Thời gian [Đức: Zeit; Anh: time]
Xem thêm: Cảm năng học, Loại suy của kinh nghiệm (các), Liên tục (sự, tính), Bất tử (Sự, Tính), Vô tận (cái, tính), Giác quan bèn trong, Trực quan, Niệm (thức thuyết), Không gian và Thời gian, Tiếp diễn (sự),
Sự khảo sát vấn đề thời gian của Kant diễn ra trong khuôn khổ truyền thống tư tưởng cổ đại mà sự khó hiểu của nó, từ xa xưa ấy, đã ảnh hưởng đến những phê phán của ông dành cho các lý thuyết hiện đại của Leibniz, Locke và Newton. Tưong tự, quan niệm của ông về ý nghĩa hiện sinh và luân lý của thời gian chịu ảnh hưởng lối tư biện Kitô giáo, và những vai trò quan trọng của nó bởi sự bất tử linh hồn và sự quy trách nhiệm đối với hành động. Dĩ nhiên không thể tách biệt hai chiều kích thời gian vật lý và thời gian luân lý, mặc dù có vẻ như Kant đã phân biệt dứt khoát thời gian vật lý được bàn đến trong PPLLTT với thời gian luân lý trong PPLTTH.
Những quan điểm dị biệt về bản chất của thời gian của Platon và Aristoteles có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển sau này của triết học về thời gian. ít gieo ảnh hưởng lên truyền thống, nhưng lại quan trọng với Kant, là lập trường được cho là của Epicurus. Sự tiếp nhận những cuộc tranh luận thời cổ đại của các triết gia trung cổ được Augustinus đào sâu thêm trong tác phẩm Confessions (Tự thuật, 1960). Một cách thô thiển nhất, những khác biệt nổi bật đó trong các định nghĩa khác nhau về thời gian bao hàm mối quan hệ giữa thời gian và vĩnh cửu, và giữa thời gian và vận động. Platon ủng hộ luận cứ của Pythagoras - phân biệt giữa thời gian giới hạn và không giới hạn, hay vô tận. Trong đối thoại vũ trụ luận Timaeus, ông nói về thời gian như một “hình ảnh vận động của vĩnh cửu”, phân biệt giữa thời gian vĩnh cửu “yên nghỉ trong sự thống nhất” và thời gian của “những trạng thái tác động đến các sự vật vận động và khả giác mà nguyên nhân là sự sinh thành” (Platon, 1961, 37d, e). Trong khi Platon bắt đầu với thời gian vĩnh cửu và nhìn thấy các sự kiện nhất thời như được định hướng về nó, thì Aristoteles bắt đầu với cái bây giờ, và xem thời gian như một tùy thể của vận động sinh ra từ kinh nghiệm về cái trước và cái sau: “Khi ta tri giác một “cái trước” và một “cái sau”, thì ta nói rằng ở đó có thời gian. Vì thời gian đon giản là thế này - số lượng vận động liên quan đến “trước” và “sau” (1941, 219b, 1 - 2). Lập trường của Epicurus, được Diogenes Laertius thuật lại (1925, Quyển X), xem thời gian như một cảm giác trực tiếp (hoặc theo thuật ngữ của Kant, một “trực quan”) vốn phân biệt với sự dự đoán hay prolepsis nhờ không được tạo nên từ các cảm giác tiếp diễn mà nhờ được chúng làm điều kiện tiên quyết.
Trong The Six Enneads [Sáu tác phẩm của Plotinus] Plotinus biện hộ một cách tinh vi cách hiểu của Platon về thời gian và khẳng định rằng thời gian độc lập với vận động, nhưng có thể được đo lường bằng vận động (Xem Plotinus, 1971, Ennead thứ ba, VII, 12). Ở đây thời gian được bàn luận không chỉ bằng sự vận động, mà dựa vào một sự loại suy (nếu quả như thế) của sự sống. Một mặt nó là vĩnh cửu được thể hiện như “sự sống bất động mãi mãi và luôn chứa đựng nội dung phổ quát (thời gian, không gian và các hiện tượng) trong sự hiện diện thực tại” (Ennead thứ ba, VII, 3) và mặt khác nó được hiểu là thời gian của trước đây, bây giờ, và sau đó như “tiến trình liên tục của cái mới... được chứa đựng trong sự dị biệt hóa của sự sống” (Ennead thứ ba, VII, 11). Những đề tài này, cùng với việc nhấn mạnh đến kinh nghiệm của linh hồn, được Augustinus tiếp thu trong Quyển XI của tác phẩm Tự thuật “Thời gian và Vĩnh cửu” nhưng sửa đổi thành một suy ngẫm về sự trải nghiệm thời gian của linh hồn và về vai trò của linh hồn trong đo lường thời gian. Cùng với nó, vấn đề thời gian vật lý được chuyển hướng theo vấn đề kinh nghiệm thời gian, và cùng với nó là những chủ đề về ký ức dĩ vãng, thất vọng trong hiện tại và hy vọng vào tương lai.
