Võng luận [Đức: Paralogismus; Anh: paralogism]
Xem thêm: Tâm thức, Tôi (cái), “Tôi tư duy (cái)”, Đống nhất (sự), Suy luận (sự), Nhân cách, Tâm lý học, Chủ thể,
Trong Nghệ thuật thi ca, Aristoteles định nghĩa võng luận là việc suy luận sai lầm về chân lý của một tiền đề có trước từ chân lý của một tiền đề hệ quả: “Bất cứ khi nào, nếu có A hoặc xảy ra A, thì có B hệ quả hoặc xảy ra B hệ quả, quan niệm của con người cho là nếu có B thì cũng có A - nhưng đó là một kết luận sai” (Aristoteles, 1941, 1460a, 21). Mở rộng luận điểm này, Kant định nghĩa một võng luận logic là “sự sai lầm của một suy luận của lý tính về mặt hình thức, bất kể nội dung như thế nào” và định nghĩa một võng luận siêu nghiệm là một cái gì “có cơ sở siêu nghiệm, trong khi hình thức vẫn đúng” (PPLTTT A 341/B 399). Những võng luận tâm lý học trong Biện chứng siêu nghiệm minh họa cho cái sau. Trong những võng luận ấy, Kant cho thấy làm thế nào mà cơ sở siêu nghiệm của tư tưởng, “cái Tôi tư duy” (“cái B hệ quả” của Aristoteles) là cơ sở cho những suy luận về tính bản thể, tính đơn giản, tính đồng nhất và các quan hệ của linh hồn hay của bản thể tư duy (“cái A có trước”). Kant cho rằng sự suy luận từ điều kiện hình thức của tư duy dẫn đến bản thể của tư duy là võng luận và làm nảy sinh những ý niệm biện chứng của tâm lý học thuần lý.
Thánh Pháp dịch