Tưởngtượng (nănglực/trí) [Latinh: phantasia, facultas imaginandi; Đức: Einbildungskraft; Anh: imagination]
Xem thêm: Cảm năng học/Mỹ học, Tài năng thiên hẩm, Ảo tưởng, Hình ảnh, Trực quan, Phán đoán, Lý tính, Niệm thức (thuyết), Tổng hợp, Giác tính,
Trong De Anima [Vê linh hồn], Aristoteles mô tả năng lực tưởng tượng như “khác biệt với tri giác (aesthetic) hay với tư duy suy lý (noesis), dù nó không được nhận biết mà không có cảm giác, hoặc được phán đoán mà không có nó” (Aristoteles, 1941, 427b, 16). Địa vị khác thường, nằm ở giữa của năng lực tưởng tượng, được Aquinas thừa nhận như hiển nhiên trong bình luận của mình về cuốn De Anima, góp phần làm các triết gia và nghệ sĩ mê đắm với khái niệm về nó. Trong sự tổng hợp của Platon và Aristoteles mà các triết gia Phục hưng như Ficino và Pico della Mirandola mạo hiểm tiến hành, trí tưởng tượng được đặc trưng như phương tiện thông dự giữa cảm giác của con người và các ý niệm, với nghệ thuật của tài năng thiên bẩm được đặc trưng nổi bật như sự trình bày hoàn hảo về sự thống nhất của cảm giác và ý niệm (xem Cassirer và những người khác, 1948). Năng lực tưởng tượng giữ vững địa vị cao quý này mặc dù Descartes đã cố công mang nó xuống đất “bằng cách mổ xẻ đầu của nhiều con vật” để nghiên cứu nó. Năng lực tưởng tượng đặt ra nhiều vấn đề đáng kể cho các triết gia duy lý như Christian Wolff, người xem sự liên đới của nó với cảm năng như giảm giá trị cho tính rõ ràng và sáng sủa của tư duy thuần lý. Vào giữa thập niên 1730, sự bất mãn với lập trường này đã dẫn đến việc một số người phái Wollf kêu gọi đến một logic học của trí tưởng tượng và các giác quan để bổ sung cho logic học của giác tính. Trong tay của nhà biên soạn từ điển phái Wolff là Heinrich Meissner, điều này đã dẫn đến việc làm cho năng lực tưởng tượng phụ thuộc vào tâm lý học thường nghiệm, nhưng đối với triết gia A.G. Baumgarten và nhà phê bình Jacob Bodmer, nó lại dẫn đến việc mở rộng triết học để bao hàm mỹ học và thi học (xem Caygill, 1989, Chưong 3).
Quan niệm của Kant về trí tưởng tượng được phát triển trong ngữ cảnh này, và đưa ra nhiều đặc trưng cổ điển, trên hết là địa vị trung gian (intermediate) của trí tưởng tượng giữa cảm năng và giác tính cũng như vai trò của nó trong sự tác tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, ông cũng mang lại cho nó nhiều biến đổi đặc trưng khi đặt nó bên trong ngữ cảnh của các quan tâm triết học rộng hon của mình. Ngoài một ngoại lệ nổi bật, bàn luận của Kant về trí tưởng tượng trong các trước tác tiền-phê phán thường được giới hạn vào việc chê trách ảnh hưởng xấu của nó, như trong sự phân tích về các ảo tượng của trí tưởng tượng trong GM (xem tr. 344, tr. 331) và ít trực tiếp hon trong LA (§27). Ngoại lệ là trong ĐLPĐ, Kant đưa ra một phân tích phức tạp hon dự báo các lập trường sau này của ông. Ông phản tư về năng lực giải trí (entertain) và loại trừ sự hình dung có tính khái niệm “nhờ vào năng lực tưởng tượng” và xem nhiệm vụ của nó là tạo ra và phá hủy biểu tượng, chứ không phải như một hành vi trình bày và rút bỏ trực tiếp. Ông ngầm xem hoạt động này như “ẩn tàng tận trong đáy sâu của tâm hồn con người vốn diễn ra không ai biết kể cả khi nó đang diễn ra” (tr. 191, tr. 229), những từ báo trước sự mô tả sau này của ông về công việc niệm thức hóa của trí tưởng tượng như “một nghệ thuật ẩn tàng tận trong đáy sâu của tâm hồn con người” (PPLTTT A 141/ B 181).
