Hài lòng (sự) [Đức: Wohlgefallen; Anh: delight/satisfaction]
Xem thêm: Cảm năng học/Mỹ học, Dễ chịu, Đẹp, Tinh cảm, Thiện, Sự sống, Hoàn hảo, Vui sướng (sự), Cảm giác, Cao cả,
Sự hài lòng được Kant định nghĩa như “cảm giác [Empfindung/ sensation] (về một niềm vui sướng) [Lust]” (PPNLPĐ §3); cảm giác này được Kant xác định rõ hơn nữa như một “sự quy định của tình cảm vui sướng hay không-vui sướng”. Nó là một thuật ngữ tình thái mô tả những phương cách mà tình cảm này bị kích động bởi những đối tượng khác nhau. Với tư cách ấy, nó bao gồm một số hình thức khác biệt nhau rõ rệt: sự hài lòng nơi một đối tượng được ham muốn là sự dễ chịu, sự hài lòng với cái tốt hay với sự hoàn hảo là “thuẫn túy và có tính thực hành”, trong khi đó, sự hài lòng trong hình thức của cái đẹp phải thỏa mãn những tiêu chuẩn được phác họa trong phần phân tích pháp của PPNLPĐ. Những tiêu chuẩn này đi theo các đề mục của bảng các phạm trù: sự hài lòng trong cái đẹp phải không có sự quan tâm (chất), có tính phổ biến chủ quan (lượng), có tính hợp mục đích không có mục đích (tương quan), và là tất yếu nhưng không có một khái niệm (tình thái). Ngoài ra, Kant xác định rõ rằng sự hài lòng trong cái đẹp là có tính tích cực, trong khi sự hài lòng trong cái cao cả là có tính bị động; đó là vì cái trước làm gia tăng tình cảm về sự vui sướng và không vui sướng, trong khi đó cái sau làm giảm tình cảm này.
Trong khi khái niệm về sự hài lòng là có tính trung tâm trong mỹ học của Kant thì đặc điểm chính xác của nó vẫn còn tối tăm. Nó không chỉ liên quan đến “tình cảm về sự vui sướng và không-vui sướng” mà còn được mô tả như là một cảm giác, hon nữa là một cảm giác có thể có những đặc tính của giác tính nhưng không bị giác tính thâu gồm. Tuy nhiên, trong PPNLPĐ, Kant không biện minh một cách đầy đủ tại sao sự hài lòng phải bao hàm một “cảm giác về một niềm vui sướng” thêm vào cho tình cảm về sự vui sướng và không-vui sướng, cũng không biện minh một cách đầy đủ làm thế nào mà nó có thể có những đặc tính của giác tính. Vấn đề tranh cãi là vai trò của ý thức trong cảm giác về sự hài lòng, nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi khi Kant trực tiếp đề cập đến vấn đề này, các lập luận của ông tối tăm đến mức không thể hiểu được (PPNLPĐ § 1; xem Caygill, 1989, tr. 321-324). Nhưng một gợi ý được đưa ra trong học thuyết về phương pháp của PPLTTH, ở đó sự hài lòng được cho là “được tạo ra” bởi một “ý thức về sự hài hòa giữa các quan năng biểu tượng của ta”, tăng cường “toàn bộ năng lực nhận thức của ta (giác tính và trí tưởng tượng) (tr. 160, tr. 164). Ở đây, việc nó “tăng cường thêm” “quan năng nhận thức” lại tạo nên sự hài lòng, tức là đôi khi dù sự hài hòa giữa trí tưởng tượng và giác tính là kém hơn sự tăng cường quan năng nhận thức thì cũng tạo ra sự hài lòng.
Cù Ngọc Phương dịch