Lý giải (sự) [Đức: Auslegung; Anh: interpretation]
Trong XPK, Kant phân biệt sự lý giải xác thực với sự lý giải học thuyết về một văn bản Kinh Thánh. Với cái trước, “sự lý giải Kinh Thánh phải trực tiếp y theo (lý giải về mặt ngữ văn) nghĩa của tác giả, trong khi với cái sau người giải thích buộc phải “gán cho văn bản (về mặt triết học) ý nghĩa mà nó thừa nhận cho những mục đích luân lý về mặt hình thức (sự giáo dục cho học trò); vì niềm tin vào một mệnh đề chỉ đơn thuần có tính lịch sử, tự bản thân nó là không có sức sống (XPK tr. 66, tr. 121). Kant áp dụng sự phân biệt này giữa việc lý giải văn tự và lý giải tinh thần (của văn tự) vào sự lý giải về các nhà triết học tiền bối của mình. Trong PH, ông xem PPLTTT như là “sự biện hộ đích thực cho Leibniz” chống lại những người ủng hộ ông là những người, cũng giống như nhiều nhà lịch sử triết học, “không thể nào hiểu được ý định của những triết gia ấy, bởi lẽ họ đã bỏ qua cái chìa khóa cho sự lý giải về toàn bộ những sản phẩm của lý tính thuần túy từ những khái niệm đon thuần, sự phê phán về bản thân lý tính”. Họ vẫn còn bó hẹp mình vào sự xác thực và không biết đến sự lý giải học thuyết về văn bản triết học, và, Kant kết luận: họ “không đủ khả năng vượt ra khỏi những gì các triết gia thực sự đã nói để nhận thức được những gì các triết gia thực sự muốn nói” (PH tr. 251, tr. 160).
Nguyễn Thị Thu Hà dịch