Siêu việt (tính, cái) [Đức: transzendent; Anh: transcendent]
Xem thêm: Tuyệt đối, Lý tính, Siêu nghiệm,
Kant phân biệt rất rõ siêu việt (transcendent) và siêu nghiệm (transcendental). Siêu việt là thuật ngữ được dùng để mô tả các nguyên tắc nào “tự nhận là vượt khỏi” các ranh giới của kinh nghiệm, đối lập lại với các nguyên tắc nội tại, tức các nguyên tắc “mà sự áp dụng của chúng hoàn toàn giới hạn bên trong các ranh giới của kinh nghiệm khả hữu” (PPLTTT A 296/B 352). Các nguyên tắc siêu việt “không thừa nhận bất kì giới hạn nào” cần phải được phân biệt với sự sử dụng siêu nghiệm của các nguyên tắc nội tại vượt khỏi các giới hạn riêng của chúng. Những nguyên tắc siêu việt đó gồm: các ý niệm tâm lý học, vũ trụ học và thần học được bàn trong “Biện chứng pháp siêu nghiệm” (PPLTTT, B 350-732). Kant cũng mô tả “sự sử dụng khách quan của các khái niệm thuần túy của lý tính” là “mang tính siêu việt”, nhưng cũng mô tả lẫn lộn chúng như là “các ý niệm siêu nghiệm” (PPLTTT A 327/ B 383). Trong PPNLPĐ, Kant phân biệt giữa các ý niệm thẩm mỹ và các ý niệm thuần lý, cái trước quy chiếu đến trực quan dựa theo một “nguyên tắc đơn thuần chủ quan về sự hài hòa của các quan năng nhận thức” và cái sau dựa theo một nguyên tắc khách quan nhưng “không bao giờ có khả năng mang lại một nhận thức về đối tượng” (PPNNPĐ §57). Cái sau là siêu việt, đối lập lại với nguyên tắc chủ quan của ý niệm thẩm mỹ, và với khái niệm nội tại của giác tính. Như trong PPLTTT, các Ý niệm thuần lý được tạo ra bởi lý tính và có thể được sử dụng một cách điêu hành (regulativ) để cố gắng tìm kiếm tính thống nhất có hệ thống của giác tính, hoặc được sử dụng theo một phương cách siêu việt “một khi lý tính vượt khỏi năng lực nắm bắt của giác tính” (PPNLPĐ §76).
Hoàng Phú Phương dịch