Những khó khăn nảy sinh do các khái niệm thời gian vật lý và thời gian luân lý vẫn tiếp tục tồn tại trong các công trình của Descartes và các nhà phê phán như Leibniz, Locke và Newton. Khái niệm thời gian của Descartes phân biệt giữa thời khoảng (duration) và thời gian. Thời khoảng được mô tả như một “phương thức nhờ đó ta quan niệm về sự vật trong chừng mực nó tiếp tục tồn tại” (Descartes, tr. 24), trong khi thời gian đóng vai trò như là một cách đo lường vận động “chỉ có trong trí của ta”. Thời khoảng là một thuộc tính hay phương thức của sự tồn tại của sự vật, trong khi thời gian là phương thức chủ quan được dùng để đo lường vận động, mà thời khoảng thì được xem là có trước thời gian.
Locke cũng nhấn mạnh đến thời khoảng; ông xem thời gian và vĩnh cửu như hai phương thức đơn giản của nó và truy nguyên thời khoảng đến tận “một trong những nguồn gốc của tri thức của ta, nghĩa là, cảm giác và phản tư” (Locke, 1976, tr. 90), trong trường hợp này là “sự phản tư về những hiện tượng của nhiều ỷ niệm lần lượt diễn ra trong tâm trí ta”. Sự phản tư này làm nảy sinh ý niệm về thời khoảng, và những khoảng ngừng giữa sự xuất hiện hai ý niệm tiếp diễn nhau là thời khoảng; bởi vì ta có ý thức về sự hiện hữu của chính ta trong khi suy tưởng những ý niệm tiếp tục này, ta có thể gọi sự liên tục tồn tại của bản thân ta và của người khác là “thời khoảng”.
Leibniz lẫn Newton phản đối khuynh hướng duy danh vốn gắn với sự lệ thuộc của thời gian đối với thời khoảng. Dường như Newton phục hồi quan niệm của Platon về thời gian khi ông phân biệt giữa thời khoảng, được ông định nghĩa là “thời gian tuyệt đối, đích thực, và có tính toán học”, mà từ chính nó, và từ bản tính riêng của mình, nó trôi chảy đều đều không liên quan đến bất cứ cái gì bên ngoài” và “thời gian tương đối, biểu kiến và thông thường” vốn là thước đo của thời khoảng nhờ vào vận động” (Newton, 1687, tr. 8). Trong New Essays [Các tiểu luận mới] Leibniz phê phán Locke đã tiền giả định một định nghĩa về thời gian khi mô tả sự tiếp diễn; Leibniz lập luận chống lại Locke rằng “một chuỗi tri giác làm nảy sinh ý niệm về thời khoảng trong ta, nhưng nó không tạo ra thời khoảng” (Leibniz, 1765, tr. 152). Nhưng, khi trao đổi thư từ với Clarke, ông cũng phê phán quan điểm thời gian tuyệt đối của những người theo trường phái Newton. Leibniz tiến hành hai hướng phê phán bằng cách xem thời gian như một “trình tự của những cái tiếp diễn”; tức là, thời gian là tương đối trong chừng mực nó là một “trình tự” nhưng không phải là một cấu trúc, và khách quan trong chừng mực nó là một trình tự tất yếu. Lập trường này được Wolff (1719) phát triển thành một khảo sát về thời gian, theo đó thời gian được xem như một tri giác cảm tính, mù mờ về một trình tự thuần lý.
