Vui sướng [Đức: Lust; Anh: pleasure]
Xem thêm: Cảm nănghọc/Mỹ học, Đẹp (cái), Thểxác/Thân xác, Hài lòng, Tinh cảm, Sự sống, Tính dục,
Ngay giai đoạn đầu, trong cuốn ĐLPĐ, Kant đã khẳng định rằng, sự vui sướng và không-vui sướng (đau khổ) là có tính bổ sung: Cả hai đều là biểu hiện của cùng tình cảm giống nhau về “sự vui sướng và đau khổ’. Trong NLH, ông mô tả chúng đối lập nhau, không theo kiểu được và thiếu [gain or deficiency] (+ hay 0) mà theo kiểu được và mất [gain and loss] (= và -), tức cái này không được đặt tương phản với cái kia chỉ đơn thuần như một cái đối lập (contradictorie, sive logice opposition), mà đúng hơn như một cái đối ứng của cái kia (contrarie sive realiter opposition) (ĐLPĐ §60). Kant khăng khăng rằng, vượt khỏi việc xác nhận rằng sự vui sướng và không-vui sướng là các đối ứng của cùng một tình cảm chủ quan giống nhau, ta “không thể cắt nghĩa chúng một cách tự thân rõ ràng hơn được”; thay vào đó, người ta chỉ có thể chỉ rõ những kết quả nào của chúng trong các tình huống nhất định (SHHĐL tr. 212, tr. 41). Một trong những kết quả xảy ra từ việc tình cảm có kích thích chủ thể hay không là việc chủ thể ấy từ bỏ hoặc duy trì một trạng thái đặc thù; kết quả khác là ở xu hướng của sự vui sướng gia tăng tình cảm về sự sống, và của sự không-vui sướng hay đau khổ cản trở tình cảm ấy (NLH §60). Tuy nhiên, cả hai đều cần thiết cho nhau: không có sự kiểm chứng bằng sự không-vui sướng, sự tăng tiến đều đặn của sinh lực sống đi kèm với sự vui sướng ắt sẽ “lập tức tiêu vong”.
Trong NLH, Kant phân biệt giữa sự vui sướng và không-vui sướng trên phương diện thể xác và trí tuệ, phân chia cái trước dựa theo sự vui sướng và không-vui sướng được gây ra bởi cảm giác hoặc trí tưởng tượng, và cái sau dựa theo việc nguyên nhân của nó có nằm nổi các khái niệm có tính biểu tượng hoặc các ý niệm hay không. Sự vui sướng/không-vui sướng của cảm giác gồm thức ăn, tình dục và các chất gây nghiện (thuốc lá và rượu); còn sự vui sướng/không-vui sướng của trí tưởng tượng gồm những sự vui sướng/không-vui sướng phần nào có tính trí tuệ của cái đẹp và sở thích. Sự vui sướng/không-vui sướng thuộc trí tuệ được bàn thảo đầy đủ hon trong SHHĐL. Ở đó, sự phân chia này được trình bày dựa theo việc sự vui sướng/không vui sướng đi trước hay đi sau một sự xác định về ham muốn. Nếu nó đi trước ham muốn và bao hàm một đối tượng, thì nó là thuộc thể xác hoặc là một “sự vui sướng của xu hướng”; nếu nó đi trước ham muốn nhưng không bao hàm một đối tượng, thì nó là một sự vui sướng thuộc tư tưởng của sở thích; nếu nó được đi trước bởi một sự xác định về ham muốn, thì nó là một sự vui sướng thuộc trí tuệ vốn do một “sự quan tâm của lý tính” tạo ra (SHHĐL tr. 212, tr. 41).
Kant cũng đi theo một sơ đồ tương tự trong PPNLPĐ - khảo luận vĩ đại của ông về sự vui sướng. Ở đây, những sự vui sướng của sở thích, vốn có vẻ là một tư tưởng đến sau trong những sự phân loại nói trên, được dẫn ra, trong tương quan với phán đoán, để trung giới giữa các quan năng lý thuyết với các quan năng thực hành. Tình cảm vui sướng/không-vui sướng, vốn “không biểu thị điều gì hết ở trong đối tượng, mà là một tình cảm trong đó chủ thể tự cảm nhận theo kiểu được biểu tượng tác động” (PPNLPĐ §1), nhanh chóng triển khai để tăng cường cho cả các quan năng lý thuyết lẫn thực hành. Kant trình bày rõ ràng định nghĩa mở rộng này về vui sướng bằng sự phân biệt mới giữa sự vui sướng/không vui sướng với sự hài lòng. Sơ đồ về những sự vui sướng của thể xác, trí tưởng tượng, và trí tuệ lúc này được chuyển thành những sự hài lòng về cái dễ chịu, cái tốt và cái đẹp. Sự hài lòng là một cảm giác về sự vui sướng, thể hiện ở cấp độ phán đoán sở thích, với những sự tương tự trong cả phán đoán lý thuyết lẫn thực hành. Sự vui sướng sẽ đi kèm phán đoán thực hành trong chừng mực “việc đạt được mục đích luôn gắn liền với tình cảm vui sướng”, và đi kèm phán đoán lý thuyết chỉ vì “kinh nghiệm tầm thường nhất cũng không thể có được nếu không có nó [sự vui sướng]”; ông viết thêm rằng “sự vui sướng ấy dần dần bị pha trộn với nhận thức thông thường khiến không còn được đặc biệt lưu ý đến nữa” (PPNLPĐ §VI). Sự vui sướng/không-vui sướng đang đi gần đến việc được đồng hóa với sinh lực sống - hay tình cảm về sự sống - và thậm chí với tâm thức xét như là tâm thức, “vì lẽ tâm thức, xét riêng cho bản thân nó, là toàn bộ sự sống (bản thân nguyên tắc sự sống), còn những trở ngại hay thuận lợi là phải tìm bên ngoài nó, tức trong bản thân con người gắn liền với thân xác” (PPNLPĐ §29). Những hàm ý cực kỳ rộng ấy của triết học Kant về sự vui sướng/không-vui sướng hầu như không gây được sự chú ý nào cho mãi tới thế kỷ XX, khi đó, dưới xung lực của những phê phán nhắm vào chủ nghĩa hình thức của Kant trong đạo đức học và mỹ học, một lý giải thận trọng hon về các tư tưởng thời kỳ sau của Kant đã dần xuất hiện.
Như Huy dịch