Cảm năng [Đức: Sinnlichkeit; Anh: sensibility]
Xem thèm: Cảm năng học/Mỹ học, Nước đôi, Ấn tượng, Trực quan, Thụ nhận, Không gian và thời gian, Giác tính
Học thuyết của Kant về cảm năng - đóng một vai trò cốt yếu trong triết học phê phán - là một sự tập hợp không dễ dàng của nhiều hình thức lập luận không tương thích với nhau. Những lập luận xa xưa cho lập trường của Kant là của Platon và Epicurus (đáng ngạc nhiên là Aristoteles lại vắng mặt trong văn cảnh này). Platon đại diện “phái duy trí” hạ thấp cảm năng, đẩy nó xuống những lĩnh vực của tính thụ động và ảo tưởng, còn Epicurus đại diện phái duy cảm “cho rằng tính hiện thực chỉ ở trong những đối tượng cảm tính” (PPLTTT A853/B881). Các nguồn suối gần nhất cho những thảo luận của Kant là những đại diện hậu kỳ của phái duy trí và phái duy cảm, đó là Leibniz và Locke. Kant cho rằng cả hai khuynh hướng đã bỏ qua sự phân biệt giữa cảm năng và giác tính, một bên xem cảm năng phụ thuộc vào giác tính, bên kia xem giác tính phụ thuộc vào cảm năng. Kant cố gắng tránh việc lựa chọn một trong hai hướng bằng cách dị biệt hóa mối quan hệ giữa cả hai, sao cho cái này không tan biến vào cái kia, nhưng lại cho phép chúng kết hợp với nhau trong kinh nghiệm.
Việc dị biệt hóa cảm năng như vậy dẫn đến một luận chứng cực kỳ phức hợp và đôi lúc gây bế tắc về tính chất của cảm năng. Cảm năng phải được phân biệt với giác tính, nhưng lại có một yếu tố mô thức; tuy nhiên, yếu tố mô thức này không thâu gồm các đối tượng của cảm năng theo cùng một cách như cách thâu gồm của một khái niệm. Tương tự, cảm năng là có tính thụ nhận, đối lập với tính tự khởi của giác tính, nhưng điều này không có nghĩa nó là một tabula rasa [tấm bảng trắng] thụ động chỉ đơn thuần ghi nhận các ấn tượng, vì cảm năng cũng có một yếu tố tiên nghiệm, dù yếu tố này không giống với các phạm trù tiên nghiệm. Yếu tố này không được rút ra từ sự thống nhất nguyên thủy của thông giác. Vì thế, cảm năng không phải là tri giác mù mờ về một sự hoàn hảo thuần lý như quan niệm của phái Leibniz, cũng không phải là tính thụ nhận trực tiếp các ấn tượng của Locke, trái lại, có vẻ chia sẻ các phương diện của cả hai lập trường trong khi không đứng hẳn về một bên nào hết.
Việc cân bằng giữa hai lập trường ấy của Kant thể hiện rõ trong LA, cả trong việc tạo ra những thuật ngữ dùng để chỉ cảm năng và cái khả giác/ cái cảm tính lẫn trong lập luận ở phần hai của luận án: “Bàn vê sự phân biệt giữa những sự vật khả giác và khả niệm nói chung”. Trong LA §3, ông định nghĩa cảm năng như “tính thụ nhận của một chủ thể nhờ đó trạng thái hình dung của riêng chủ thể có thể bị kích động theo một cách xác định bởi sự hiện diện của một đối tượng nào đó”. Tính chất của tính thụ nhận này, hay những phương cách mà một chủ thể có thể bị kích động bởi sự hiện diện của một đối tượng, vẫn bị Kant để mặc không định nghĩa; trong §4, Kant tiến hành phân biệt giữa chất liệu và mô thức của một “biểu tượng của giác quan”. Chất liệu hay “cảm giác” của một “biểu tượng cảm tính” không được một chủ thể cảm nhận trực tiếp [bằng giác quan], trái lại, “chất lượng” của nó phụ thuộc vào cách thức mà bản tính của chủ thể “có thể được điều chỉnh bởi đối tượng liên quan”. Tính chất bổ sung của mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng thậm chí còn được nói rõ hơn trong trường hợp về mô thức của cảm năng. Trong §2 của LA, Kant quan tâm trước hết đến việc phân biệt mô thức của cảm năng với mô thức của giác tính, và mô tả nó như nảy sinh từ sự “phối kết” của các đối tượng tác động lên giác quan “theo một quy luật tự nhiên nào đó của tâm thức”.
Ông dùng thuật ngữ “phối kết” để phân biệt mô thức của cảm năng với sự “phác họa hay bất cứ loại niệm thức nào về đối tượng” có thể được giác tính mang lại; mô thức phối kết các đối tượng của giác quan được mô tả như một “phưong diện” che đậy hay phủ lên chất liệu của cảm năng dựa theo “các quy luật bẩm sinh và bền vững”.