Trong Logic học của Blomberg (L, tr. 5-246) từ đầu thập niên 1770, trí tưởng tượng được xem như một chướng ngại của tri thức; ở đó Kant cho rằng “từ sự hòa lẫn của trí tưởng tượng với giác tính nảy sinh các kết quả không nhất trí hoàn toàn với các quy tắc của giác tính và của lý tính” (L, tr. 79). Tuy nhiên, qua cuốn PPLTTT, lập trường của Kant về trí tưởng tượng đã trải qua một sự xét lại gần như hoàn toàn. Phạm vi của sự thay đổi này có thể được tập hợp từ các bình luận về trí tưởng tượng trong NLH, cuốn này trên mức độ rộng đã hệ thống hóa những giả định về trí tưởng tượng xuyên suốt và làm cơ sở cho ba cuốn Phê phán (PPLTTT, PPLTTH, PPNLPĐ). Những bình luận này nối kết các phương diện của lập luận như vị trí của trí tưởng tượng trong logic học và siêu hình học (NLH § 4) và trong tài năng thiên bẩm và sở thích (NLH § 67) vốn sau này được phân tách và chia ra trong quyển Phê phán thứ nhất và thứ ba.
Kant phân chia cảm năng thành giác quan (Sinn) và trí tưởng tượng, cái trước là “quan năng trực quan trong sự có mặt của một đối tượng” và cái sau “trực quan không có sự có mặt của một đối tượng” (NLH §15). Sự không-có mặt của đối tượng đối với trí tưởng tượng có thể được suy tưởng theo hai cách: hoặc đối tượng đã hiện diện nhưng không còn hiện diện nữa, hoặc sự hiện diện của nó nằm ở tương lai. Nếu xét từ giác độ này của trí tưởng tượng thường nghiệm, điều này làm phát sinh các quan năng kí ức và dự đoán, tức các quan năng nhớ lại và dự báo sự hiện diện của các đối tượng riêng lẻ. Tuy nhiên, Kant cũng du nhập một sự phân biệt khác vào bên trong khái niệm về trí tưởng tượng để cho phép ông phân biệt giữa: a) trí tưởng tượng thường nghiệm hay nhớ lại và b) trí tưởng tượng tác tạo hay “thi ca” (poetic). Đây là sự phân biệt giữa trí tưởng tượng như “quan năng hình dung nguyên thủy về đối tượng (exhibitio originaria), vì thế đi trước kinh nghiệm” và như “quan năng hình dung phái sinh (exhibitio derivativa), gợi nhớ lại cho tâm thức một tri giác thường nghiệm có trước” (NLH §28). Kant quan tâm nhất và đưa ra sử dụng nhiều nhất là công việc của trí tưởng tượng tác tạo.
Sự quy chiếu đến trí tưởng tượng tác tạo tạo ra một “sự hình dung nguyên thủy về đối tượng” có trước kinh nghiệm là một dự báo rõ rệt của thuyết duy tâm phê phán của Kant. Do đó, ông mô tả “các tri giác thuần túy về không gian và thời gian” như thuộc về quan năng tác tạo. Điều cốt yếu ở đây là trí tưởng tượng tác tạo tạo ra sự hình dung nguyên thủy, tức chúng không được rút ra từ kinh nghiệm mà mang lại các điều kiện cho kinh nghiệm và hon nữa chúng không có chủ ý hay ngẫu nhiên (điều này cấu thành “sự thêu dệt”) nhưng có trật tự. Ở điểm này, những lập luận được phân chia sau này giữa cuốn Phê phán thứ nhất và thứ ba chồng lấn lên nhau, Kant phân tích “ba biến thể riêng biệt của quan năng tác tạo cảm tính” của “sự hình dung hình tượng trong không gian (imaginatio plastica), tri giác liên tưởng trong thời gian (imaginatio associans), và quan năng tác tạo cảm tính của sự thân thuộc” (NLH §31) dựa vào phát minh nghệ thuật. Ba hình thức này của trí tưởng tượng tác tạo biểu lộ “nguồn gốc chung” hay “sự thống nhất gần gũi” của “giác tính và cảm năng” NLH §31), vốn là đặc trưng cho những sự tác tạo độc đáo của tài năng thiên bẩm (ở đó “trí tưởng tượng hài hòa với các khái niệm”, §30) và năng lực phán đoán thẩm mỹ của sở thích với “phán đoán” của nó “về sự hài hòa hoặc bất hòa của trò choi tự do giữa trí tưởng tượng và tính cách tuân thủ quy luật của trí tưởng tượng” (NLH §67). Tuy nhiên, ba phưong cách này của trí tưởng tượng tác tạo cũng được đặc trưng cốt yếu như “sự tổng hợp ba lần” trong sự phân tích của quyển Phê phán thứ nhất về kinh nghiệm.
