Kinh nghiệm [Hy Lạp: empeiria; Latinh: experientia; Đức: Erfahrung; Anh: experience]
Xem thêm: Khái niệm, Ý thức, Trực quan, Tri thức, Bản thể học, Phản tư, Cảm năng, Giác tính,
Cuối quyển Phân tích pháp II, Aristoteles tóm tắt lại những điểm chính yếu trong nghiên cứu của ông về nhận thức, đó là sự vận động từ tri giác cảm tính về những cái đặc thù đến những cái phổ biến. Kinh nghiệm giữ một phần quan trọng trong lập luận của ông, vì nó vừa là cái nảy sinh từ trí nhớ về những tri giác cảm tính được lặp đi lặp lại vừa là nguồn suối của “cái phổ biến giờ đây được cố định trong tính toàn bộ của nó bên trong linh hồn; cái một bên cạnh cái nhiều là cái đồng nhất duy nhất bên trong tất cả chúng” (Aristoteles, 1941, 100a, 7-8). Với tư cách ấy nó [là] nguồn suối của tài khéo của người thợ trong “lĩnh vực của sự biến dịch” và của sự nhận thức của nhà khoa học trong “lĩnh vực của tồn tại”. Kinh nghiệm, do đó, làm trung giới giữa những cái đặc thù của tri giác và cái phổ biến của nhận thức, và được xét một cách nhất quán trong triết học trung đại như là loại nhận thức được gắn với tri giác cảm tính, và được đặc trưng hóa bởi việc thụ nhận từ một nguồn suối bên ngoài.
Việc nhấn mạnh đến những nguồn suối bên ngoài của kinh nghiệm được Descartes bảo lưu, mặc dù ông có bổ sung thêm vào một phẩm tính quan trọng. Trong Những quy tắc hướng dẫn trí tuệ (1628), ôngmô tả kinh nghiệm là “những gì mà ta tri giác bằng giác quan, những gì mà ta nghe từ miệng người khác nói, và nói chung là bất cứ thứ gì đến với giác tính của ta hoặc từ những nguồn suối bên ngoài hoặc từ sự chiêm nghiệm khi tinh thần ta hướng về lại chính mình” (Descartes, 1968, tr. 43-4). Ở đây, cùng với những nguồn suối bên ngoài của kinh nghiệm, một nguồn suối bên trong của sự phản tư về chính mình của tinh thần được đưa thêm vào. Nguồn suối này có thể được hiểu, theo kiểu Aristoteles mà ta quen gặp, như là “trí nhớ”, cho dù việc đó có thể chưa đánh giá đủ những hàm ý mà Descartes nêu ra khi xét lại khái niệm về kinh nghiệm. Mối quan hệ giữa nguồn suối bên trong và nguồn suối bên ngoài của kinh nghiệm có thể được hiểu theo hai hướng. Hướng thứ nhất xem kinh nghiệm bên ngoài như là nguồn suối của kinh nghiệm bên trong, tức xem kinh nghiệm bên trong là được phái sinh từ kinh nghiệm bên ngoài thông qua sự phản tư từ kinh nghiệm bên ngoài. Hướng thứ hai là xem cả hai nguồn suối này của kinh nghiệm là độc lập nhưng có quan hệ với nhau, cùng với dữ liệu của kinh nghiệm bên ngoài đang được bổ sung bởi những gì được tạo ra nhờ sự phản tư bên trong của tinh thần về chính mình.
