Nghịch lý của lý tính thuần túy [Đức: Antinomie der reinen Vernunft; Anh: antinomy of pure reason]
Xem thêm: Nhân quả (tính), Vũ trụ học, Biện chứng (pháp), Tự do, Ý thể/Lý tưởng, Suy luận, Tự nhiên, Võng luận (các), Vô-điều kiện,
Nghịch lý là một hình thức tu từ học của sự trình bày được Quintilian (35-100) đề cập trong cuốn Institutio oratoria (92-5) (Q. VIII, ch. 7) trong đó các luận cứ đối lập được trình bày song hành bên nhau. Hình thức được dùng rộng rãi trong luật học thế kỷ XVII (như trong De Antinomiis (1660) của Eckolt) để chỉ ra những sự khác nhau giữa các luật nảy sinh từ những sự xung đột giữa những quyền hạn thực thi luật. Kant sử dụng hình thức này trong “biện chứng pháp” trong cả ba quyển Phê phán như là một bộ phận then chốt của phân tích của ông về “các khẳng quyết biện chứng”. Hình thức này rất thích hợp với mục đích này vì nó có thể cho thấy lý tính đưa ra những suy luận đối lập nhưng đều có thể được biện minh một cách ngang nhau. Kant tuyên bố rằng các suy luận như thế cho thấy một sự mở rộng không chính đáng lý tính hữu hạn của con người vượt khỏi quyền hạn riêng của nó.
Kant xem sự nghịch lý như là một “cuộc thử nghiệm có tính quyết định, là sự thử nghiệm nhất thiết phải phơi bày ra bất cứ sai lầm nào đang ẩn giấu trong những giả định của lý tính” (SL §52b). Ông xem sự phát hiện ra nghịch lý lý thuyết của các ý niệm vũ trụ học, cùng với thuyết hoài nghi của Hume, là một trong những cú sốc làm ông thức tỉnh khỏi giấc ngủ giáo điều của triết học tư biện (SL §50). Trong PPLTTT, hình thức nghịch lý được sử dụng trong Chương II, Quyển II, phần “Biện chứng pháp siêu nghiệm”. Ở đây Kant cho thấy cả ba bộ môn và ba đối tượng của siêu hình học truyền thống, được minh họa bởi Wolff (1719), đều dựa trên các suy luận biện chứng. “Các võng luận của lý tính thuần túy” cho thấy đây là trường hợp cho khoa tâm lý học và đối tượng của nó là linh hồn con người; “Nghịch lý của lý tính thuần túy” trong vũ trụ học và đối tượng của nó là thế giới; “Ý thể của lý tính thuần túy” trong thần học và Thượng đế.
“Nghịch lý của lý tính thuần túy” tạo thành một trong những chương có tính độc lập cao nhất của PPLTTT. Trong đó Kant trình bày bốn nhóm suy luận biện chứng về bản tính của thế giới tương ứng với bốn nhóm phạm trù. Các phạm trù toán học về lượng và chất, và các phạm trù năng động về tương quan và tình thái mang lại những nghịch lý toán học và những nghịch lý năng động. Mỗi một nghịch lý trình bày một cách hình thức những luận cứ đối lập về bản tính của thế giới được lấy ra từ lịch sử triết học; thậm chí Kant còn đề cập đến chúng bằng thuật ngữ luật học như “các bên” đối lập. Sự trình bày về nghịch lý gồm hai luận chứng đối lập về mặt giả định nhưng có sức thuyết phục ngang nhau được đặt kề cạnh nhau trên những trang đối nhau (chứ không phải trên cùng một trang như bản dịch tiếng Anh năm 1929 của Kemp Smith) như là các chứng minh về chính đề và các phản đề.