Sự phát triển quan niệm của Kant về thời gian diễn ra trong khuôn khổ những cuộc tranh luận được phác thảo ở trên. Trong THTN, Kant coi thời gian là một khái niệm có thể phân tích thành từng phần, khái niệm ấy không mở ra cho một định nghĩa thực, mà chỉ cho một định nghĩa danh nghĩa. Do vậy, khảo cứu của ông vẫn còn nằm trong phạm vi quan niệm của Wolff về thời gian vốn xem thời gian như một khái niệm mù mờ mà trong chừng mực nào đó có thể được làm cho sáng tỏ. Tuy nhiên, ta chỉ có thể có một định nghĩa danh nghĩa - tức là một phân tích về những phương cách trong đó chữ “thời gian” có thể được sử dụng - chứ không phải một định nghĩa thực, tức là, một định nghĩa về bản tính của thời gian. Trước lúc viết LA, Kant vẫn còn khẳng định rằng thời gian không thể có được định nghĩa thực cho dù lý lẽ biện minh cho lập trường này đã thay đổi tính chất của nó. Ông không còn xem thời gian là một khái niệm mù mờ, cũng không xem nó là một cái gì có thực. Thay vì vậy, ông khai triển một quan niệm mới về thời gian. Quan niệm này không chỉ bác bỏ quan niệm của Locke cho rằng thời gian dẫn xuất từ cảm giác và phản tư mà còn bác bỏ những lập luận về “tính thực tại khách quan của thời gian” của trường phái Newton lẫn “Leibniz và những người theo quan điểm của ông” (LA §14).
Ông trình bày lý thuyết mới của mình về thời gian dưới hình thức bảy luận đề phân biệt với các lập trường khác bằng cách định nghĩa thời gian như một trực quan. Luận đề thứ nhất cho rằng “thời gian không khởi sinh từ mà được tiền giả định bởi các giác quan” (LA §14), và mặc nhiên đồng ý với quan niệm của Leibniz cho rằng sự dẫn xuất của thời gian từ sự tiếp diễn theo Locke là một điệp nguyên luận (petitio principii). Luận đề thứ hai công kích quan điểm cho rằng thời gian là một khái niệm của những người theo triết học Leibniz: “Bạn quan niệm mọi sự vật thực tồn được thiết định trong thời gian, chứ không được bao hàm dưới một khái niệm chung về thời gian, tức trong một đặc điểm chung” (sđd). Điều đó có nghĩa là, theo luận đề thứ ba, thời gian là một trực quan, theo đó, vì có trước cảm giác nên trực quan đó là trực quan thuần túy. Luận đề thứ tư cho rằng thời gian là một đại lượng liên tục, và rằng các khoảnh khắc của thời gian không phải là các thành phần của thời gian, “mà là những ranh giới ngăn cách nhau bởi thời gian”. Trong luận đề thứ năm, và là luận đề gây tranh cãi nhất, Kant khẳng định rằng “thời gian không phải là một cái gì khách quan và thực tồn” (sđd), không là một bản thể, không là một tùy thể, cũng không là một tương quan. Nhằm chủ yếu chống lại những người theo trường phái Newton lẫn trường phái Leibniz, luận đề này cho rằng thời gian là một điều kiện chủ quan “nhờ bản tính của trí tuệ con người, cần thiết cho việc phối kết mọi sự vật khả giác theo đúng quy luật cố định” (sđd). Nhưng mặc dù nó không thực tồn lẫn không khách quan, nó cũng không đon thuần là chủ quan theo nghĩa của Locke bởi vì nó là một hình thức phối kết đi trước các đối tượng của giác quan mà nó phối kết. Luận đề thứ sáu, và suy ra từ nó, thời gian không đon thuần là tưởng tượng, nhưng nó cung cấp điều kiện duy nhất nhờ đó các đối tượng của các giác quan có thể được phối kết. Nó “có tính nền tảng và nguyên thủy” và, theo từ ngữ của luận đề thứ bảy, là “nguyên tắc mô thức đầu tiên một cách tuyệt đối của thế giới cảm tính, mà nếu không có nó trực quan của ta về các đối tượng của giác quan sẽ không thể có được” (sđd).