Hướng thứ nhất, xem kinh nghiệm bên ngoài là tiên khởi, còn sự phản tư bên trong diễn ra sau, được Locke và Hume tán thành. Chẳng hạn, Locke mở đầu Luận văn về Giác tính con người (Essay Concerning Human Understanding) bằng yêu sách rằng chính từ kinh nghiệm mà “toàn bộ nhận thức của ta mới có được nền tảng, và kỳ cùng nó rút ra chính nó từ kinh nghiệm” (1690, tr. 33). Theo chân Descartes, ông muốn gọi kinh nghiệm là những gì được rút ra hoặc từ “những đối tượng khả giác bên ngoài” hoặc từ “những thao tác bên trong của tâm thức ta được chính ta tri giác và phản tư\ tức là cảm giác và sự phản tư. Với Locke, sự phản tư là sự phản tư về cảm giác; chính sự giới ước này khiến ông đâm ra nghi ngờ về việc liệu “nhận thức của ta có vươn xa hơn kinh nghiệm của ta” (tr. 285) hay không; sự thức nhận này của Locke được Hume phát triển trong nghiên cứu của mình về kinh nghiệm ở quyển Luận về bản tính con người (Treatise of Human Nature) (xem Hume, 1739, tr. 87). Tuy nhiên, trong bình giải phê phán của mình về Locke trong Những tiểu luận mới vể giác tính con người, Leibniz đã chuyển sự nhấn mạnh từ kinh nghiệm bên ngoài vào kinh nghiệm bên trong, xem “những chân lý bẩm sinh” của kinh nghiệm bên trong là có trước, và là những điều kiện cho các dữ kiện [cảm tính] và các chân lý của kinh nghiệm bên ngoài (Leibniz, 1765, tr. 83-4). Vào lúc cuối sự nghiệp triết học của mình, Kant đã mô tả PPLTTT là “sự biện hộ xác thực cho Leibniz”, và ông đã cố gắng phát triển một khái niệm về kinh nghiệm nối kết cả hai hướng do Descartes mở ra, làm cân bằng những phương diện kinh nghiệm bên trong và bên ngoài do Leibniz và Locke nhấn mạnh.
Kant nhất trí với việc Locke giới hạn nhận thức vào những giới hạn của kinh nghiệm, cho dù định nghĩa của ông về kinh nghiệm là khác hoàn toàn. Thực vậy, khái niệm về kinh nghiệm được sử dụng trong những bài viết ở thời kỳ đầu như GM (1766) là chưa khác biệt lắm với khái niệm của Locke. Ở đó, khi ông bác bỏ về mặt cương lĩnh quan niệm xem siêu hình học là “cuộc tìm kiếm những sự vật được ẩn giấu” bằng việc định nghĩa lại siêu hình học là “khoa học về những ranh giới của lý tính con người”, ông mô tả một cách rạch ròi việc ông quay trở lại với “cái cơ sở khiêm nhường của kinh nghiệm và lương năng” (GM tr. 368, tr. 355). Trong khi không bao giờ từ bỏ định nghĩa này về siêu hình học và hệ quả của nó là hạn chế nhận thức vào những ranh giới của kinh nghiệm, Kant định nghĩa lại một cách kỹ càng khái niệm của ông về kinh nghiệm, biến nó thành một cái gì không còn là khiêm nhường và cũng không còn mang tính cách đơn thuần lương năng. Các giai đoạn đầu của việc tái định nghĩa này thể hiện rõ trong LA. Kant bác quan niệm của Locke rằng những ý niệm (trong trường hợp của ông là những khái niệm và những trực quan) có thể được phái sinh từ kinh nghiệm bên ngoài, và thiên về lập trường của Leibniz xem chúng là điều kiện tiên quyết cho kinh nghiệm. Ông định nghĩa kinh nghiệm là sự “nhận thức phản tư nảy sinh khi một số hiện tượng được giác tính so sánh” nhưng lại lập tức xác định tính chất của lập trường này (vốn có thể tương thích với lập trường của Locke) bằng cách nói rằng “không có một con đường nào đi từ hiện tượng đến kinh nghiệm ngoài việc phản tư phù hợp với sự sử dụng logic của giác tính” (LA, §5). Như thế, bản thân sự phản tư là được quy định từ trước bởi sự sử dụng logic của giác tính.