Nghịch lý thứ nhất, hay nghịch lý về lượng, liên quan đến những giới hạn của thế giới. Nó đối lập giữa chính đề rằng “thế giới có một sự khởi đầu trong thời gian, và cũng bị bao bọc trong các ranh giới, về không gian” (PPTTTT A 426/ B 454), với phản đề rằng thế giới “không có một khởi đầu, và cũng không có ranh giới trong không gian, nhưng là vô tận về thời gian lẫn không gian” (A 427/B 455). Nghịch lý thứ hai, hay nghịch lý về chất, trình bày các tuyên bố đối lập về sự cấu tạo hay chất của thế giới. Chính đề cho rằng “không có gì tồn tại mà bản thân không phải là đơn tố hay là được tổ hợp từ những đơn tố” (A 434/ B 462), trong khi đó phản đề lại tuyên bố “không tồn tại bất kỳ đơn tố nào trong thế giới” (A 435/B 464). Nghịch lý thứ ba, hay nghịch lý về tương quan, xét bản tính của quan hệ nhân quả trong thế giới, với chính đề rằng tính nhân quả là phù hợp với những định luật của tự nhiên lẫn với sự tự do đối lập lại phản đề rằng “không có sự tự do, trái lại tất cả những gì xảy ra trong thế giới đều chỉ tuân theo những định luật của tự nhiên” (A 445/B 473). Cuối cùng, nghịch lý về tình thái có chính đề rằng “có một hữu thể tuyệt đối tất yếu thuộc về thế giới, hoặc là một bộ phận của nó hoặc làm nguyên nhân cho nó” (A 452/B 480) đối lập với phản đề rằng “không có một hữu thể tất yếu nào tồn tại ở trong thế giới hoặc ở ngoài thế giới như là nguyên nhân của thế giới” (A 453/B 481).
Kant không trình bày các luận cứ đối lập để chứng minh cái này hon cái kia, mà đúng hon là để cho thấy rằng cả hai đều có tính biện chứng. Xuất phát từ kinh nghiệm không-thời gian, chúng yêu sách phải đưa ra thức nhận về “sự trọn vẹn tuyệt đối” của sự tổ hợp và sự phân chia “của cái toàn bộ được mang lại của mọi hiện tượng”, cũng như sự trọn vẹn tuyệt đối trong “[nguồn gốc] ra đời của một hiện tượng” cũng như “sự phụ thuộc về sự tồn tại của cái có thể biến đổi trong hiện tượng” (PPLTTT A 415/B 443). Đó là sự tìm kiếm “sự trọn vẹn tuyệt đối” trên cơ sở của kinh nghiệm bị giới hạn về thời gian lẫn không gian, là kinh nghiệm đã đưa lý tính vào những nghịch lý. Đối với lý tính, Kant xem đó là điều “không thể tránh khỏi” và “tự nhiên” phải làm như vậy, nhưng qua việc trình bày sự nghịch lý, Kant hy vọng thức tỉnh lý tính khỏi “sự ngủ quên trong niềm tin tưởng tự tạo” trong khi đó, cũng không uốn nắn nó thành “thái độ hoài nghi tuyệt vọng” - sự hộ tứ (euthanasia) của lý tính thuần túy - hay dẫn nó đến “cái chết của nền triết học lành mạnh” trong một thái độ khư khư bám giữ một lập trường duy nhất một cách giáo điều (A 407/B 434). Những “giải pháp” cho các nghịch lý, được phát triển rộng rãi và tinh tế, cốt yếu là cho thấy chúng nảy sinh như thế nào từ sự sai lầm của lý tính để hiểu được những ranh giới của chính lý tính; tức là, sự nắm bắt sai lầm của lý tính khi cho các hiện tượng là các vật tự thân. Vì thế các giải pháp được thực hiện trên cơ sở những kết quả của phân tích, là cơ sở giới hạn nhận thức chính đáng vào trong những ranh giới của kinh nghiệm con người.
Kant cũng dùng hình thức nghịch lý trong phần “Biện chứng pháp” trong Phê phán thứ hai (PPLTTH) và Phê phán thứ ba (PPNLPĐ) để trình bày những lập trường đối lập được rút ra từ lịch sử đạo đức học và lịch sử mỹ học. Nghịch lý thực hành là ở chỗ những tuyên bố đối lập rằng “sự ham muốn hạnh phúc phải là động cơ cho những châm ngôn của đức hạnh” và “châm ngôn của đức hạnh phải là nguyên nhân tác động của hạnh phúc” (PPLTTH, A 204). Cả hai tuyên bố đều cho thấy là không thể có được. Đối với giải pháp cho nghịch lý này, Kant quy chiếu trở lại với nghịch lý lý thuyết thứ ba về tự do và mối nhân quả tự nhiên, và phân biệt giữa tính nhân quả từ tự do trong thế giới siêu-cảm tính và tính nhân quả tự nhiên trong thế giới cảm tính.
