Kỷ luật học [Đức: Disziplin; Anh: discipline]
Xem thêm: Đào luyện [văn hóa], Thói quen, Lịch sử, Xu hướng, Lý tính, Quy tắc (các),
Kỷ luật học được định nghĩa trong PPLTTT như “sự cưỡng chế nghiêm ngặt để ngăn chặn xu hướng luôn muốn vi phạm các quy tắc nhất định và cuối cùng để tiêu diệt xu xướng đó” (PPLTTT A709/B 737). Ở đây nó được phân biệt với sự đào luyện [văn hóa] “có nhiệm vụ truyền dạy một kỹ năng nào đó, không xóa bỏ các kỹ năng khác đã có”, dù cho trong PPNLPĐ, Kant thực sự bàn về “văn hóa bằng con đường kỷ luật học” (§ 83). Kỷ luật học có hai đối tượng: trong SHHĐL và Giáo dục (1803) nó là những xu hướng bị giới ước, còn trong PPLTTT nó là khuynh hướng ngông cuồng của lý tính muốn vượt khỏi những ranh giới của nhận thức chính đáng. Bàn luận của Kant về kỷ luật học áp dụng đối với những xu hướng nhấn mạnh rằng kỷ luật học cần phải chiếm vị trí thứ hai sau “sự đào luyện [văn hóa] luân lý”, vì cái sau có mục đích mấu chốt là đào luyện cho ý chí sự ham muốn cái thiện thay vì kỷ luật cái xu hướng chọn cái ác: “Một bên ngăn ngừa những thói quen xấu, còn bên kia rèn luyện óc tư duy” (Giáo dục, 1803, § 77). Kỷ luật thái quá đối với các xu hướng sẽ mang lại sự bất mãn cá nhân và bạo lực xã hội; điều trước được bàn trong PPNLPĐ § 83, điều sau trong SHHĐL, ở đây nó được mô tả như “đối lập với bổn phận của con người đối với chính mình” (SHHĐL tr. 452, tr. 246).
Trong PPLTTT, đối tượng của kỷ luật học là khuynh hướng của lý tính “muốn vượt ra các ranh giới chật hẹp của kinh nghiệm khả hữu” (A 711/ B 739). Cùng với bộ chuẩn tắc, kiến trúc học, và lịch sử của lý tính [thuần túy], kỷ luật học là một chương trong “Học thuyết siêu nghiệm vê phương pháp” [Phần II của PPLTTT]. Bởi vì trong trường hợp của lý tính “ta gặp một toàn thể hệ thống những sự lừa phỉnh và nhầm lẫn, kết chặt với nhau và hợp nhất lại trên những nguyên tắc chung”, Kant cho rằng cần thiết đề nghị “một bộ luật hoàn toàn riêng biệt và có tính phủ định” để khi đối diện với nó, “không một ảo tưởng và sai lầm nào có thể đứng vững” (PPLTTT A 711/ B739). Ông làm điều này bằng cách đưa ra những quy tắc về những sự sử dụng lý tính thuần túy bằng nhiều cách khác nhau: sử dụng giáo điều, sử dụng tranh biện, sử dụng có tính giả thuyết và sử dụng có tính chứng minh. Khi làm những việc này, Kant viết ra một số những đoạn văn mỉa mai sắc sảo nhất của PPLTTT, khẳng định yêu sách của ông trong SHHĐL rằng kỷ luật học “có thể trở nên có cống hiến và là mẫu mực điển hình khi đi kèm với lòng vui thích, không miễn cưỡng” (SHHĐL, tr. 485, tr. 274).
Hoàng Phong Tuấn dịch