Tất yếu (tính, sự), Khả năng/Khả thể và Bất tất (tính, sự) [Đức: Notwendigkeit, Möglichkeit und Kontingenz; Anh: necessity, possibility and contingency]
Notwendig và Notwendigkeit có nghĩa là “tất yếu” và “tính/sự tất yếu”. Chúng tương phản với möglich (khả năng) và Möglichkeit (tính khả năng/ khả thể), xuất phát từ động từ mögen (có thể, có lẽ, V.V.), và tương phản với Zufall (tính bất tất/ngẫu nhiên), với zufällig (tính từ) và Zufälligkeit (danh từ). Trong triết học phi-Hegel, đại thể, các từ này quan hệ với nhau như sau. Một cái gì đó là khả năng, nghĩa là nó có thể, hoặc không thể là HIỆN THựC (wirklich' ). Nếu nó không là hiện thực, thì nó chỉ là khả năng đơn thuần mà thôi. Nếu là hiện thực, nó có thể là bất tất (nghĩa là nó có thể trở thành hiện thực hoặc không hiện thực) hoặc tất yếu (nghĩa là nó không thể không hiện thực). Tuy nhiên, những gì là tất yếu thì không phải lúc nào cũng hiện thực: cái gì đó có thể là một ĐIỂU KIỆN tất yếu (tức không thể thiếu được) cho cái khác, chẳng hạn cho chân lý của một định lý hay cho hiện thực của sự việc, nhưng nó chưa được hiện thực hóa. Cách Hegel dùng những chữ này chịu ảnh hưởng từ việc Aristoteles phân biệt giữa những gì là hiện thực (energeiai) tương phản với những gì chỉ đơn thuần tiềm năng (dunamei). Ông khảo sát sự tất yếu, v.v. rất dài trong KHLG. Mô tả ngắn hơn trong BKTI §§143-9 là như sau:
1. Hegel bắt đầu với khả năng [khả thể] hình thức (hay lô-gíc). Theo Lô-gíc học của Wolff về thời gian, cái gì đó là khả năng hình thức, nếu nó không chứa đựng MÂU THUẪN nào hết. Những gì là khả năng thường được đánh đồng với những gì có thể suy tưởng được. Ví dụ của Hegel là: có khả năng là mặt trăng sẽ rơi xuống trái đất tối nay; có khả năng là vua Hồi giáo sẽ trở thành giáo hoàng (BKTI, §143A).
Khác với những nhà lô-gíc học chính thống vốn tin rằng, chẳng hạn, câu “cái này vừa vuông vừa tròn” là một bất khả thể, Hegel khẳng định rằng mọi thứ đều có thể là khả năng hình thức. Có ba lý do cho điều này:
(a) Tuyên bố rằng cái gì đó là khả năng hình thức thì đã hàm chứa việc TRỪU TƯỢNG HÓA một thực thể ra khỏi những hoàn cảnh hiện thời của nó (chẳng hạn làm ngơ sự thật về mặt trăng là xét về mặt lô-gíc nó chẳng thể rơi xuống trái đất được). Người tuyên bố rằng không thể có cái gì đó vừa vuông vừa tròn là người không trừu tượng hóa đầy đủ. Vì lẽ, cho dù nó là vuông trong hiện thực, thì vẫn có khả năng nó sẽ trở thành tròn.
(b) Vì thế Hegel quan tâm đến tính khả năng của các sự kiện hay sự việc hơn là của các MỆNH ĐỂ.
(c) Như ví dụ của ông cho thấy, ông quan tâm đến các khả năng tương lai: lúc này thì nó vuông, nhưng có khả năng sẽ trở nên tròn.
Không những mọi vật đều là khả năng, mà ngược lại, vì bất kỳ vật gì CỤ THỂ cũng chứa đựng sự ĐỐI LẬP và mâu thuẫn (chẳng hạn VẬT CHẤT vừa có lực hút vừa có lực đẩy, BKTI §143A), nên mọi thứ cũng đều là bất khả về hình thức. Do đó, khả năng hình thức, theo quan niệm của Hegel, là một khái niệm trống rỗng độc đáo.
