Vật-tự-thân [Đức: Ding an sich; Anh: thing-in-itself ]
Xem thêm: Hiện tượng, Nguyên mẫu, Đồng nhất (tính), Thế giới khả niệm, Trực quan, Noumenon, Đối tượng, Phenomenon, Đối tượng siêu nghiệm,
Kant sử dụng thuật ngữ này để biểu thị một tập hợp các nghĩa kể cả các nghĩa được gán riêng cho các noumena và các ý niệm siêu nghiệm. Vật-tự-thân chia sẻ chung với chúng tính chất phủ định, tức giới hạn sự áp dụng giác tính và lý tính chỉ vào cho những gì có thể là một đối tượng của trực quan, và chia sẻ tính chất khẳng định của việc biểu thị một không gian nghi vấn vượt ra khỏi các ranh giới ấy. Như thế, vật-tự-thân không thể được biết đến, vì nhận thức [của ta] bị giới hạn vào kinh nghiệm khả hữu, nhưng nó vẫn có thể được suy tưởng, miễn là nó thỏa mãn điều kiện của một tư tưởng khả hữu nghĩa là một tư tưởng không tự-mâu thuẫn. Trong SL, Kant sử dụng chữ “những vật-tự-thân” đồng nghĩa với những noumena, cụ thể là, trong việc áp dụng những khái niệm thuần túy của giác tính “vượt khỏi những đối tượng của kinh nghiệm” vào cho “những vật tự thân (những noumenay’ (SL, § 29). Tương tự, trong PPLTTT, Kant xem những vật-tự-thân như là những ý niệm tiềm năng của lý tính, và nói về “cái Vô-điều kiện (das Unbedingte) mà lý tính có quyền và tất yếu phải đòi hỏi nơi những vật-tự-thân” (PPLTTT B 20).
Cái phân biệt những vật-tự-thân với các hình thức khác của những noumena là đặc tính làm “cái đối ứng thực sự (wahres Correlatum) của cảm năng” (PPLTTT A 30/B 45). Kant đi từ tiền đề rằng “không có gì được trực quan trong không gian mà là một vật tự thân” đến kết luận rằng “vật tự thân là không được và cũng không thể được nhận thức bằng mô thức ấy cũng như không bao giờ được tra hỏi ở trong kinh nghiệm cả” (PPLTTT A 30/B 45). Tuy nhiên, Kant không đi theo sự quy định tự-giới hạn của chính mình ở đây, vì ông cho rằng phải có một cái đối ứng có thể được suy tưởng, cho dù không nhận thức được. Thật ra, nếu dựa trên các nguyên tắc phê phán, Kant không thể nói gì nhiều hơn rằng vật tự thân chỉ có thểìà một đối ứng của cảm năng mà thôi. Nhưng sở dĩ Kant không làm như vậy là do ông kháng cự lại “kết luận phi lý rằng hiện tượng là cái gì xuất hiện ra mà lại không có cái xuất hiện” (PPLTTT B 27).
Tàn dư của thuyết giáo điều còn sót lại trong lập trường của ông dựa trên nguyên tắc mâu thuẫn này, đã bị Hegel và Nietzsche phê phán. Cả hai đều không được thuyết phục về sự tất yếu phải có một cái gì đó vượt khỏi hiện tượng được biểu hiện trong nó. Sự trình bày của Hegel về các hiện tượng trong Hiện tượng học Tinh thần (1807) được thấm nhuần bởi một cái tuyệt đối nội tại, chứ không phải là một cái tuyệt đối bộc lộ ra trong các hiện tượng, trong khi Nietzsche xem sự đối lập giữa các hiện tượng và vật-tự-thân như là một tiên kiến kiểu Platon của các triết gia; một trong các tiên kiến đó, Nietzsche ghi chú trong Khoa học Vui tươi (Die fröhliche Wissenschaft') (1882), chúng ta biết quá ít để có quyền sử dụng (§355).
Nguyễn Văn Sướng dịch