Không gian và thời gian [Đức: Raum und Zeit; Anh: space and time]
Xem thêm: Cảm năng học, Bên đối ứng không đồng dạng, Trực quan, VỊ trí, Niệm thức, Cảm năng,
Không gian và thời gian được bàn chung trong phần ba của LA như là các nguyên tắc của mô thức về thế giới cảm tính. Chúng là “các Sổ đồ và các điều kiện của những gì là cảm tính trong nhận thức của con người” (§13) và cấu thành yếu tố mô thức của cảm năng. Kant lập luận rằng thời gian và không gian là “những trực quan thuần túy” (§14): là “thuần túy” trong chừng mực chúng được tiền giả định [là có sẵn] trong cảm giác về các sự vật, và như vậy không thể được “rút ra từ những cảm giác bên ngoài” (§15), và là “các trực quan” vì chúng “phối kết” các đối tượng của giác quan nhưng không thâu gồm các đối tượng này theo phưong cách của các khái niệm. Với lập luận như vậy, Kant đã có thể phân biệt được nghiên cứu của mình về không gian và thời gian với quan điểm duy nghiệm là quan điểm cho rằng chúng được rút ra từ các đối tượng của giác quan, với quan điểm duy lý là quan điểm cho rằng chúng là những tri giác mù mờ về một trật tự khách quan của các sự vật, và khác với sự phân biệt của Newton giữa không gian-thời gian tuyệt đối và không gian-thời gian tư ổng đối. Hon nữa, mặc dù không gian và thời gian phối kết các đối tượng của giác quan, nhưng chúng chỉ làm như thế trong sự tương hợp với “một nguyên tắc bên trong của tâm thức” được ngự trị bởi “các quy luật ổn định và có sẵn” (§4), và các quy luật này không được tâm thức tác tạo một cách tự khởi. Chúng là những phương diện của tính thụ nhận hay tính thụ động của tâm thức, đối lập lại với việc làm chủ động và tự khởi của giác tính, tuy thế chúng lại tổ chức chất liệu của cảm giác.
Sự bàn luận về không gian và thời gian trong phần “Cảm năng học siêu nghiệm” của PPLTTT phát triển thêm viễn tượng được đề xuất trong LA. Không gian và thời gian là những mô thức thuần túy tiên nghiệm của trực quan, và những mô thức này, với tư cách là giác quan bên ngoài và giác quan bên trong, hình thành những điều kiện tất yếu của kinh nghiệm (bên ngoài và bên trong) cũng như của các đối tượng của kinh nghiệm (PPLTTT A 48-9/ B 66). Không gian và thời gian là thuần túy vì chúng không thể được rút ra từ kinh nghiệm, là tiên nghiệm vì chúng “có trước bất cứ mọi hành vi suy tưởng nào” (B 67), là mô thức vì chúng sắp đặt trình tự “cái đa tạp của hiện tượng”, và là các trực quan trong chừng mực cách sắp đặt chất liệu của cảm năng của chúng khác với cách sắp đặt của một khái niệm (chúng phối kết nhưng không thâu gồm cái đa tạp). Với tư cách là các mô thức thuần túy của trực quan, không gian và thời gian có thể tạo nên sự chính đáng cho các dạng nhận thức, ví dụ như toán học (đặc biệt là hình học), là môn học quan tâm đến việc tìm tòi các đặc tính của các tính chất mô thức của trực quan.
Vai trò của không gian và thời gian trong cấu trúc quyển PPLTTT là phải phối kết các đối tượng của cảm năng trước khi các khái niệm của giác tính hợp nhất chúng vào trong một phán đoán. Để làm được như vậy, không gian và thời gian phải được phân biệt với các khái niệm được tạo ra một cách tự khởi trong khi chúng đồng thời vẫn làm công việc sắp xếp chất liệu của cảm năng theo một phương cách thích hợp với chúng. Phần không nhỏ nỗ lực triết học trong PPLTTT là dành để cho thấy điều này có thể được thực hiện như thế nào, nhưng bên dưới chúng là một loạt vấn đề nảy sinh từ quan niệm của Kant về không gian và thời gian. Các vấn đề này liên quan đến khó khăn cơ bản của việc vừa khẳng quyết rằng tâm thức là có tính thụ nhận trước việc các đối tượng được mang lại cho ta trong khi nó vừa phối kết chúng vào các quan hệ nhất định. Nếu cảm năng hoàn toàn là thụ nhận, sẽ không có chỗ cho bất cứ hoạt động phối kết nào; nhưng nếu hoạt động này được thừa nhận thì ta khó thấy được làm thế nào để cảm năng có thể được coi là thụ động. Nhưng nếu cảm năng được coi là chủ động trong việc phối kết các đối tượng của giác quan dựa theo các quan hệ không gian-thời gian, thì việc các đối tượng là “được mang lại cho ta” - thành trì của Kant chống lại thuyết duy tâm [của Berkeley] - bắt đầu thấy có vẻ lung lay. Dù sao cũng không thể quá thổi phồng tầm quan trọng của việc xác lập không gian và thời gian như là những mô thức của trực quan, vì nó là cơ sở không chỉ của các phê phán của Kant đối với thuyết duy nghiệm và thuyết duy tâm, mà còn của việc ông đặt câu hỏi liệu Thượng đế, thế giới và linh hồn có thể là những đối tượng chính đáng của nhận thức lý thuyết, hay chỉ đơn thuần là sự mở rộng không chính đáng của nhận thức vượt khỏi các giới hạn không gian-thời gian của cảm năng con người.
Đinh Hồng Phúc dịch