Các yếu tố của khái niệm mới của Kant về kinh nghiệm trong LA được phát triển trong triết học phê phán. Ông định nghĩa kinh nghiệm là “sự nối kết tổng hợp của những hiện tượng (những tri giác) ở trong ý thức trong chừng mực sự nối kết này là tất yếu” (SL §22). Kinh nghiệm do đó là có tính cách tổng hợp, được mô tả như là “sản phẩm của các giác quan và giác tính”, và có thể được tháo rời thành những yếu tố. Trước hết đây là “[những] trực quan mà tôi có ý thức về nó, tức là tri giác (perceptio), vốn chỉ gắn liền với các giác quan” (SL §20). Những trực quan này mang lại yếu tố của kinh nghiệm bên ngoài, nhưng không cộng dồn lại thành một kinh nghiệm trọn vẹn. Còn phải có sự tổng hợp trong một phán đoán, nhưng sự tổng hợp này lại có những đặc tính đặc thù; nó không “đơn thuần so sánh những tri giác và nối kết chúng trong một ý thức của trạng thái của tôi” như chủ trương của thuyết duy nghiệm về tri giác, mà còn thâu gồm các trực quan vào dưới một khái niệm; khái niệm này “quy định hình thức của việc phán đoán nói chung trong quan hệ với trực quan” (SL §20). Đó chính là những khái niệm tiên nghiệm của giác tính [các phạm trù], chẳng hạn như khái niệm nguyên nhân, khái niệm này không được rút ra từ kinh nghiệm nhưng mang lại tính tất yếu cho kinh nghiệm.
Trong một nghiên cứu tinh vi hơn về kinh nghiệm trong PPLTTT, sự tổng hợp cấu thành kinh nghiệm không phải là sự thống nhất hóa đơn giản bằng khái niệm đối với một cái đa tạp được trực quan, trái lại, sự tổng hợp này diễn ra trên cơ sở của một sự thích nghi lẫn nhau của khái niệm và trực quan. Kant cho rằng mọi sự tổng hợp, ngay cả sự tổng hợp làm cho “bản thân tri giác có thể có được đều phải phục tùng các phạm trù. Và vì kinh nghiệm là nhận thức dệt bằng những tri giác liên kết với nhau, cho nên các phạm trù là những điều kiện cho khả thể của kinh nghiệm, và, - như vậy -, chúng cũng có giá trị tiên nghiệm cho mọi đối tượng của kinh nghiệm” (PPLTTT B 161). Sau cùng, Kant rút các phạm trù ra từ tính tự khởi của giác tính, do đó xác lập những điều kiện khả thể của kinh nghiệm trong sự thích nghi lẫn nhau giữa kinh nghiệm bên ngoài (tính thụ nhận của cảm năng) và kinh nghiệm bên trong (tính tự khởi của giác tính). Các mô thức tiên nghiệm của trực quan (không gian và thời gian) cũng như các khái niệm thuần túy của giác tính hay các phạm trù xác lập những điều kiện của kinh nghiệm khả hữu, và cũng là những gì xác định những ranh giới của sự nhận thức chính đáng. Như Kant đã lưu ý về các phạm trù, “tất cả những gì giác tính tự rút ra từ chính mình, không vay mượn từ kinh nghiệm, cũng chỉ được phép sử dụng trong phạm vi kinh nghiệm mà thôi” (PPLTTT A 236/B 295).
Khái niệm của Kant về kinh nghiệm quả đã từng là một trong những lĩnh vực chính của sự tranh cãi có phê phán trong sự lý giải về triết học của ông. Việc ông cố gắng giữ lại những ưu điểm của các nghiên cứu duy nghiệm lẫn duy tâm về kinh nghiệm đã tự nhiên khơi dậy những phê phán duy nghiệm và duy tâm về nó. Tương tự, cái tiềm năng mang tính lật đổ của việc ông giới hạn nhận thức vào những đối tượng của kinh nghiệm khả hữu đã gây nên những sự phê phán từ những người muốn bảo vệ ý niệm về Thượng đế, thế giới và linh hồn. Một đường hướng phê phán được ưa chuộng, chủ yếu là trên cơ sở của SL, cho rằng trong PPLTTT, Kant đã làm việc với một khái niệm nghèo nàn về kinh nghiệm, tức là khái niệm bị giới hạn vào những đối tượng của hình học Euclide và cơ học Newton. Chống lại hướng phê phán này, ta có thể cho thấy rằng PPLTTT và PPNLPĐ đã ủng hộ cho những quan niệm rộng hơn về kinh nghiệm luân lý và kinh nghiệm thẩm mỹ. Thế nhưng lập trường này lại khuếch đại quá đáng việc giới ước khái niệm về kinh nghiệm được sử dụng trong PPLTTT, và đánh giá không đúng mức những phương cách mà cả ba quyển phê phán bổ sung cho nhau trong việc mở rộng và cải tiến nhiều phương diện của những quan niệm trước đó về kinh nghiệm.