Trong khi phần bàn về cảm năng ở §2 trong LA nhấn mạnh những phưong cách khác với nghiên cứu của phái duy lý về cảm năng như một tri giác mù mờ (xem §7), thì trong §3 “Bàn về những nguyên tắc về mô thức của thế giới cảm tính”, Kant phân biệt nó một cách rạch ròi với những lập luận của phái duy nghiệm. Ông nhận diện hai nguyên tắc của thế giới cảm tính, đó là không gian và thời gian. Kant cho rằng cả hai nguyên tắc ấy không thể được rút ra từ các giác quan, mà được tiền giả định bởi các giác quan (§§14-15) và vì thế, đều là những nguyên tắc thuần túy chứ không phải thường nghiệm. Hon nữa, cả hai là những trực quan hay những điều kiện chủ quan “nhờ vào bản tính của tâm thức con người, cho việc phối kết mọi sự vật cảm tính trong một quy luật cố định” (§14). Tính chất của chúng, với tư cách là những trực quan thuần túy, phân biệt chúng với những tính chất được rút ra từ những đối tượng của giác quan, bởi lẽ chúng tiền giả định những đối tượng như thế, vừa với những khái niệm, bởi lẽ những đối tượng của giác quan được quan niệm như “được đặt vào trong thời gian, chứ không phải như được thâu gồm vào bên dưới khái niệm chung về thời gian”.
Với những luận cứ này, bản phác họa Cổ bản của quan niệm phê phán về cảm năng hầu như đã được đưa ra. Trong PPLTTT, Kant phân biệt cảm năng và giác tính như “hai nguồn suối của nhận thức con người”: các đối tượng được “mang lại cho chúng ta” qua cảm năng, còn “tư tưởng” được mang lại cho ta bởi giác tính (PPLTTT A15/B19). Cảm năng là có tính thụ nhận (A19/B32), nhưng lại chứa đựng những nguyên tắc tiên nghiệm được bàn trong phần “Cảm năng học siêu nghiệm”, phần này tạo thành phần đầu tiên của học thuyết về các yếu tố Cổ bản của nhận thức. Chất liệu của cảm năng hay “hiện tượng tưong ứng với cảm giác” có thể được “sắp đặt theo những quan hệ nào đó”; những quan hệ này tạo nên mô thức của cảm năng. Đó chính là những trực quan thuần túy, tiên nghiệm về không gian và thời gian. Là thuần túy và tiên nghiệm bởi tính ưu tiên của chúng trước các hiện tượng, nghĩa là chúng không được rút ra từ các hiện tượng; là các trực quan bởi chúng phối kết chứ không thâu gồm các cảm giác theo phương cách thâu gồm của các khái niệm. Các đối tượng của giác quan được mang lại cho tính thụ nhận của chúng ta, nhưng theo một phương cách được khớp nối và có tổ chức cao; và mặc dù sự tổ chức này là chủ quan, nó không phải là một sản phẩm của tính tự khởi của chúng ta theo cách thái của các khái niệm thuần túy của giác tính. Và trong khi cảm năng được phân biệt nghiêm ngặt với giác tính, các trực quan của nó sẽ trống rỗng nếu không có những đóng góp của các khái niệm. Các trực quan của cảm năng và các khái niệm của giác tính thích ứng và được làm cho thích ứng với nhau, cái đa tạp được phối kết của cái này vừa cấu trúc, vừa được cấu trúc bởi những sự thống nhất hình thức của cái kia.
Với lập trường này, Kant có vẻ muốn tránh “vỏ dưa” của phái duy tâm muốn quy giản cảm giác thành “những tri giác mù mờ của lý tính” (xem PPLTTT A13/B61) và tránh “vỏ dừa” của phái duy nghiệm muốn tách rời lý tính khỏi giác quan. Đối với ông, cả hai lập trường đều đưa đến một quan niệm khách quan luận về không gian và thời gian; phái này xem chúng như những mối quan hệ khái niệm có tính khách quan được tri giác một cách mù mờ, phái kia xem chúng như là những đặc tính của các đối tượng trong thế giới được các giác quan tri giác. Kant cố gắng xác lập một lập trường bao hàm được những cái hay trong các viễn tượng của phái duy tâm và phái duy nghiệm, nhưng không hoàn toàn đồng ý với lập trường nào cả. Ông làm vậy bằng cách duy trì tính chất thuần lý của phái duy tâm, và tính chất thụ nhận trong các lập luận của phái duy nghiệm, và bằng cách phân biệt các mô thức của cảm năng với các khái niệm, giữa chất liệu của cảm năng với cảm giác trực tiếp. Tuy nhiên, giải pháp của ông đã giải đáp cho bao nhiêu vấn đề thì cũng làm nảy sinh bấy nhiêu vấn đề khác, và đã tỏ ra cực kỳ dễ bị tổn thương trước những sự phản bác từ cả lập trường duy tâm lẫn lập trường duy nghiệm mà nó tưởng đã vượt qua được rồi.
Lê Quang Hồ dịch