Tình bạn [Hy lạp: philia; Latinh: arnica; Đức: Freundschaft; Anh: friendship]
Xem thêm: Kích động [sự], Tình yêu, Hợp quần [tính],
Tình bạn là trung tâm trong triết học lý thuyết và triết học thực hành của Hy Lạp và La mã, ở đây các nghĩa của nó thay đổi từ sự tương phản siêu hình học giữa tình bạn với sự xung đột của Empedocle tới sự ngợi ca của Aristoteles về tình bạn trong Đạo đức học Nicomachus, và đến quan niệm của phái Khắc kỷ La mã về tình bạn đối với chủng tộc người. Trong triết học Kitô giáo, tình bạn là thứ yếu so với sự ân cần của tình yêu, nhưng nơi Kant, tình bạn trở lại giữ một vị trí quan trọng trong đạo đức học.
Kant xem tình bạn như là một lý tưởng được định nghĩa như “sự hợp nhất của hai con người thông qua tình yêu lẫn nhau và sự tương kính” (SHHĐL, tr. 469, tr. 261). Tình bạn nhằm vào việc đạt được một sự cân bằng giữa lực hút của tình yêu và lực đẩy của lòng tôn kính. Vì lý do đó, Kant xem tình bạn là cực kỳ khó khăn để vừa đạt đến vừa duy trì được cả hai. Kant phân biệt giữa tình bạn luân lý và tình bạn thực tế/thẩm mỹ [aesthetic/pragmatic]: cái trước nhấn mạnh đến yếu tố tôn trọng và được định nghĩa là “sự tin cậy tuyệt đối giữa hai cá nhân trong việc thổ lộ những quan điểm và cảm xúc thầm kín với nhau, đến mức là những tiết lộ như vậy là nhất quán với sự tôn trọng lẫn nhau” (SHHĐL, tr. 471, tr. 263), trong khi cái sau nhấn mạnh đến tình yêu, và được đặt cơ sở trên những cảm xúc về tình thân ái.
Nguyễn Văn Sướng dịch