Giới tính [Đức: Geschlecht; Anh: sex]
-> > Tính dục,
Tính dục/Giới tính [Đức: Geschlecht; Anh: sex]
Xem thêm: Hôn nhân, Đam mê, Phụ nữ,
Sự thảo luận của Kant về tính dục (sex), bản năng tính dục (sexuality) và hành vi tính dục có phạm vi rộng đáng ngạc nhiên, và được thấy trong SHHĐL và ĐĐH. Ông xem sự khác biệt về tính dục như sự khác biệt đặc biệt trong loài người, và biến sự khác biệt này thành cơ sở cho nghiên cứu của ông về sự ham muốn tính dục. Trung tâm trong quan niệm của ông về tính dục là sự phân biệt có nền tảng luân lý giữa sự hợp nhất tính dục dựa theo “bản tính động vật đơn thuần” và sự hợp nhất tính dục theo “nguyên tắc” trong hôn nhân. Thực vậy, ông minh nhiên định nghĩa hôn nhân như “sự hợp nhất tính dục phù hợp với nguyên tắc” (SHHĐL) và xem sự thỏa mãn tính dục lẫn nhau chỉ có thể có trên cơ sở hôn nhân, và hệ luận của nó là “sự sở hữu suốt đời những cơ quan tính dục của nhau”. Kant không khẳng định rằng tính dục phải phụ thuộc vào mục đích sinh sản, nhưng xem sự ham muốn tính dục hay bản năng tính dục như một “xu hướng”, “giác quan thứ sáu” hoặc “một sự thèm muốn người khác” (ĐĐH, tr. 163). Thèm muốn này là phi-nhân cách (impersonal), nó “không phải là một xu hướng mà một người hướng đến người khác xét như người khác, mà là một xu hướng hướng đến tính dục của người khác” (ĐĐH, tr. 164) và được cho là đặt con người vào “nguy cơ đánh đồng với loài vật”. Vì lý do này, Kant hạn chế sự biểu lộ tính dục vào các giới hạn của khế ước hôn nhân, theo đó cả hai đối tác cùng được sử dụng những thuộc tính tính dục của nhau, trong khi vẫn nhìn nhận nhau như những con người hay như các mục đích-tự thân.
Ngoài việc thừa nhận địa vị của đối tác tính dục như một mục đích-tự thân thông qua hôn nhân, Kant xem bản năng tính dục không tránh khỏi sẽ dẫn đến sự sử dụng những đối tác tính dục như những sự vật, hoặc như phương tiện cho các mục đích. Nạn mãi dâm và lấy vợ lẻ bao gồm những khế ước hạ thấp nhân tính của đối tác và giản lược họ thành phương tiện cho những mục đích của người khác. Kant mở rộng lập luận tương tự vào việc thủ dâm, một hành vi qua đó “con người đặt tính người của mình sang một bên và tự giảm giá trị chính mình xuống dưới mức loài vật” bằng cách sử dụng chính mình như phương tiện cho những mục đích “đáng ghê tởm” của chính mình” (SHHĐL, tr. 425, tr. 221). Trong trường hợp về hành vi tính dục đồng giới, Kant lại tự mâu thuẫn với mình quá mức, khi xem nó như “đối lập với những mục đích của nhân tính”, một trong những mục đích này, xét về bản năng tính dục, lúc này được định nghĩa như “để bảo tồn giống loài mà không làm giảm giá trị con người” (ĐĐH, tr. 170). Tuy nhiên, giai đoạn đầu ĐĐH và trong SHHĐL, Kant minh nhiên khước từ mối liên kết giữa bản năng tính dục và sự sinh sản, và đã tìm cách tổ chức sự biểu hiện dục tính bằng sự tôn trọng lẫn nhau của những con người xét như các mục đích-tự thân, tức cái gì không phải là không tương thích với sự ham muốn tính dục đồng giới.
Trong những bàn luận về loạn luân, Kant xem xét những cơ sở luân lý tuyệt đối cấm đoán những quan hệ tính dục giữa cha mẹ và con cái, những cơ sở dựa vào “sự tôn trọng” giữa cha mẹ và con cái, tức sự tôn trọng “không xét đến sự bình đẳng” và quan hệ bất bình đẳng do sự phục tùng của trẻ em trong mối quan hệ với cha mẹ. Tuy nhiên, Kant lại tỏ ra mập mờ nước đôi về các quan hệ tính dục loạn luân giữa những anh chị em ruột, tức là ông xem nó không bị “cấm đoán một cách tuyệt đối bởi tự nhiên” (ĐĐH, tr. 168). Ông cho rằng cần tránh sự loạn luân giữa anh chị em ruột do sự thân thuộc và “sự kén chọn” của ham muốn tính dục.
Sự kén chọn của ham muốn tính dục được xác định rõ một cách nghiêm khắc trong những bàn luận của Kant về sự giao hợp với những loài vật khác giới tính, bởi ông xem đó là “trái với những mục đích của tính người và chống lại bản năng tự nhiên của chúng ta” (ĐĐH, tr. 170). Ông xem hành vi như thế là “ô nhục và hạ giá trị nhất mà con người có thể làm” (ĐĐH, tr. 170), và trong SHHĐL là “phải bị trục xuất khỏi xã hội dân sự” như hình phạt thích đáng đối với tính súc vật (SHHĐL tr. 363, 169). Trong ĐĐH, ông thêm sự dự báo gây tò mò rằng thậm chí có nhiều sự đồi bại “không đáng đề cập”, “đáng kinh tởm”, “gây buồn nôn” vốn là những “sự kiện thường xảy ra” nhưng ông không thể kể ra. Ông phản tư về thế lưỡng nan đặt ra cho sự Khai minh: liệu có nên nói rõ những sự đồi bại này không để qua đó người ta nhận ra và tránh nó, hay nên giữ chúng trong bóng tối, để con người không học theo chúng và do đó sẽ không bị rổi vào sự cám dỗ? Kant chọn sự lựa chọn sau, nhưng không thể không mở rộng đáng kể những giới hạn của sự bàn luận.
Bàn luận của Kant về tính dục, trên nhiều phưong diện, là cực kỳ hiện đại. Giống Freud ở thế kỷ sau, ông cho rằng ham muốn tình dục như một đặc trưng nước đôi của đời sống con người, một đặc trưng có thể kích thích những cái tốt nhất và những cái xấu nhất trong hành vi con người. Dù không nhất quán, ông cũng phá vỡ mối liên kết giữa sự biểu hiện của ham muốn tình dục và sự sinh sản, chọn việc kiềm chế bản năng tính dục bằng nguyên tắc tôn trọng người khác như các mục đích-tự thân vốn được rút ra từ triết học luân lý của ông. Tuy nhiên, những giới hạn của lập trường của ông trở nên rõ hon khi ông không thể nhìn xa hon thiết chế của hôn nhân khác giới như một thiết chế duy nhất có thể nâng đỡ cho nguyên tắc tôn trọng người khác. Điều này dẫn đến việc ông phục hồi mối liên kết giữa hôn nhân và sự sinh sản và sau đó giữa sự sinh sản và bản năng tính dục.
Hoàng Phong Tuấn dịch