hai chi phối sự quan hệ của các hiện tượng trong thời gian được suy tưởng dưới thể cách của sự tiếp diễn - nguyên tắc nói rằng: “Mọi sự biến đổi xảy ra theo quy luật của sự nối kết giữa nguyên nhân và kết quả” (B 232). Với nguyên tắc này, Kant xử trí việc Hume phản đối nguyên tắc về tính nhân quả bằng cách chỉ ra sự tất yếu dành cho những quan hệ nhân quả. Không có sự vật nào như “tính nhân quả” hay “lý do đầy đủ”, mà chỉ có một kinh nghiệm đặc thù về thời gian - tính không thể đảo ngược của nó - đòi hỏi ta phải sắp đặt những kinh nghiệm của mình trong thời gian dựa theo sự loại suy về nguyên nhân và kết quả. Với nguyên tắc này, chứng cứ của Kant cho rằng những hiện tượng được đặt vào mối quan hệ với nhau như là có tính tiếp diễn, và rằng sự tiếp diễn này là tất yếu; tức là, trật tự của những hiện tượng trong thời gian không thể bị đảo ngược. Kant gắn đặc tính này của thời gian với tính không thể đảo ngược của chuỗi nhân quả, một thể cách cần thiết cho sự biến đổi của những hiện tượng trong thời gian.
Loại suy thứ ba chi phối sự tồn tại đồng thời của những hiện tượng theo “quy luật về sự tương tác hay cộng đồng” (A 211/B 256) và tương ứng với thể cách thời gian của sự tồn tại đồng thời. Ở đây, quan hệ của những hiện tượng trong thời gian được suy tưởng bằng tính đồng thời: những gì cùng tồn tại đều tồn tại trong cùng thời gian. Không có nguyên tắc này, theo Kant, kinh nghiệm ắt sẽ không thể có được, vì ta không thể nào gắn một cách chắc chắn những sự vật có vẻ như chiếm cùng một không gian và thời gian lại với nhau. Sự tồn tại đồng thời này không phải là một thuộc tính bản thể học, tồn tại bên ngoài mối quan hệ của nó, cũng không phải là đặc tính của những hiện tượng; đúng hơn nó là một điều kiện cho việc kinh nghiệm về sự quan hệ của những hiện tượng biểu hiện ra như là đồng thời.
Giống như những nguyên tắc khác, các loại suy nằm trong số những chỗ khó khăn và rắc rối nhất trong triết học của Kant. Chúng hết sức đặc trưng cho triết học lý thuyết của ông và cũng là mấu chốt đối với toàn bộ công việc phê phán của ông. Vì lý do này, trong khi chúng không gây ảnh hưởng triết học rộng rãi, chúng là chủ đề cho một số những công trình thú vị nhất cho dù là tối tăm về việc lý giải Kant, về hai nghiên cứu tưong phản xung quanh các loại suy xem Heidegger, 1935, Guyer, 1987.
Đinh Hồng Phúc dịch