Trong phần “Cảm năng học Siêu nghiệm” của PPLTTT, những thức nhận về bản tính của thời gian được nói đến trong LA được phát triển và làm rõ thêm. Cũng như khi luận về không gian, Kant đưa ra một khảo sát siêu hình học và một khảo sát siêu nghiệm về thời gian: khảo sát siêu hình học là sự hình dung về những gì thuộc về một khái niệm thời gian “như là được mang lại một cách tiên nghiệm (a priori)” (PPLTTT A 23/B 38), là cắt nghĩa thời gian như một nguyên tắc “từ đó có thể hiểu được khả thể của các nhận thức tổng hợp tiên nghiệm khác” (B 41). Khảo sát siêu hình học gồm năm luận điểm, mà đường hướng lập luận chủ yếu là đi theo lập luận trong LA. Trước hết, thời gian không phải là một khái niệm thường nghiệm rút ra từ kinh nghiệm, mà là điều kiện tiên quyết cho kinh nghiệm: “Chỉ trên tiền giả định ấy về thời gian ta mới có thể hình dung cho ta một số sự vật như đang tồn tại trong cùng một thời gian (đồng thời) hoặc trong các thời gian khác nhau (kế tiếp nhau)” (A 30/B 46). Theo luận điểm thứ hai, thời gian là tiên nghiệm và là “nền móng cho mọi trực quan” (A 31/B 46). Các nguyên tắc tất nhiên (apodeictic) về các mối quan hệ trong thời gian, theo luận điểm thứ ba, đều dựa trên tính tất yếu tiên nghiệm này của thời gian và không được rút ra từ kinh nghiệm. Đây là bước hệ trọng trong việc cải tiến luận cứ về các nguyên tắc được khai triển trong “Học thuyết Siêu nghiệm về Phán đoán”. Luận điểm thứ tư cho rằng thời gian không có thuộc tính thâu gồm (subsumptive) của khái niệm, qua đó các đối tượng được tập hợp lại dưới một thuật ngữ chung, mà đúng hơn là những thuộc tính của một trực quan phối kết các đối tượng vào trong một trực quan cá biệt. Với luận điểm thứ năm, Kant xử lý vấn đề thời gian vô tận hay thời gian vô giới hạn từng làm bận tâm các triết gia kể từ Platon: ông đồng ý rằng thời gian là vô giới hạn, và rằng những đại lượng nhất định của thời gian “chỉ có thể có được bằng những sự giới hạn của một thời gian duy nhất làm nền tảng” (A 33/B 50), nhưng ông không định vị thời gian vô giới hạn này nơi thiên cung mà nơi “giác quan bên trong” làm nền tảng cho mọi hiện tượng trong những thời gian nhất định (A 33/B 50).
Mặc dù Kant gộp chung không gian và thời gian để bàn luận trong phần “Cảm năng học siêu nghiệm”, ông dành cho thời gian vai trò cơ bản hơn trong sự xác định kinh nghiệm. Việc làm cho các khái niệm của giác tính thích ứng với các hiện tượng do các mô thức của trực quan mang lại được bàn luận dưới tên gọi “giác quan bên trong” hay thời gian. Các niệm thức và các nguyên tắc có thể được hiểu, tuy sơ sài, như những hình thức thích ứng về mặt thời gian của các phạm trù. Các phạm trù đó thiết lập những kiểu mẫu của sự phối kết trực quan và sự thâu gồm khái niệm vốn tạo nên kinh nghiệm. Chiều kích thời gian tất yếu của kinh nghiệm con người là cơ sở để Kant nhấn mạnh đến bản tính chủ quan của thời gian, và từ đó nó gộp chung hai vấn đề lý thuyết và thực hành. Sự “thương thảo” luân lý về ham muốn của con người không thể tách rời khỏi tính chất hữu tận của đời sống con người, mà kinh nghiệm hình thành bởi một mạng lưới chằng chịt của ký ức, hy vọng và sợ hãi. Để bảo lãnh cho các phương diện của kinh nghiệm thời gian này, Kant định đề hóa “sự bất tử” (của linh hồn) trong PPLTTH như điều kiện duy nhất có thể cung cấp đủ “điều kiện thiết yếu về mặt thực hành của một thời khoảng cho sự thực hiện trọn vẹn quy luật luân lý” (tr. 133, tr. 137). Chủ trương này liên tục bị chỉ trích bởi các triết gia thế kỷ XIX và thế kỷ XX, đặc biệt là Nietzsche (1886) và Heidegger (1927); hai ông đã nhận ra những hậu quả từ việc Kant mở rộng sự hạn chế của thời gian lý thuyết sang những giới hạn của kinh nghiệm hữu tận của con người đối với sự phản tư về hành động và trách nhiệm trong triết học thực hành.
