Hoàn hảo (sự) [Đức: Vollkommenheit; Anh: perfection]
Khái niệm này là khái niệm trung tâm trong triết học của Wolff và nhờ chống lại nó mà Kant đã xác định nhiều lập trường đặc trưng của mình. Trong siêu hình học của mình (1719), Wolff định nghĩa sự hoàn hảo là “sự hài hòa của một cái đa tạp”, và cái đa tạp này có thể có nguồn gốc trong một cơ sở chung (§§153-6). Toàn bộ hệ thống của Wolff được tổ chức xoay quanh nguyên tắc thúc đẩy sự hoàn hảo, dù đó là sự hoàn hảo về nhận thức, sự tự-hoàn hảo hay sự hoàn hảo xã hội. Từ khi bắt đầu sự nghiệp, Kant đã phê phán nguyên tắc này, và dứt khoát bác bỏ nó như là một nguyên tắc của năng lực phán đoán trong ba quyển Phê phán của ông. Trong PPLTTT, ông chống lại sự hoàn hảo của nhận thức trên cơ sở của những giới hạn vốn có của nhận thức của con người vào những hiện tượng trong không gian và thời gian. Trong CSSHHVĐL và PPLTTH, ông bác bỏ sự hoàn hảo luân lý như là một nguyên tắc ngoại trị của phán đoán thực hành; trong khi ở PPNLPĐ, ông xem sự hoàn hảo [luân lý] lẫn sự dễ chịu [cảm tính] đều là những nguyên tắc không tưong thích với năng lực phán đoán thẩm mỹ của sở thích. Trong những bài viết chính trị sau này, Kant cũng bác bỏ sự hoàn hảo như là một nguyên tắc của phán đoán chính trị, chủ yếu là vì nó đặt các công dân dưới sự giám hộ của nhà nước, bằng cách mang lại cho nhà nước quyền lực để quyết định cho những công dân những gì mà nhà nước cho là sẽ thúc đẩy phúc lợi hay sự hoàn hảo của họ một cách tốt nhất.
Cù Ngọc Phương dịch