Siêu nghiệm (tính, cái)/Siêu nghiệm thể [Đức: transzendental; Anh: transcendental]
Xem thêm: Siêu việt,
Trong triết học trung cổ, những siêu nghiệm thể [Đức: Transzendentalien; Anh: transcendentals] biểu thị những thuộc tính của hữu thể vượt khỏi phạm vi phạm trù [extra-categorical] như: nhất tính, chân tính, thiện tính, mỹ tính (và, trong một số sự phân loại, vật tính và sự tính) [xem thêm: PPLTTT, Chương I, Phần 2A, tiết 3, mục §12, BVNS dịch và chú giải, NXB Văn học (2004), tr. 251]. Đối với triết học Kant, một dấu vết của cách dùng theo nghĩa này vẫn tồn tại trong việc Kant sử dụng thuật ngữ siêu nghiệm như một hình thức nhận thức, nhưng không phải về các đối tượng tự thân mà của những phương thức nhờ đó chúng ta có thể biết về các đối tượng đó, tức là những điều kiện của kinh nghiệm khả hữu. Vì thế, ông “gọi mọi nhận thức là siêu nghiệm, khi chúng không chỉ nghiên cứu các đối tượng mà nghiên cứu chung về phương cách nhận thức của ta về các đối tượng đó, trong chừng mực phương cách nhận thức ấy có thể có được một cách tiên nghiệm” (PPLTTT A 12, [BVNS, tr. 105 (B 25)]). Hệ thống các khái niệm cấu tạo nên tri thức tiên nghiệm có thể được gọi là triết học siêu nghiệm, vì thế phê phán lý tính thuần túy được mô tả một cách đa dạng như: một môn học dự bị, một bộ chuẩn tắc hay một kiến trúc học [của lý tính thuần túy]. Thuật ngữ siêu nghiệm còn được sử dụng khắp nơi để định tính chất cho các danh từ như: logic học, cảm năng học, sự thống nhất của thông giác, các quan năng, ảo tưởng; trong mỗi trường hợp, nó báo hiệu rằng danh từ mà nó định tính chất sẽ được xem xét trong quan hệ với các điều kiện của khả thể.
Nghĩa chính xác của thuật ngữ siêu nghiệm thay đổi trong suốt quyển PPLTTT, nhưng những thông số ngữ nghĩa của nó có thể được chỉ rõ ra bằng cách cho thấy những cách thức trong đó Kant phân biệt nó với những cái đối lập của nó. Cái siêu nghiệm được phân biệt với cái thường nghiệm, và được liên kết với cái tiên nghiệm, trong chừng mực cái tiên nghiệm bao hàm một sự quy chiếu đến phương cách nhận thức; nó “chỉ ra nhận thức đó khi liên quan đến khả thể tiên nghiệm của nhận thức, hay sự sử dụng tiên nghiệm của nhận thức đó” (PPLTTT A 56/B 86). Như thế, sự phân biệt siêu nghiệm và thường nghiệm bao hàm sự siêu-phê phán về nhận thức và về các nguồn gốc tiên nghiệm của nó. Kant xem việc nghiên cứu tâm lý học về nhận thức như một nhánh của nhận thức thường nghiệm, và vì thế ông lại phân biệt nó với nhận thức siêu nghiệm (A 801/B 829). Cái siêu nghiệm cũng được phân biệt với cái siêu hình học và cái logic. Chẳng hạn, một sự khảo sát [xem thêm: “Tôi hiểu “khảo sát” (Erörterung, expositio) là sự hình dung một cách minh bạch (dù chưa thật cặn kẽ) về những gì thuộc về một khái niệm...” (PPLTTT, BVNS, tr. 144) - ND] siêu hình học về không gian là một khảo sát trình bày những gì thuộc về khái niệm “không gian” như được mang lại một cách tiên nghiệm (A 23/B 38), trong khi một sự khảo sát siêu nghiệm lại giải thích khái niệm ấy “như một nguyên tắc từ đó có thể nhận ra được khả thể của nhận thức tổng hợp tiên nghiệm khác” (B 40). Một sự phân biệt siêu nghiệm giữa cái khả giác và cái khả niệm khác với một sự phân biệt logic học - tức nó phân biệt “hình thức của chúng hoặc là rõ ràng hoặc là lẫn lộn” - ở chỗ nó bàn về “nguồn gốc và nội dung” (A 44/B 62). Sau cùng, Kant phân biệt giữa siêu nghiệm và siêu việt (transcendent), bằng cách đối chiếu các nguyên tắc siêu việt, tức các nguyên tắc “khuyến khích ta kéo đổ hết các cột mốc ranh giới ấy để vưon đến mảnh đất hoàn toàn mới mẻ, không thừa nhận một đường giới tuyến nào”, với một “sự lạm dụng siêu nghiệm đối với các phạm trù, tức mở rộng sự áp dụng của chúng vượt khỏi những giới hạn của kinh nghiệm khả hữu, và “điều này chỉ đon thuần là một sai lầm của quan năng phán đoán” (A 296/B 352).
