VỊ ngữ/thuộc tính [Đức: Prädikat; Anh: predicate]
Xem thêm: Phán đoán, Logic học, Chủ ngữ (chủ thể),
Kant xem phán đoán như là quan hệ trong tư tưởng giữa một chủ ngữ với một vị ngữ, và khẳng định rằng mối quan hệ này có thể có hai hình thức khả hữu. Trong hình thức thứ nhất, “vị ngữ B thuộc về chủ ngữ A, như là một cái gì đã được chứa đựng sẵn trong khái niệm A (dù một cách kín đáo)”, trong khi trong hình thức thứ hai, thuộc từ B “hoàn toàn nằm bên ngoài khái niệm A, dù được nối kết với khái niệm này” (PPLTTT, A 6/B 10). Hình thức thứ nhất của phán đoán ìàphân tích, hình thức thứ hai là tổng hợp. Sự chứng minh về khả thể của các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm là nhiệm vụ của quyển PPLTTT, và còn ở chỗ chỉ ra rằng một vị ngữ có thể được tổng hợp với một chủ ngữ trong một phán đoán. Kant hết sức quan tâm tới việc đảm bảo rằng sự nối kết logic của chủ ngữ và vị ngữ, vốn chỉ bị hạn chế bởi nguyên tắc mâu thuẫn, là không được mở rộng đến sự nối kết hiện thực hoặc tổng hợp. Để làm điều đó, Kant phân biệt giữa thuộc tính logic và thuộc tính hiện thực, khẳng định rằng: “Để trở thành thuộc tính logic, người ta có thể dùng tất cả mọi thứ người ta muốn” (A 598/B 624) trong khi các thuộc tính hiện thực phải được giới hạn trong những ranh giới của kinh nghiệm khả hữu. Từ sau HHTĐ, Kant đặc biệt quan tâm tới việc tước quyền sử dụng [khái niệm] “tồn tại” như một thuộc tính hiện thực. Hệ từ “là” trong một phán đoán không phải là “một khái niệm về cái gì đó có thể được thêm vào cho khái niệm về một vật”. Về mặt logic, ta được phép nói rằng “Thượng đế là toàn năng”, vì mệnh đề này là không tự-mâu thuẫn; nhưng hệ từ [“là”] không thể được xem như là một vị ngữ [hay thuộc tính] hiện thực vì “không phải là một vị ngữ được thêm vào mà chỉ là cái thiết định mối quan hệ của vị ngữ vào cho chủ ngữ” (PPLTTT A 559/B 627). Đáng chú ý là không có chỗ nào Kant bàn đến vị ngữ xét như là vị ngữ, mà luôn xét nó trong quan hệ với những phương thức vị ngữ hóa; sơ đồ chủ ngữ-vị ngữ cơ bản của logic phạm trù được mở rộng bởi quan niệm về những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, nhưng về cơ bản nó không bị thách thức.
Trần Kỳ Đồng dịch