Đinh Hồng Phúc dịch
Loại suy của kinh nghiệm (các) [Đức: Analogien der Erfahrung; Anh: analogies of experience]
Xem thêm: Tùy thể, Loại suy, Hiện tượng, Phạm trù, Nhân quả (tính), Nguyên tắc (các), Tương quan, Thời gian,
Các loại suy của kinh nghiệm là nhóm ba nguyên tắc dùng như là các quy tắc cho sự sử dụng khách quan các phạm trù về tương quan. Mỗi một nhóm các phạm trù đều có một nhóm các nguyên tắc tương ứng với nó: các phạm trù về lượng có “các tiên đề của trực quan”; các phạm trù về chất có “những dự đoán của tri giác”; và các phạm trù về tình thái có “các định đề của tư duy thường nghiệm”. Chức năng khái quát của những nguyên tắc là xác định các sự vật phải xuất hiện ra cho những hữu thể hữu hạn [con người] như thế nào trong thời gian. Trong trường hợp của các loại suy, chúng phải xác định các sự vật xuất hiện ra là được quan hệ như thế nào trong thời gian. Kinh nghiệm của ta về những phương cách mà các sự vật quan hệ với nhau không trực tiếp là có tính phạm trù - ta không kinh nghiệm các quan hệ giữa các sự vật một cách trực tiếp bằng các phạm trù: bản thể và tùy thể, nhân quả và phụ thuộc, và cộng đồng tương tác - mà ta cũng không kinh nghiệm những quan hệ của chúng chỉ như là những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Các hiện tượng trong thời gian quan hệ với nhau bằng ba loại suy áp dụng cho trực quan lẫn các phạm trù: chúng “đi trước” nhận thức thường nghiệm về quan hệ và là một “quy tắc cho sự sử dụng khách quan” các phạm trù về tương quan.
Sự bàn luận chính của Kant về các loại suy là trong PPLTTT (A 176-218/B 218-65), được bổ sung bằng những tư tưởng xa hơn của ông trong SL. Chúng và những nguyên tắc khác là kết quả của công việc trong “thập niên im lặng” của những năm 1770, trong đó Kant cố gắng sửa đổi lại di sản của triết học kinh viện bằng cách biến đổi các phạm trù của bản thể học được tiếp nhận qua truyền thống Wolff thành những phạm trù của phân tích pháp siêu nghiệm. Thay cho những tương quan bản thể học có giá trị hiệu lực vĩnh viễn như: bản thể và tùy thể, nguyên nhân và kết quả, và cộng đồng tương tác, ông đề xuất những nguyên tắc của sự tương quan mang tính thời gian. Chúng mang hình thức của những sự tương tự có tính thời gian đối với những thuộc tính bản thể học, tức những loại suy thích hợp với kinh nghiệm của một hữu thể hữu hạn [con người] chỉ có thể biết được những hiện tượng trong không gian và thời gian mà thôi.
Nguyên tắc tổng quát thấm nhuần các loại suy cho rằng kinh nghiệm chỉ có thể có được “nhờ sự hình dung về sự nối kết tất yếu của những tri giác” (PPLTTT B 218). Điều này đòi hỏi rằng tri giác về những đối tượng trong thời gian có thể cho thấy là được quan hệ một cách tất yếu với nhau, và thực vậy nó đòi hỏi rằng những quan hệ này là “có trước mọi kinh nghiệm và làm cho kinh nghiệm có thể có được” (A 177/B 219). Điều này đạt được bằng cách cho thấy rằng các quan hệ giữa các hiện tượng được ngự trị bởi ba “thể cách” của thời gian - thời khoảng [thường tồn], tiếp diễn theo nhau, và cùng-tồn tại [đồng thời]. Mỗi một thể cách của thời gian mang lại một quy tắc đặc thù cho các hiện tượng liên quan; tất cả chúng cùng tạo thành những loại suy của kinh nghiệm.