Trong Phê phán thứ ba, nghịch lý của phán đoán thẩm mỹ đối lập giữa tuyên bố rằng “phán đoán về sở thích dựa trên các khái niệm” với tuyên bố rằng “phán đoán về sở thích không dựa trên các khái niệm”. Nghịch lý xảy ra từ sự đối lập giữa lý thuyết của người Anh về sở thích với mỹ học theo lập trường của người Đức vốn thấm nhuần toàn bộ công cuộc phê phán về phán đoán thẩm mỹ của Kant. Giải pháp của Kant cho rằng sai lầm của cả hai tuyên bố này là ở chỗ đều giả định một định nghĩa hẹp về “khái niệm”, trong khi chúng có thể tương thích được với nhau nếu “khái niệm” đang bàn ở đây được định nghĩa như là một khái niệm không xác định. Giải pháp này sau đó được chấp nhận một cách đầy tranh cãi để chỉ ra một “cơ sở siêu-cảm tính” thấm nhuần cả chủ thể lẫn đối tượng, một gợi ý tỏ ra hết sức quan trọng cho sự phát triển của thuyết duy tâm Đức.
Trong Phần II của PPNLPĐ bàn về năng lực phán đoán mục đích luận, Kant mô tả một nghịch lý của phán đoán phản tư. Ở đây, sự nghịch lý là ở các châm ngôn đối lập của sự phản tư: chính đề nói rằng “mọi việc tạo ra những sự vật vật chất và những hình thức của chúng là chỉ có thể có được dựa theo những định luật đơn thuần cơ giới”; phản đề là: “Một số sản phẩm của giới Tự nhiên vật chất không thể được xem là chỉ dựa theo những định luật đơn thuần cơ giới” (§70). Kant đảo ngược những châm ngôn này của phán đoán phản tư thành những nguyên tắc có tính cấu tạo của phán đoán xác định để cho thấy rằng chỉ ở trường hợp sau, chúng mới tạo thành một nghịch lý thực sự. Với phán đoán phản tư, giải pháp cho “nghịch lý” đó là các châm ngôn đối lập “không chứa đựng một mâu thuẫn nào hết”; chúng là những châm ngôn bổ sung cho việc thực thi phán đoán phản tư.
Sau Kant, các nghịch lý được tái hiện trong hình thức của biện chứng pháp theo sơ đồ “mác xít”: chính đề - phản đề - hợp đề. Sơ đồ này nảy sinh từ một sự hiểu sai về tuyên bố của Hegel trong Khoa học logic (Logik der Enzykclopädie) rằng “nghịch lý không chỉ được tìm thấy trong bốn đối tượng đặc thù được rút ra từ môn Vũ trụ học [thuần lý] mà đúng hơn, ở trong mọi đối tượng thuộc mọi chủng loại, trong mọi biểu tượng, khái niệm và ý niệm” (Hegel, 1830, §48). Hegel muốn mở rộng nội dung chống-giáo điều của phát biểu của Kant về các nghịch lý từ môn Vũ trụ học đến mọi lĩnh vực của tư tưởng; tuy nhiên mỉa mai thay nó trở thành một thuyết giáo điều có tính sơ đồ mới. Tính chất chống-giáo điều của nghịch lý được làm sống lại trong phân tích của Lukács về thuyết duy tâm Đức trong Lịch sứ và ỷ thức giai cấp (1922). Trong chương có nhan đề “Các nghịch lý của tư tưởng tư sản”, ông chỉ ra “cấu trúc được vật hóa của ý thức” là cấu trúc tập trung vào các sản phẩm của hoạt động con người nhưng lại loại trừ bản thân hoạt động ấy. Tiếp sau Lukács, hình thức nghịch lý của luận chứng được các triết gia “mác xít phương Tây”, nhất là T.w. Adorno, phát triển xa hơn nữa.
Đinh Hồng Phúc dịch