Tương tác (sự) [Đức: Interaktion; Anh: Interaction]
Mối quan hệ tồn tại giữa hai hay nhiều người hơn, khi họ cùng chia sẻ cách hiểu về các chuẩn mực và các quy tắc xã hội vốn dẫn hướng cho hành động của họ, vì thế họ sẽ có các kỳ vọng tương hỗ về hành vi tương ứng của nhau. Do đó, nếu tôi đang trong có hành động tương tác với bạn, tôi có thể dự liệu cách bạn sẽ phản ứng với những gì tôi nói hay làm bởi vì tôi biết rằng nhìn chung bạn chia sẻ cùng một cách nhận thức về thế giới, và về các quy tắc đạo đức và thậm chí cả phép xã giao vốn có thể chi phối hành động của chúng ta. Do vậy, chúng ta có thể hiểu được những hành động và lời phát ngôn của nhau.
‘Sự tương tác’ đồng nghĩa với hành động giao tiếp/communicative action trong các tác phẩm thời kỳ đầu của Habermas (Habermas, 1971b, tr. 92). Tuy nhiên, bối cảnh từ đó Habermas thăm dò và phát triển khái niệm ‘sự tương tác’ trong các tác phẩm thời kỳ đầu khác với bối cảnh trong đó ông thăm dò ‘hành động giao tiếp’ ở các tác phẩm thời sau. Đó là vì ‘sự tương tác’ được gắn với lý thuyết về những lợi ích hay quan tâm về nhận thức/cognitive interests (Habermas, 1971a), và nhất là cách đọc các tác phẩm thời kỳ đầu của triết gia Đức Hegel (Habermas, 1976a, tr. 142–169). Sự tương tác được nghiên cứu bằng mô hình về những đặc tính căn bản nhất của con người. Những đặc tính này là khả năng của con người để biến đổi môi trường vật chất (và do đó là sử dụng lao động); sử dụng ngôn ngữ; và cuối cùng là sự tồn tại xã hội, khiến cho con người tương tác với nhau. Lao động, ngôn ngữ và sự tương tác là ba phương tiện trung gian qua đó cá nhân có thể quan hệ với thế giới xung quanh. Sự tương tác là phương tiện trung gian qua đó con người quan hệ với thế giới xã hội. Trong sự tương tác, ta thừa nhận rằng ta đang quan hệ với những người khác, và không phải với các đối tượng đơn thuần (như khi ta lao động).
Trong bối cảnh của lý thuyết về những lợi ích hay mối quan tâm về nhận thức, Habermas cho rằng, nếu con người phải phát triển và hưng thịnh cả về mặt cá nhân lẫn tập thể, chính ở lợi ích hay mối quan tâm của mình mà họ trở nên lão luyện hơn trong lao động (nhờ kỹ nghệ tốt hơn), sử dụng ngôn ngữ (nhờ cách hiểu tốt hơn về ý nghĩa của lời nói và hành động của nhau), và thông qua việc tổ chức xã hội tốt hơn (chủ yếu trong đó sự tương tác phải được giải phóng khỏi sự áp bức chính trị và bóc lột). Vì thế, ‘sự tương tác’ được Habermas sử dụng để nghiên cứu sự lạm dụng quyền lực, và lợi ích hay mối quan tâm của con người trong sự giải phóng/emancipation. Habermas có luận điểm cho rằng sự áp bức và lạm dụng quyền lực làm hư hại tính thuần khiết và minh bạch của giao tiếp. Chẳng hạn, chủ nghĩa bài Do Thái, giống như phần lớn các dạng thức định kiến, hoạt động bằng cách làm xói mòn nhân tính của người Do Thái. Vì thế, quan hệ của người bài Do Thái với người Do Thái đi đến chỗ, ít nhất trong con mắt của người bài Do Thái, trở thành mối quan hệ giữa thực thể con người và thực thể phi nhân (hay người hạ đẳng). Lúc này ta thấy được sự tiêu huỷ đối với các điều kiện tiên quyết của sự tương tác, trong đó hai người tôn trọng cùng một tập hợp các quy tắc luân lý và quyền tự trị của nhau. Người bài Do Thái xem người Do Thái như đối tượng phải bị thao túng và bóc lột, chứ không phải là con người khác như vốn phải được thừa nhận. Luận cứ của Habermas là sự thực thi quyền lực thường có tác dụng bằng cách làm cho địa hạt xã hội của sự tương tác có bề ngoài tự nhiên. Sự thực thi quyền lực có thể che giấu và hợp pháp hoá chính nó là vì thế, bởi một khi các mối quan hệ xã hội hoặc con người được khiến cho có vẻ như là một phần của tự nhiên, thì chúng hoặc họ không thể bị thay đổi được nữa—hoặc là, cùng lắm, chúng hoặc họ chỉ có thể được thay đổi bởi sự thao túng kỹ nghệ và do đó bởi lao động, chứ không phải thông qua sự thương lượng hay sự thực thi của bất cứ ý chí tập thể nào (xem ý hệ/ideology và vật hoá/reification).
V