2. Các nhà lô-gíc học chính thống (ví dụ Kant) có một khái niệm về tính tất yếu hình thức phối hợp với với khái niệm về tính khả năng [khả thể] hình thức: cái tất yếu hình thức là cái gì không thể không tồn tại, hay sự phủ định của nó là bất khả về hình thức. Nhưng việc Hegel tin rằng mọi vật đều là khả năng hình thức đã khiến ông không quan niệm như vậy. Vì thế, ông tiếp tục đi tới khái niệm về tính hiện thực hình thức, tức khái niệm về hiện thực không theo nghĩa ưa thích của Hegel, mà theo nghĩa là một cái đang tồn tại hay đang hiện hữu một cách đơn giản, tương phản với cái đơn thuần là khả năng. Cái hiện thực hình thức là cái bất tất (Zufälliges): tức cái gì có thể có mà cũng có thể không có. Do đó, việc cái bất tất là cái hiện thực chỉ là vấn đề ngẫu nhiên (Zufall). Nhưng khái niệm về tính ngẫu nhiên (Zufälligkeit) thì phức hợp: nó tương phản với những gì là bản chất, tất yếu hay có mục đích, nhưng nó cũng gợi ra sự phụ thuộc vào cái gì đó khác: “nói chung cái ngẫu nhiên là cái gì có cơ SỞ [lý do] tồn tại của nó không ở trong bản thân nó mà ở trong cái KHÁC” (BKT I, §145A). Hegel suy ra rằng cái bất tất không đơn giản là một hiện thực TRựC TIẾP, mà còn đóng vai trò làm khả thể hay điều kiện cho một hiện thực mới. (Ở đây, cũng như ở những chỗ khác, Hegel khai thác động từ voraussetzen (Anh: “to presuppose”) có nghĩa là TIỀN GIẢ ĐỊNH, nhưng nghĩa đen là “THIẾT ĐỊNH trước”: cái bất tất được thiết định bởi cái gì đó khác, nhưng là được thiết định trước hay được tiền giả định).
3. Các điều kiện (Bedingungen) cho cái gì đó và sự tương tác giữa chúng là cái thực tồn (reale), chứ không chỉ là khả năng hình thức của nó. Chỉ là khả năng hình thức khi bảo rằng cần có một pho tượng, tức làm cho khối cẩm thạch chưa thành hình này phải là, hay phải trở thành một pho tượng; nhưng chỉ khi nhà điêu khắc tác động lên cẩm thạch bằng cái đục của mình, thì đây là khả thể có thật hay khả thể hiện thực (reale) của bức tượng. Tuy vậy, khả thể có thật của cái gì đó cũng là hiện thực có thật của nó, vì “khi mọi điểu kiện đều có mặt, thì sự VIỆC (Sache) phải trở thành hiện thực” (BKTI, §147). Nhưng nó không chỉ là hiện thực; nó còn là tất yếu. Đây là sự tất yếu tương đối (hay giả thiết), tất yếu trong quan hệ với những điều kiện nhất định. Tuy nhiên, vì sự việc xuất đầu lộ diện của sự vật từ những điều kiện của nó bao hàm sự VƯỢT BỎ những điều kiện ấy, tức sự thải hồi Sự TRUNG GIỚI thành tính trực tiếp, nên nó cũng là sự tất yếu TUYỆT ĐỐI hay vô-điều kiện. Kant đã phủ nhận khả thể của bất kỳ cái gì tuyệt đối tất yếu trong thế giới hiện tượng, nhưng Hegel lý giải lại khái niệm về sự tất yếu vô-điều kiện, sao cho nó được minh họa bằng bất kỳ thực thể tự túc tự tồn tương đối nào đã hấp thu các điều kiện cho sự xuất hiện của mình: một tác phẩm nghệ thuật, một SINH THỂ hữu cơ, một con người, một NHÀ NƯỚC, v.v.
