Bất tử (sự, tính) [Đức: Unsterblichkeit; Anh: immortality]
Xem thêm: Cái Tôi, Hữu tận, Võng luận, Định đề, Tâm lý học, Linh hồn, Chủ thể,
Trong PPLTTT, Kant tuyên bố đã phản bác các chứng minh tư biện về sự bất tử của linh hồn - như những chứng minh mà Moses Mendelssohn đã đưa ra trong Phâdon (1767) - bằng cách vạch trần tính võng luận của chúng (xem PPLTTT B 413). Những sự chứng minh như thế phụ thuộc vào giả định rằng cái Tôi với tư cách là điều kiện hình thức hay chủ thể logic của tư tưởng cũng đồng thời là một Tự ngã [hay cái Tôi] có tính cách bản thể, sở hữu phẩm tính là sự trường tồn. Tuy nhiên, khi hoàn toàn phá bỏ các Cổ sở của những chứng minh tư biện ấy, Kant không buộc phải từ bỏ sự xác tín vào sự bất tử. Trong PPLTTH, sự bất tử tái xuất hiện cùng với sự tự do và Thượng đế như một “định đề của lý tính thuần túy thực hành”, tức “việc gán cho chủ thể sự kéo dài cần thiết” (tr. 133, tr. 138) vốn đã bị phủ nhận bằng những võng luận làm cho sự chứng minh tư biện ấy trở nên rối rắm. Kant nhận thấy rằng định đề về tính bất tử là “rút ra từ điều kiện tất yếu có tính thực hành của một sự kéo dài tưong ứng với việc hoàn tất trọn vẹn quy luật luân lý” (tr. 132, tr. 137), một điều kiện được nâng đỡ bởi các định đề đi kèm với nó là sự tự do và Thượng đế. Các tác giả kế tục, như Heine (1965, tr. 295) và Nietzsche (1882), đã phản bác cả ba định đề ấy, xem chúng hoặc như các nỗ lực của Kant trong việc an ủi người giúp việc tên Lampe của ông hoặc như những sai sót trong việc phá hủy tận căn những chứng minh tư biện đã được hoàn tất trong phần Biện chứng pháp siêu nghiệm của cuốn PPLTTT. Cả hai lập trường này (của Heine và Nietzsche) dường như không công bằng, mặc dù đáng lưu ý rằng có rất ít sự biện hộ đưong thời cho nghiên cứu của Kant về tự do và hành động luân lý lại viện đến hai định đề còn lại về Thượng đế và tính bất tử, vốn được cho là không thể tách rời với định đề về sự tự do.
Trần Kỳ Đồng dịch