Tiếp diễn (sự, chuỗi) [Đức: Sukzession; Anh: succession]
Xem thêm: Loại suy của kinh nghiệm (các), Nhân quả (tính), Tưởng tượng (sự, trí, năng lực), Vận động (sự), Nguyên tắc (các), Tổng hợp (sự), Thời gian,
Sự tiếp diễn (hay sự tiếp theo nhau) cùng với sự thường tồn và sự đồng thời là ba thể cách của thời gian, và đến lượt chúng, các thể cách này xác định “các quy luật của mọi mối liên hệ của những hiện tượng”, là những quy luật “có trước mọi kinh nghiệm, và làm cho kinh nghiệm có thể có được” (PPLTTT B 219). Nó tạo thành nhóm thứ hai của “các Loại suy của kinh nghiệm” hay nhóm các nguyên tắc tương ứng với các phạm trù của sự tương quan, và là nguyên tắc cho phạm trù nhân quả và phạm trù tùy thuộc. Loại suy thứ hai phát biểu rằng “mọi sự biến đổi xảy ra theo quy luật kết nối nguyên nhân và kết quả” (PPLTTT B 232) và với nó Kant cố gắng đương đầu với những phản đối của Hume về sự kết nối tất yếu giữa nguyên nhân và kết quả. Kant cho rằng tính nhân quả không được rút ra từ kinh nghiệm chủ quan về nguyên nhân và kết quả, như Hume đã tưởng, mà đúng hơn là ngược lại, nghĩa là, chính “chuỗi tiếp diễn khách quan của những hiện tượng” mới là nguồn gốc của “chuỗi tiếp diễn chủ quan của sự lĩnh hội” (PPLTTT A 193/B 238). Vì thế ông cho rằng “bản thân kinh nghiệm” chỉ có thể có được khi “ta bắt buộc chuỗi tiếp diễn của các hiện tượng” và do đó mọi sự biến đổi, phải phục tùng quy luật nhân quả”, và hơn nữa, bản thân “những hiện tượng - như là những đối tượng của kinh nghiệm - cũng chỉ có thể có được khi tương ứng với quy luật này” (PPLTTT B 234).
Thánh Pháp dịch