Hoàng Phú Phương dịch
Logic học phổ biến/Siêu nghiệm [Đức: allgemeine/transzendentale Logik; Anh: Logic general/transcendental]
Xem thêm: Phân tích pháp, Thông giác, Chuẩn tắc (bộ), Phạm trù (các), Khái niệm, Biện chứng pháp, Yếu tố cơ bản (các), Mô thức, Suy luận, Phán đoán, Phương pháp luận, Bảng các phạm trù,
Mặc dù toàn bộ tác phẩm của Kant có thể được xem là một suy tưởng được mở rộng về logic học, nhưng ông chỉ chịu trách nhiệm về hai công trình minh nhiên dành cho chủ đề này.
Một trong các công trình đó, BSL, là một đóng góp đầu tay ngắn ngủi cho sự đổi mới một số sự quá đáng của phong cách hoa mỹ (baroque excesses) trong truyền thống Aristoteles. Công trình còn lại, quyển L, được Gottlob Benjamin Jäsche biên soạn từ bản sao được chú thích một cách nặng nề của Kant về cuốn sách giáo khoa của George Friedrich Meiter về logic học Auszug aus der Vernunftlehre (1752). Kant dùng cuốn L làm sách giáo khoa cho những bài giảng về logic học là bộ môn mà ông đã dành mất bốn thập niên kể từ lúc ông bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình trong những năm 1755-6 cho đến năm 1796 thì chấm dứt. Các bản ghi chép về các bài giảng này còn sót lại từ những năm đầu 1770 (“Logic học Blomberg”), đầu những năm 1780 (“Logic học Vienna” và “Logic học Heschel”), và đầu những năm 1790 (“Logic học Dohna-Wundlacken”), toàn bộ những ghi chép này được phiên dịch trong quyển 9 của Nxb. Guyer và Wood (tức cuốn L). Từ những nguồn này, ta có thể tái dựng một bối cảnh ngành học này cho nỗ lực tham vọng của Kant muốn xác định lại phạm vi của logic học trong triết học phê phán.
Các nội dung của từng quyển trong ba quyển phê phán được tổ chức thành một chuyên luận về logic học theo kiểu của Aristoteles đầu thời kỳ hiện đại, được chia thành “Học thuyết về các yếu tố cơ bản của nhận thức” (gồm “Phân tích pháp” và “Biện chứng pháp”) và “Học thuyết về phương pháp”. Được khép vào trong cấu trúc này, và nhất là trong PPLTTT, là một sự tổ chức riêng biệt khác về những nội dung của logic học được dẫn xuất từ truyền thống Descartes chống Aristoteles được minh họa bởi tác phẩm Art of Thinking [Nghệ thuật tư duy] hay “Logic học Port-Royal” (1662) của Arnauld. Trong truyền thống này, logic học không quan tâm nhiều lắm đến những hình thức suy luận vốn rất được ưa thích trong truyền thống Aristoteles, mà chỉ quan tâm đến việc rèn luyện sự phán đoán để phân biệt giữa đúng và sai, do đó đưa ra một bài tập luyện trong việc “tự-kỷ luật” (xem “Bài luận văn thứ nhất”). Với mục đích này, Nghệ thuật tư duy được tổ chức dựa theo “khái niệm”, “phán đoán”, “lập luận” và “sắp xếp trình tự”. Sự phân chia này thấm nhuần phân tích phê phán của Kant về phán đoán lý thuyết, phán đoán thực hành và phán đoán thẩm mỹ, và rõ ràng nhất trong PPLTTT, tác phẩm này chồng lên trên hệ hình Aristoteles và hệ hình Descartes trong một nỗ lực tạo ra một “Logic học siêu nghiệm”. “Cảm năng học siêu nghiệm” đóng vai trò là chức năng của việc cung cấp các chất liệu của tư duy được thực hiện bằng “khái niệm”; “Phân tích pháp siêu nghiệm” đưa ra sự sắp đặt ban đầu của tư duy được phân tích trong “phán đoán”; “Biện chứng pháp siêu nghiệm” làm nảy sinh những suy luận tam đoạn (ảo tưởng) được phân tích trong “lập luận”; và học thuyết về phương pháp đưa đến sự nối khớp có hệ thống về tri thức được bàn thảo trong việc “sắp đặt trình tự”.