Mai Sơn dịch
Không gian và thời gian [Đức: Raum und Zeit; Anh: space and time]
Xem thêm: Cảm năng học, Bên đối ứng không đồng dạng, Trực quan, VỊ trí, Niệm thức, Cảm năng,
Không gian và thời gian được bàn chung trong phần ba của LA như là các nguyên tắc của mô thức về thế giới cảm tính. Chúng là “các Sổ đồ và các điều kiện của những gì là cảm tính trong nhận thức của con người” (§13) và cấu thành yếu tố mô thức của cảm năng. Kant lập luận rằng thời gian và không gian là “những trực quan thuần túy” (§14): là “thuần túy” trong chừng mực chúng được tiền giả định [là có sẵn] trong cảm giác về các sự vật, và như vậy không thể được “rút ra từ những cảm giác bên ngoài” (§15), và là “các trực quan” vì chúng “phối kết” các đối tượng của giác quan nhưng không thâu gồm các đối tượng này theo phưong cách của các khái niệm. Với lập luận như vậy, Kant đã có thể phân biệt được nghiên cứu của mình về không gian và thời gian với quan điểm duy nghiệm là quan điểm cho rằng chúng được rút ra từ các đối tượng của giác quan, với quan điểm duy lý là quan điểm cho rằng chúng là những tri giác mù mờ về một trật tự khách quan của các sự vật, và khác với sự phân biệt của Newton giữa không gian-thời gian tuyệt đối và không gian-thời gian tư ổng đối. Hon nữa, mặc dù không gian và thời gian phối kết các đối tượng của giác quan, nhưng chúng chỉ làm như thế trong sự tương hợp với “một nguyên tắc bên trong của tâm thức” được ngự trị bởi “các quy luật ổn định và có sẵn” (§4), và các quy luật này không được tâm thức tác tạo một cách tự khởi. Chúng là những phương diện của tính thụ nhận hay tính thụ động của tâm thức, đối lập lại với việc làm chủ động và tự khởi của giác tính, tuy thế chúng lại tổ chức chất liệu của cảm giác.
Sự bàn luận về không gian và thời gian trong phần “Cảm năng học siêu nghiệm” của PPLTTT phát triển thêm viễn tượng được đề xuất trong LA. Không gian và thời gian là những mô thức thuần túy tiên nghiệm của trực quan, và những mô thức này, với tư cách là giác quan bên ngoài và giác quan bên trong, hình thành những điều kiện tất yếu của kinh nghiệm (bên ngoài và bên trong) cũng như của các đối tượng của kinh nghiệm (PPLTTT A 48-9/ B 66). Không gian và thời gian là thuần túy vì chúng không thể được rút ra từ kinh nghiệm, là tiên nghiệm vì chúng “có trước bất cứ mọi hành vi suy tưởng nào” (B 67), là mô thức vì chúng sắp đặt trình tự “cái đa tạp của hiện tượng”, và là các trực quan trong chừng mực cách sắp đặt chất liệu của cảm năng của chúng khác với cách sắp đặt của một khái niệm (chúng phối kết nhưng không thâu gồm cái đa tạp). Với tư cách là các mô thức thuần túy của trực quan, không gian và thời gian có thể tạo nên sự chính đáng cho các dạng nhận thức, ví dụ như toán học (đặc biệt là hình học), là môn học quan tâm đến việc tìm tòi các đặc tính của các tính chất mô thức của trực quan.
Vai trò của không gian và thời gian trong cấu trúc quyển PPLTTT là phải phối kết các đối tượng của cảm năng trước khi các khái niệm của giác tính hợp nhất chúng vào trong một phán đoán. Để làm được như vậy, không gian và thời gian phải được phân biệt với các khái niệm được tạo ra một cách tự khởi trong khi chúng đồng thời vẫn làm công việc sắp xếp chất liệu của cảm năng theo một phương cách thích hợp với chúng. Phần không nhỏ nỗ lực triết học trong PPLTTT là dành để cho thấy điều này có thể được thực hiện như thế nào, nhưng bên dưới chúng là một loạt vấn đề nảy sinh từ quan niệm của Kant về không gian và thời gian. Các vấn đề này liên quan đến khó khăn cơ bản của việc vừa khẳng quyết rằng tâm thức là có tính thụ nhận trước việc các đối tượng được mang lại cho ta trong khi nó vừa phối kết chúng vào các quan hệ nhất định. Nếu cảm năng hoàn toàn là thụ nhận, sẽ không có chỗ cho bất cứ hoạt động phối kết nào; nhưng nếu hoạt động này được thừa nhận thì ta khó thấy được làm thế nào để cảm năng có thể được coi là thụ động. Nhưng nếu cảm năng được coi là chủ động trong việc phối kết các đối tượng của giác quan dựa theo các quan hệ không gian-thời gian, thì việc các đối tượng là “được mang lại cho ta” - thành trì của Kant chống lại thuyết duy tâm [của Berkeley] - bắt đầu thấy có vẻ lung lay. Dù sao cũng không thể quá thổi phồng tầm quan trọng của việc xác lập không gian và thời gian như là những mô thức của trực quan, vì nó là cơ sở không chỉ của các phê phán của Kant đối với thuyết duy nghiệm và thuyết duy tâm, mà còn của việc ông đặt câu hỏi liệu Thượng đế, thế giới và linh hồn có thể là những đối tượng chính đáng của nhận thức lý thuyết, hay chỉ đơn thuần là sự mở rộng không chính đáng của nhận thức vượt khỏi các giới hạn không gian-thời gian của cảm năng con người.
Đinh Hồng Phúc dịch