Jeu
[VI] CHƠI
[FR] Jeu
[EN]
[VI] Hoạt động có hứng thú, thoát khỏi ràng buộc của cuộc sống hàng ngày, trong một thời gian nhất định giúp phát huy một năng lực nào đó, giúp chủ thể tự khẳng định. Nhiều khi đòi hỏi những cố gắng không kém gì có khi hơn cả trong lúc lao động. Hoạt động chân tay hay trí tuệ. Ở trẻ em, chơi là hoạt động chủ yếu, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển sinh lý-tâm lý, diễn ra dưới nhiều hình thức tùy lứa tuổi. Lúc một chức năng mới xuất hiện, trẻ em dễ say mê lặp đi lặp lại những hoạt động thực hiện chức năng ấy: một em bé có thể say sưa kéo ra kéo vào một hộp diêm, hay lặp lại nhiều lần một từ mới học được, đó là những trò chơi chức năng (trò chơi giác động, kéo đẩy, vận chuyển, chạy nhảy…). Có những trò chơi để tự khẳng định, biểu lộ tâm tư, như đập phá, đeo đuổi thành tích vận động. Có những trò chơi tượng trưng “giả vờ”, từ một vật đơn giản như một khúc gỗ có thể tưởng tượng là một tòa nhà hay một chiếc xe, giả vờ làm đủ nghề kiểu người lớn (bác sĩ, bán hàng, cô giáo); có những trò chơi xây dựng làm nhà, làm cầu; có những trò chơi luyện trí như đánh bài. Đến khoảng 7-8 tuổi trẻ em dần dần bỏ những trò chơi giả vờ, tượng trưng, và tỏ ra “thực tế hơn”, gọi là xe thì phải đầy đủ bánh để chạy, một khúc gỗ thô sơ không thể gọi là xe được. Trẻ em dưới 5-6 tuổi khó chơi tập thể, vì không biết tôn trọng quy ước, tôn trọng sự phân công, và thích chơi với người lớn hơn là với các em khác. Sau tuổi mẫu giáo, mới thực sự biết chơi có phân công phân vai và có qui ước được thua rõ ràng, đến tuổi này lại không thích người lớn chen vào. Trong lúc chơi, trẻ em rèn luyện kỹ năng giác động và trí khôn, đồng thời điều tiết tình cảm và tập sinh hoạt tập thể; những đồ chơi thân thiết như những con gấu, búp bê giúp cho vượt qua những thử thách về tình cảm, như ôm gấu hay búp bê làm giảm mối lo hãi khi đi nhà trẻ, mắng đánh búp bê là một cách giải tỏa tội lỗi của bản thân. Bố trí cho trẻ em chơi là hết sức cần thiết. Phải có chỗ chơi, góc phố, công viên, sân trường, sân nhà, góc trong nhà, phải có đồ chơi, không nhất thiết là những thứ đắt tiền, lòe loẹt, máy móc tinh xảo, thưởng chỉ để thỏa mãn lòng kiêu hãnh của bố mẹ, mà cần những thứ giúp cho trẻ em hoạt động, những miếng gỗ, giấy, đống cát, lá chuối, là dừa, thanh tre, đất sét…, phải có người lớn hay các anh chị hướng dẫn. Có thể nói giáo dục trước 6-7 tuổi chính là tổ chức cho trẻ chơi. Nhưng không vì thế mà không để cho trẻ em thường thường chơi tự do, có chỗ, có vật liệu tự chúng nó sẽ nghĩ ra nhiều cách chơi thú vị và bổ ích.