Trong cả PPLTTT lẫn PPNLPĐ, trí tưởng tượng vừa được đặt giữa cảm năng và giác tính, vừa vượt khỏi chúng lẫn chính nó. Việc đặt vị trí một cách nghịch lý này có thể được làm rõ bằng sự phân biệt giữa trí tưởng tượng thường nghiệm và tác tạo, cái trước được đặt giữa các quan năng khác và cái sau bao quát toàn bộ các quan năng. Ở nhiều điểm trong PPLTTT, như A 95, trí tưởng tượng có mặt trong sự tổng hợp cái đa tạp giữa sự thống quan (synopsis) của giác quan và sự thống nhất hóa của thông giác nguyên thủy. Tuy nhiên, ở những chỗ khác, sự tổng hợp nói chung được mô tả như “kết quả của các tác động đon thuần của năng lực tưởng tượng, một chức năng mù quáng nhưng không thể thiếu được của tâm hồn, mà nếu không có nó, chắc hẳn ta sẽ không có được nhận thức nào cả, nhưng lại hiếm khi nào ta có ý thức về nó” (PPLTTT A 78/ B 103). Vai trò bao quát tất cả của trí tưởng tượng được duy trì nhất quán trong phần diễn dịch của bản A lẫn bản B. Trong bản trước, “nguyên tắc của sự thống nhất tất yếu của sự tổng hợp thuần túy (tác tạo) của trí tưởng tượng đi trước thông giác là cơ sở cho khả thể của mọi nhận thức, nhất là của kinh nghiệm” (PPLTTT A 118), trong khi trong bản sau, trí tưởng tượng được đặc trưng như nguồn suối tự khởi của mọi sự tổng hợp (PPLTTT B 152). Vì thế, nó xuyên suốt mọi phương thức tổng hợp cái đa tạp của trực quan - sự lĩnh hội, sự tái tạo và sự nhận thức - thậm chí trong khi, như trí tưởng tượng thường nghiệm, đóng vai trò như một trong những mô men riêng lẻ của sự tổng hợp, cũng như được đặc trưng trong sự tổng hợp có tính niệm thức của khái niệm và trực quan, tạo ra nhận thức và kinh nghiệm (PPLTTT A 140/ B 179).
Trong PPNLPĐ, bàn luận về trí tưởng tượng thậm chí còn giả định sự phức hợp lớn hơn nhiều. Nó xuất hiện trong § VII của “Lời dẫn nhập thứ nhất” trong ngữ cảnh của sự tổng hợp ba lần như một quan năng riêng lẻ bên cạnh năng lực phán đoán và lý tính. Nhưng trong diễn trình của tác phẩm, mối quan hệ giữa trí tưởng tượng và năng lực phán đoán vốn đã được phác họa trong PPLTTT dựa theo sự tổng hợp, được đào sâu thêm. Trí tưởng tượng và năng lực phán đoán không áp dụng đơn thuần các qui luật của giác tính, trái lại, trong năng lực phán đoán phản tư, nó còn phát minh và áp dụng các quy luật một cách đồng thời: nghĩa là, chức năng của chúng là không có tính tái tạo và mô phỏng, mà có tính tác tạo và căn nguyên. Hơn nữa, “tính thống nhất” của trí tưởng tượng và năng lực phán đoán còn khơi gợi ra sự vui sướng, như có thể được biện biệt rõ nhất trong năng lực phán đoán thẩm mỹ của sở thích - với “tính hợp quy luật mà không có quy luật và một sự hài hòa chủ quan giữa trí tưởng tượng với giác tính mà không có một sự hài hòa khách quan” (PPNLPĐ §22) - cũng như trong hoạt động tác tạo của tài năng thiên bẩm mà đặc tính đầu tiên của nó là “tính độc đáo” hoặc “tài năng tạo ra cái gì đó mà không có quy tắc nhất định nào có thể được mang lại cho nó cả” (§46).
Vai trò cốt yếu của trí tưởng tượng trong triết học Kant đã được Heidegger (1929) thúc đẩy sớm nhất, và từ đó nó đã được các học giả về Kant chấp nhận, mặc dù họ thường không đánh giá đầy đủ về các hàm ý của nó. Những hàm ý này không những thuộc về văn bản trong việc bắc nhịp cầu giữa quyển Phê phán thứ nhất và thứ ba, mà còn có thực chất, biến Kant từ một triết gia quy phạm quan tâm đến các quy tắc và sự áp dụng chúng một cách đúng đắn thành một triết gia quan tâm đến các vấn đề về sự sáng tạo, tính độc đáo và sự vui sướng. Tuy nhiên, đáng chú ý là trí tưởng tượng không được đặc trưng nổi bật trong triết học thực hành của Kant, và ở chỗ nào mà nó được bàn đến thì thường là trong một ngữ cảnh tùy tiện, như trong bàn luận về điển hình luận trong PPLTTH (tr. 69, tr. 71). Tùy theo đánh giá của người đọc, sự khiếm diện của trí tưởng tượng trong cuốn PPLTTH có thể được xem như việc Kant giữ gìn thanh danh cho triết học thực hành, hoặc như lý do tốt để tìm kiếm triết học thực hành của ông trong các trang sách của cuốn Phê phán thứ nhất và thứ ba.
Trần Thị Ngân Hà dịch