Loại suy đầu tiên là “nguyên tắc về sự thường tồn của bản thể”. Những chi tiết của chứng cứ của Kant là không nhất quán một cách nội tại và thay đổi giữa các ấn bản 1781 và 1787, nhưng mục đích chung là rõ ràng. Ông cho rằng để kinh nghiệm sự biến đổi hay sự đồng thời trong thời gian, ta cần phải định đề hóa một sự thường tồn làm cơ sở cho các sự vật trong thời gian: “Không có sự thường tồn này, không một mối liên hệ nào trong thời gian có thể có được” (PPLTTT A 183/B 226). Tuy nhiên, ông lập luận chống lại yêu sách của truyền thống triết học rằng cái thường tồn là bản thể. Không nhất thiết phải hữu thể hóa cái thường tồn như là bản thể; ta chỉ cần chỉ ra nguyên tắc về cái thường tồn như là “cách thức trong đó ta hình dung cho ta sự tồn tại của sự vật trong thế giới hiện tượng” (A 186/B 229). Sự “thường tồn của bản thể’ không quy chiếu đến một thuộc tính bản thể học, mà quy chiếu đến bản thân thời khoảng hay phương cách mà “ta” - với tư cách là những hữu thể hữu hạn - hình dung các hiện tượng “cho ta” như là ở trong thời gian.
Loại suy thứ hai chi phối sự quan hệ của các hiện tượng trong thời gian được suy tưởng dưới thể cách của sự tiếp diễn - nguyên tắc nói rằng: “Mọi sự biến đổi xảy ra theo quy luật của sự nối kết giữa nguyên nhân và kết quả” (B 232). Với nguyên tắc này, Kant xử trí việc Hume phản đối nguyên tắc về tính nhân quả bằng cách chỉ ra sự tất yếu dành cho những quan hệ nhân quả. Không có sự vật nào như “tính nhân quả” hay “lý do đầy đủ”, mà chỉ có một kinh nghiệm đặc thù về thời gian - tính không thể đảo ngược của nó - đòi hỏi ta phải sắp đặt những kinh nghiệm của mình trong thời gian dựa theo sự loại suy về nguyên nhân và kết quả. Với nguyên tắc này, chứng cứ của Kant cho rằng những hiện tượng được đặt vào mối quan hệ với nhau như là có tính tiếp diễn, và rằng sự tiếp diễn này là tất yếu; tức là, trật tự của những hiện tượng trong thời gian không thể bị đảo ngược. Kant gắn đặc tính này của thời gian với tính không thể đảo ngược của chuỗi nhân quả, một thể cách cần thiết cho sự biến đổi của những hiện tượng trong thời gian.
Loại suy thứ ba chi phối sự tồn tại đồng thời của những hiện tượng theo “quy luật về sự tương tác hay cộng đồng” (A 211/B 256) và tương ứng với thể cách thời gian của sự tồn tại đồng thời. Ở đây, quan hệ của những hiện tượng trong thời gian được suy tưởng bằng tính đồng thời: những gì cùng tồn tại đều tồn tại trong cùng thời gian. Không có nguyên tắc này, theo Kant, kinh nghiệm ắt sẽ không thể có được, vì ta không thể nào gắn một cách chắc chắn những sự vật có vẻ như chiếm cùng một không gian và thời gian lại với nhau. Sự tồn tại đồng thời này không phải là một thuộc tính bản thể học, tồn tại bên ngoài mối quan hệ của nó, cũng không phải là đặc tính của những hiện tượng; đúng hơn nó là một điều kiện cho việc kinh nghiệm về sự quan hệ của những hiện tượng biểu hiện ra như là đồng thời.
Giống như những nguyên tắc khác, các loại suy nằm trong số những chỗ khó khăn và rắc rối nhất trong triết học của Kant. Chúng hết sức đặc trưng cho triết học lý thuyết của ông và cũng là mấu chốt đối với toàn bộ công việc phê phán của ông. Vì lý do này, trong khi chúng không gây ảnh hưởng triết học rộng rãi, chúng là chủ đề cho một số những công trình thú vị nhất cho dù là tối tăm về việc lý giải Kant, về hai nghiên cứu tưong phản xung quanh các loại suy xem Heidegger, 1935, Guyer, 1987.
Đinh Hồng Phúc dịch