Châm ngôn [Đức: Maxime; Anh: maxim]
Xem thêm: Mệnh lệnh nhất quyết, Điều răn, Tự do, Mệnh lệnh, Ý chí,
Một châm ngôn được định nghĩa như một “nguyên tắc chủ quan của ý muốn” và được phân biệt với nguyên tắc khách quan hay “quy luật thực hành” (CSSĐ, tr. 100, tr. 13). Trong khi quy luật thực hành có giá trị hiệu lực đối với mọi tồn tại có lý tính và là “một nguyên tắc mà họ phải làm theo”, thì một châm ngôn “chứa đựng quy tắc thực hành do lý tính quy định phù hợp với những điều kiện của chủ thể (thường ngu muội hoặc chiều theo những xu hướng của bản năng), do đó, là nguyên tắc mà chủ thể làm theo trong thực tề’ (CSSĐ, tr. 421, tr. 30). Trong CSSĐ, Kant liệt kê những điều kiện cho một châm ngôn dựa theo những phạm trù về lượng là nhất thể, đa thể và toàn thể. Một châm ngôn phải là nhất thể trong mô thức của tính phổ quát nảy sinh từ nhất thể [sự thống nhất] của ý chí; là đa thể trong chất liệu hay “các mục đích” của nó; và là toàn thể trong sự “xác định trọn vẹn” của “mọi châm ngôn bằng công thức rằng mọi châm ngôn bắt nguồn từ sự tự-đề ra luật cho chính mình phải được làm cho hài hòa với vưong quốc khả hữu của mục đích như vưong quốc của tự nhiên (tr. 436, tr. 41-42). Theo quan niệm của Kant, hành động luân lý chủ yếu là ở việc thẩm tra các châm ngôn bằng những phát biểu khác nhau của mệnh lệnh nhất quyết. Việc thẩm tra các châm ngôn là phưong cách để xét xem quy luật khách quan của lý tính quan hệ như thế nào với một ý chí vốn phục tùng những ảnh hưởng và những xu hướng khác. Mệnh lệnh nhất quyết giữ vai trò như là bộ chuẩn tắc để đánh giá những châm ngôn hành động; hành vi luân lý đòi hỏi ta phải “hành động như thể châm ngôn hành động của bạn phải trở thành một quy luật phổ quát của tự nhiên thông qua ý chí của bạn” (tr. 421, tr. 30). Do vậy, châm ngôn hành động của sự khôn ngoan nói rằng “khi tôi ở trong cảnh khốn cùng tôi có thể đưa ra lời hứa dối trá” sẽ thất bại trước sự thẩm tra của mệnh lệnh nhất quyết; bởi lẽ, Kant khẳng định rằng, “quả tôi có thể muỗn nói dối nhưng tuyệt nhiên không thể muốn việc nói dối trở thành một quy luật phổ quát” (tr. 403, tr. 15).
Hoàng Phong Tuấn dịch