Bổn phận [Đức: Verbindlichkeit; Anh: obligation]
Xem thêm: Mệnh lệnh nhất quyết, Yêu cầu, Nghĩa vụ, Luật học, Quy luật, Phải là (cái),
Trong SHHĐL, Kant định nghĩa bổn phận là “sự phụ thuộc của một ý chí, vốn không phải là tuyệt đối tốt, vào nguyên tắc của sự tự trị” và chỉ rõ “tính tất yếu khách quan của một hành động từ bổn phận” là nghĩa vụ (Pflicht/duty) (tr. 439, tr. 44). Ở đây bổn phận biểu thị tình trạng phụ thuộc của ý chí, trong khi nghĩa vụ quy chiếu đến tính tất yếu của việc làm theo bổn phận. Điều này được khẳng định ở quyển PPLTTH, trong đó bổn phận được định nghĩa là sự phụ thuộc phổ biến của ý chí con người vào quy luật luân lý, và nghĩa vụ được định nghĩa là “sự cưỡng chế một hành động” theo sau bổn phận ấy (tr. 32, tr. 32). Trong SHHĐL, Kant vẫn giữ quan niệm tổng quát này về bổn phận và nghĩa vụ bên cạnh một sự mở rộng khái niệm về bổn phận đế bao gồm cả [khái niệm] quyền hạn. Với định nghĩa rộng hon, bổn phận có giá trị như là “tính tất yếu phổ biến của một hành động tự do dưới một mệnh lệnh nhất quyết” trong khi nghĩa vụ là “hành động mà ai đó phải làm”. Từ điều này, Kant kết luận rằng trong khi chỉ có một nghĩa vụ để thực hiện một hành động, thì lại nhiều hình thức khả hữu về bổn phận (SHHĐL tr. 222, tr. 49) nhưng nghĩa vụ và bổn phận ấy không thể xung đột, vì cả hai đều là tất yếu (tr. 224, tr. 50). Bổn phận không chỉ thấm nhuần nghĩa vụ mà còn cả quyền hạn, vì quyền hạn sẽ được Kant giải thích bằng “năng lực đặt những người khác vào dưới bổn phận” (tr. 239, tr. 64).
Sự thảo luận của Kant về mối quan hệ giữa bổn phận và quyền hạn thiên quá nhiều về tư pháp, hay những bổn phận của các cá nhân với nhau, và hiếm khi mở rộng đến bổn phận chính trị. Ông nói đến bổn phận chính trị trong quyển SHHĐL khi bàn về bổn phận của người đứng đầu nhà nước đối với pháp luật của Cổ quan nắm chủ quyền tối cao [nhân dân], nhưng đấy chủ yếu là một nhận xét ngẫu nhiên (tr. 317, tr. 128). Lý do để Kant nhấn mạnh đến bổn phận riêng tư chứ không phải bổn phận chính trị có thể được suy ra từ bài điểm sách của ông đối với tác phẩm Grundsatz der Naturrechts (Nguyên lý của pháp quyền tự nhiên, 1786) của triết gia theo trường phái Wolff là Hufeland. Kant phê phán Hufeland là đã ưa chuộng, theo kiểu Wolff, cái nguyên tắc về việc tạo ra con người hoàn hảo, mà để đạt đến được sẽ dùng đến vũ lực nếu cần, hon nguyên tắc về lòng tôn kính các quyền và các bổn phận được rút ra từ hình thức của ý chí tự do. Sau đấy, Kant mong muốn lấy các quyền giữa các cá nhân với nhau, và nói rộng ra là quyền của các cá nhân đối với nhà nước, làm Cổ sở cho bổn phận chính trị, và muốn rút những quyền này ra từ bổn phận Cổ bản là tuân theo quy luật luân lý. Với luận cứ này, Kant đã phá vỡ lập trường của triết học Wolff muốn rút các quyền và các bổn phận cá nhân ra từ bổn phận Cổ bản của nhà nước là thúc đẩy phúc lợi chung.
Thánh Pháp dịch