Mô tả của Hegel nhằm mục đích không những áp dụng cho sự xuất hiện của các thực thể trong thế giới mà còn áp dụng cho NHẬN THỨC của con người. Thế giới trình hiện cho ta vô số sự bất tất thường nghiệm. Những cái ấy tạo nên các điều kiện cho hoạt động của nhà khoa học tự nhiên, nhưng nhà khoa học tự nhiên không đơn giản chấp nhận chúng như chúng đang tồn tại: bằng quan sát và thí nghiệm, nhà khoa học chiết ra những đặc tính chung hay BẢN CHÂT của chúng và trình bày bản chất bằng các ĐỊNH LUẬT phổ quát vốn không chứa đựng những thuật ngữ thường nghiệm cấp thấp, chẳng hạn như “đá”, mà chỉ chứa đựng những thuật ngữ khái quát cao hơn như “vật thể’, “sự hút”, “sự đẩy”. Rồi cấp độ cao hơn nữa, Lô-gíc học Hegel, dù bị quy định bởi các bất tất thường nghiệm cũng như bởi các kết quả của các khoa học tự nhiên và các khoa học khác, vẫn trừu tượng hóa khỏi các điều kiện này và vận hành ở cấp độ TƯ TƯỞNG thuần túy. Ở cấp độ ấy, Hegel tin rằng, nhiều trong số các kết quả của các khoa học vốn thoạt đầu có được một cách thường nghiệm có thể tỏ ra là tất yếu (BKTI, §12). (Theo Hegel, Lô-gíc học không chứa đựng sự bất tất: bất kỳ phạm trù nào được mang lại thì đều có duy nhất một phạm trù đi sau nó).
Tuy nhiên, Hegel tin rằng có một yếu tố không thể gạt bỏ được của tính bất tất trong thế giới, không những trong Tự NHIÊN (là nổi, chẳng hạn, số lượng các giống vẹt là bất tất và phải được chấp nhận một cách đơn giản, chứ không được suy diễn hay được giải thích), mà cả trong LỊCH SỬ, NGHỆ THUẬT, và PHÁP QUYỂN. Điều này đáng nghi vấn vì một số lý do:
1. Khái niệm về sự bất tất là không rõ ràng: phát biểu rằng cái gì đó là bất tất có thể có nghĩa là (a) nó là vấn đề ngẫu nhiên đơn thuần, khiến cho không có lý do gì hết cho nó; (b) có một lý do cho nó (vì sau cùng cái bất tất “có cơ sở [lý do] tồn tại của mình... ở trong cái khác”), nhưng ta không thể nào tiếp cận được lý do ấy; (c) lý do của nó có thể tiếp cận được bằng các khoa học tự nhiên, nhưng triết học không thể chỉ ra hiện tượng là tất yếu và tiên nghiệm.
2. Cũng mù mờ không kém là khái niệm về việc “vượt qua” sự bất tất (überwinden, BKTI, §145A). Nếu tính bất tất về số lượng loài vẹt không thể được vượt qua, thì “vượt qua” phải có nghĩa là “giải thích”, hoặc theo nghĩa là chỉ ra rằng nếu cho trước những sự kiện khác (không-bất tất) nào đó, thì số lượng có thể không thể ít hơn hay nhiều hơn 193 chẳng hạn, hoặc theo nghĩa chỉ ra rằng 193 loài vẹt phục vụ MỤC ĐÍCH nào đó theo cách mà không có con số nào khác làm được. Nhưng theo các nghĩa khác của “vượt qua sự bất tất”, chẳng hạn trừu tượng hóa khỏi các loài vẹt và rồi tiến hành Lô-gíc học, hoặc làm cho chúng phục vụ mục đích cao hơn nào đó bằng cách, chẳng hạn, ăn chúng hay nhồi bông và đặt vào bảo tàng, ta có thể dễ dàng vượt qua tính bất tất của chúng. Các mô tả trong KHLG và BKT. I không biện biệt đầy đủ giữa các phương cách khác nhau để vượt qua tính bất tất.
3. Lô-gíc học của Hegel ngụ ý rằng tính bất tất, giống như các phạm trù khác, phải được hiện thân trong thế giới. Nhưng ông không đưa ra được mô tả thỏa mãn nào về (a) đường ranh giới được vạch ra giữa cái bất tất và cái không-bất tất; (b) tại sao nó phải được vạch ra tại điểm này chứ không phải tại điểm khác; hay (c) làm thế nào sự hiện hữu của những bất tất đơn thuần lại tương thích với các đặc tính khác của tư tưởng của ông, chẳng hạn như thuyết hữu thần triệt để của ông hay việc ông phủ nhận mọi CHẤT LIỆU hay NỘI DUNG vô-hình thức riêng lẻ.
Hoàng Phú Phương dịch