Diễn ngôn [Đức: Diskurs; Anh: Discourse]
Tiến trình qua đó những giả định và yêu sách của những người tham gia giao tiếp phải được tranh luận hay chỉ trích, để được chấp thuận hoặc bị bác bỏ. Thuật ngữ này trở nên quan trọng trong từ vựng kỹ thuật của Habermas khi ông phát triển lý thuyết về hành động giao tiếp/communicative action và thuyết dụng hành phổ quát/universal pragmatics những năm đầu 1970 (Habermas, 1976e; 2001c, tr. 99–100).
Một điểm tương phản cơ bản có thể được rút ra giữa giao tiếp và diễn ngôn. Giao tiếp là hoạt động thường ngày qua đó người ta nói chuyện với nhau, chia sẻ thông tin, cũng như thiết lập và duy trì quan hệ xã hội. Giao tiếp có thể đổ vỡ. Đặc biệt, đối với thông tin vốn đang được chia sẻ, hay thậm chí được một trong những người nói mặc nhiên chấp nhận là cái đang được chia sẻ, thông tin này có thể lâm vào cảnh tranh cãi (chẳng hạn, ‘Bạn không thể thực sự tin rằng Pravda [Sự thật] là một tờ báo công bằng và khách quan!’). Hoặc là, quyền nói hay làm cái gì đó của một người có thể bị thách thức (chẳng hạn, ‘Bạn lấy quyền gì mà dạy tôi về chính trị Xô-viết?’). (Xem yêu sách về giá trị hiệu lực/validity claim.) Lý tưởng mà nói, những đổ vỡ này sẽ được giải quyết bằng cách viện đến diễn ngôn.
Trong diễn ngôn, những gì vốn được xem đương nhiên là đúng hay chính đáng như một quy phạm trong giao tiếp lại bị coi là có vấn đề, và mọi người tự do để đóng góp vào cuộc bàn luận. Vì vậy, chẳng hạn, trong giao tiếp tôi khẳng định rằng tờ Pravda mang lại những tường thuật khách quan về đời sống của nước Nga những năm 1950. Bạn thách thức tôi. Bấy giờ khẳng định của tôi được xem như một giả thuyết cần kiểm chứng. Bạn chờ đợi tôi trưng bằng chứng và luận cứ để hỗ trợ cho quan điểm của mình (giống như nhà khoa học tự nhiên phải tìm bằng chứng để ủng hộ cho một lý thuyết khoa học). Thế là tôi cung cấp hàng chục ví dụ về việc Pravda thực hiện những tường thuật giống như tờ New York Times. Bạn bác bỏ những ví dụ này vì xem đó chỉ là một loạt những bài tường thuật được chọn lọc kỹ, và trích dẫn hàng chục bài tường thuật khác bị bóp méo về những vụ xử án chính trị, v.v. Lý tưởng mà nói, một bên sẽ chấp nhận trường hợp của mình là không thoả đáng, và từ bỏ lời khẳng định ban đầu hoặc từ bỏ sự thách thức. Sau đó mọi người có thể trở lại giao tiếp. Tiến trình tương tự có thể tiếp tục liên quan đến quyền của tôi để nói điều gì đó. Vì thế ở đây tôi có thể biện hộ cho bản thân bằng việc chỉ ra rằng tôi đã nghiên cứu nền báo chí Xô-viết cho luận án tiến sĩ của mình. Bạn có thể thách thức tính nghiêm ngặt học thuật của trường đại học cũ của tôi, và có thể thêm rằng, bạn đã làm việc một thời gian dài với những người di dân Xô-viết (và một số điều khác).
Diễn ngôn sẽ kết thúc một cách lý tưởng trong sự đồng thuận mới giữa các bên tham gia hội thoại. Tuy nhiên, điều lý tưởng này có thể có vấn đề. Một mặt, có thể đơn giản là không đủ bằng chứng để thuyết phục mọi người, và có thể sẽ cần đến một số thoả hiệp nào đó (xem Habermas, 1976b, tr. 111–113). Ở mức độ nguy hiểm hơn, diễn ngôn có thể hoặc là bị kết thúc hoặc là bị tránh né thông qua việc sử dụng quyền lực. Bạn có thể cảm thấy bị tôi đe dọa, và vì thế không thể thách thức tôi; hoặc là, thay vì biện minh cho bản thân bằng các chứng nhận học thuật của mình, tôi có thể chỉ cần cho thấy tôi đang ở một vị trí cao hơn bạn (chẳng hạn như giáo viên so với sinh viên; giáo sư so với giảng viên trẻ) và việc không đồng ý với tôi có thể ảnh hưởng xấu đến điểm số hay triển vọng thăng tiến của bạn. Giao tiếp bị bóp méo một cách hệ thống/systematically distorted communication này là những gì mà cách tiếp cận phê phán của Habermas đối với việc lập luận tìm cách nhận diện và vạch trần.
Mặt khác, ngay cả khi tiến trình diễn ngôn xem như được giải quyết một cách hợp lý tính và tự do, với tất cả những người muốn có tiếng nói của mình, và tất cả bây giờ chấp nhận kết luận, thì kết luận vẫn chỉ là tạm thời. Diễn ngôn thực thụ không thể thiết lập các chân lý tuyệt đối, bởi vì diễn ngôn thực thụ giả định gói niềm tin và giá trị được cho là tất nhiên. Trong khi diễn ngôn làm cho một ý tưởng đặc thù hay giá trị nào đó trở nên khả nghi, có vấn đề, nó không thể một lúc thách thức tất cả mọi thứ. Để phản tư và giải quyết một vấn đề, ta phải xem thông tin khác nào đó là đúng một cách hiển nhiên. Trong ví dụ trên, không ai nghi ngờ Pravda là một tờ báo được xuất bản ở Liên Xô, hay Liên Xô đã tồn tại. Trong tương lai, thông tin mới có thể nảy sinh để thách thức sự đồng thuận cũ trước đó; những ý tưởng mới có thể nảy sinh để kiểm chứng tính chặt chẽ của kết luận. Trong trường hợp này, tiến trình diễn ngôn mới sẽ phải phát sinh. Diễn ngôn, vì thế, thiết lập sự đồng thuận cơ sở, nhưng (phù hợp với thuyết dụng hành/pragmatism của Habermas) vẫn đòi hỏi chúng ta cần có tính khiêm nhường nhất định. Niềm tin được yêu mến nhất của ta về cách thức thế giới đang vận hành, những gì đã xảy ra trong quá khứ, và những gì sẽ xảy ra trong tương lai, và những gì là đúng và sai để hành động, có thể trở nên đáng nghi vấn, tra hỏi. Với Habermas, tầm quan trọng của diễn ngôn nằm ở thực tế rằng nó cung cấp cách thức chính đáng hợp lý tính cho việc thách thức những niềm tin có vấn đề.