Kỹ thuật [Đức: Technik; Anh: technic/technique]
Xem thêm: Nghệ thuật, Mệnh lệnh, Phán đoán, Phán đoán phản tư, Hệ thống, Mục đích luận,
Trong DN I, Kant phân biệt các phán đoán thực hành đặt cơ sở trên sự tự do với các phán đoán kĩ thuật vốn “thuộc về nghệ thuật hiện thực hóa điều ham muốn nào đó” [DN I tr. 200, tr. 7], Ông minh họa sự khác biệt đó bằng cách mô tả lại những mệnh lệnh của tài khéo và sự khôn ngoan được trình bày trong cuốn CCSĐ như những mệnh lệnh “kĩ thuật”. Sau đó, ông mở rộng khái niệm về phán đoán kĩ thuật để bao hàm một phương pháp có tính kĩ thuật được năng lực phán đoán tuân theo, và lập luận rằng phương pháp này được tuân thủ khi phán đoán về các đối tượng tự nhiên. Từ đây, ông rút ra một “kĩ thuật của tự nhiên” cốt yếu ở việc phán đoán về các đối tượng tự nhiên “như tbểkhả thể của chúng dựa trên nghệ thuật” [tr. 201, tr. 8]. Khái niệm về “kỹ thuật của tự nhiên” là trọng yếu trong triết học tự nhiên của Kant, và được phát triển trong Phần II của PPNLPD rồi sau đó được mở rộng trong OP.
Trong Phần II của PPNLPD, Kant lập luận rằng tự nhiên không thể được hiểu chỉ đơn thuần dựa trên cơ sở của những nguyên lý cơ giới, mà phải được bổ sung bằng những nguyên tắc của phán đoán mục đích luận. Các sản phẩm của tự nhiên có thể được xem như những mục đích, và tính nhân quả của nó trên phương diện này được mô tả trong DN I như một “kĩ thuật của tự nhiên” [DN I, tr. 219, tr. 23]. Kỹ thuật của tự nhiên không phải là một phạm trù, và được phân biệt nghiêm ngặt với “tính hợp quy luật của tự nhiên”, tức mang tự nhiên vào bên dưới những quy luật của giác tính. Kỹ thuật của tự nhiên nảy sinh từ những phương pháp thống nhất hóa được năng lực phán đoán tuân theo khi nó thâu gồm một trực quan thường nghiệm vào trong một khái niệm, hoặc thâu gồm những quy luật giác tính vào bên dưới những nguyên tắc chung. Kant kết luận rằng “năng lực phán đoán về bản chất là có tính kỹ thuật; tự nhiên được hình dung như có tính kỹ thuật chỉ trong chừng mực nó nhất trí với phương pháp này và làm cho phương pháp này thành tất yếu” [DN I, tr. 220, tr. 24]. Do đó, kỹ thuật của tự nhiên đóng vai trò như một nguyên tắc cho năng lực phán đoán phản tư, và chỉ biểu thị “một mối quan hệ giữa các sự vật với năng lực phán đoán của ta; và chỉ trong năng lực phán đoán, ta mới có thể tìm thấy ý niệm về tính hợp mục đích được ta gán cho chính bản thân Tự nhiên”.
Huỳnh Trọng Khánh dịch