Văn hóa/Đào luyện văn hóa (sự) [Đức: Kultur; Anh: culture]
Xem thêm: Công dân toàn thế giới (chủ nghĩa), Kỷ luật, Liên bang (chủ nghĩa), Mục đích (tính), Lịch sử, Loài người, Tự nhiên, Hòa bình, Hợp quần (tính), Chiến tranh,
[Sự đào luyện] văn hóa được định nghĩa là “mục đích tối hậu mà ta có cơ sở để quy cho tự nhiên trong quan hệ với chủng loài người” (PPNLPĐ, §83), và chủ yếu là “tính thích dụng và tài khéo đối với mọi loại mục đích mà tự nhiên (bên ngoài và bên trong ta) có thể được con người sử dụng”. Nó có hai đặc điểm thường đối kháng nhau. Cái thứ nhất là năng lực lựa chọn mục đích; cái thứ hai là tài nghệ để thực hiện chúng. Sự không thống nhất giữa hai đặc điểm này mang lại sự tiến bộ lẫn sự suy tàn của nền văn hóa. Kant phát hiện ra những nguồn gốc của văn hóa trong sự hạn chế tự do của con người - “toàn bộ văn hóa và nghệ thuật tô điểm cho con người... là những thành quả của tính phi xã hội của họ” (LSPQ tr. 22, tr. 46) - và ông mô tả sự đào luyện văn hóa như là một kỷ luật đối với ý chí và những xu hướng. Tuy nhiên, kỷ luật của ý chí và những xu hướng trong việc lựa chọn mục đích không nhất thiết phải có quan hệ với năng lực thực hiện chúng. Điều này dẫn đến một sự xung đột xã hội giữa phía này là [đa số] những người “cung cấp những gì thiết yếu cho cuộc sống hầu như một cách máy móc, không cần đến tài nghệ gì đặc biệt” và phía kia là những người “đang hoạt động trong các lĩnh vực ít thiết yếu hon trong nền văn hóa như khoa học và nghệ thuật” (PPNLPĐ §83). Những người trước sống trong tình trạng bị sự giám hộ áp đặt - “trong tình trạng bị áp lực, phải lao động vất vả và ít được hưởng thụ” - không thể phát triển tính thích dụng cho việc lựa chọn mục đích của riêng mình, trong khi những người sau, không phải lao động để có tài khéo cần thiết nhằm thực hiện mục đích của mình, trở nên quá văn minh, chạy theo sự xa hoa và theo đuổi những mục đích vô dụng. Kant xem cái “tình cảnh khốn cùng nổi bật” này của sự đào luyện văn hóa như là sự dẫn đến tai ương đồng thời như là sự phát triển “những tố chất tự nhiên” trong chủng loài người hướng đến một xã hội dân sự có tính công dân toàn thế giới trong đó sự thích dụng cho việc lựa chọn mục đích và tài khéo để thực hiện chúng sẽ hài hòa với nhau.
Tuy hàm ơn quyển Émile ou de 1’éducation/ Émile hay là vê giáo dục (1762) của Rousseau, nhưng lý thuyết của Kant về sự đào luyện văn hóa lại thừa nhận tính tất yếu của sự xung đột. Phương diện này trong lý thuyết của ông về sự đào luyện văn hóa được Hegel và Marx phát triển xa hơn nữa. Nghiên cứu của Kant về sự xung đột giữa khối đông người bị áp bức và những ông chủ xa hoa nhưng vô dụng dự đoán trước biện chứng làm Chủ-làm Nô trong Phänomenologie des Geistes/Hiện tượng học Tinh thần (1807) của Hegel và tuyên bố của Marx trong Manifest der kommunistischen Partei/ Tuyên ngôn Đảng cộng sản (1848) rằng “lịch sử tất cả các xã hội cho đến ngày nay là lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp”. Việc Kant chú trọng đến văn hóa chất liệu đã phân biệt lý thuyết của ông về sự đào luyện văn hóa với các lý thuyết duy tâm và các lý thuyết ngôn ngữ đương thời, như lý thuyết của Herder chẳng hạn. Tuy nhiên, không phải cho đến thời gian gần đây mà những đặc điểm này trong lý thuyết của Kant về sự đào luyện văn hóa mới đóng một vai trò có ý nghĩa nào đó trong sự giải thích về triết học của ông.
Đinh Hồng Phúc dịch