Sự nhạy cảm ở Kant về những dị biệt giữa truyền thống logic học “Aristoteles” và truyền thống logic học “hiện đại” rõ ràng là xuyên suốt trong các bài viết và các bài giảng của ông về logic học. Ở mức độ khái quát nhất, BSL có thể được đọc như là nỗ lực thay thế sự nhấn mạnh của truyền thống vào những sự tinh vi của các hình thái suy luận bằng một chú trọng mới vào tự ý thức và phán đoán. Ta có thể theo dõi sự đấu tranh và sự thích ứng giữa hai truyền thống logic học được giới thiệu trong văn bản này trong các tác phẩm của Kant. Rõ ràng nhất là trong Lời tựa cho lần xuất bản thứ hai của PPLTTT, ở đó Kant quan sát thấy rằng logic học kể từ thời Aristoteles “không thể đi thêm một bước tiến nào cả, cơ hồ như đã hoàn chỉnh và hoàn tất hẳn rồi” (B 8). Ông không xét đến những nỗ lực của “các nhà hiện đại” mở rộng hon môn Logic học nhờ chất liệu được rút ra từ tâm lý học, siêu hình học và nhân học là có đóng góp gì lớn. Kant cho rằng Logic học “là môn khoa học trình bày cặn kẽ và chứng minh chặt chẽ những quy luật hình thức của mọi tư duy chứ không làm điều gì khác hon cả (bất kể tư duy ấy là tiên nghiệm hay thường nghiệm, có nguồn gốc hay đối tượng như thế nào)” (PPLTTT B 9). Ông còn nói thêm rằng trong môn Logic học, “giác tính không làm việc với cái gì khác hon là với chính mình và với hình thức của mình” (B 9) và xem bất cứ nỗ lực nào nhằm bổ sung nó chỉ đơn thuần là việc làm tổn hại đến tính nguyên vẹn của bộ môn.
Dù giới hạn môn Logic học vào sự trình bày những hình thức của giác tính và chối bỏ những bổ sung tâm lý học, siêu hình học và nhân học, sự tận tâm của Kant với dự án hiện đại về việc mở rộng môn Logic học là không bao giờ phải bàn cãi. Sự mở rộng được đề xuất của ông là tham vọng hơn nhiều so với đơn thuần là thêm vào những “tính chất” từ các khoa học riêng biệt và viết lại chi li môn “Logic học phổ biến” của truyền thống thành môn “Logic học siêu nghiệm” của thời hiện đại. Logic học phổ biến thuần túy “không làm việc với gì khác hơn là với các mô thức đơn thuần của tư duy” (PPLTTT A 54/B 78) và hoàn toàn là tiên nghiệm; nó được phân biệt với Logic học phổ biến ứng dụng là môn “hướng đến những quy luật của việc sử dụng giác tính dưới các điều kiện chủ quan thường nghiệm mà môn Tâm lý học dạy cho ta biết” (A 53/B 77). Cả hai được phân biệt với Logic học siêu nghiệm được trình bày trong PPLTTT, là môn “chỉ nghiên cứu các quy luật của giác tính và lý tính trong chừng mực môn học này quan hệ với những đối tượng một cách tiên nghiệm” (A 57/B 82).
Với sự phát triển của một môn Logic học siêu nghiệm hiện đại, Kant không có ý đồ bác bỏ những thành tựu của truyền thống logic học. Thay vào đó ông tiến hành phân tích phán đoán được rút ra từ truyền thống và sử dụng chúng như là một manh mối để phát hiện những thao tác của giác tính trong Logic học siêu nghiệm. Những khái niệm mà ông dùng để tạo thành bước chuyển từ Logic học truyền thống sang Logic học hiện đại là “tính thống nhất” và “sự tổng hợp”. Các phán đoán của Logic học phổ biến, được trừu tượng hóa khỏi mọi nội dung [của nhận thức], là “những chức năng mang lại tính thống nhất” (PPLTTT A 69/B 94); khi được chuyển thành Logic học siêu nghiệm, chúng biểu thị sự tổng hợp của một chủ thể thông giác tự khởi có trước mặt mình một “cái đa tạp của cảm năng tiên nghiệm” (A 77/B 102). Sự tổng hợp siêu nghiệm được rút ra từ những chức năng logic của Logic học phổ biến hình thành nên bảng các phạm trù hay “danh mục của tất cả các khái niệm thuần túy có tính nguyên thủy để làm công việc tổng hợp mà giác tính chứa đựng trong nó một cách tiên nghiệm” (A 80/B 106). Với những sự tổng hợp này, Kant muốn thích ứng với cả Logic học truyền thống được dựa trên những hình thức của phán đoán và suy luận lẫn với Logic học hiện đại bắt nguồn từ cái cogito [cái Tôi tư duy] của Descartes và dựa trên tự-ý thức và thông giác.
Một truyền thống lịch sử xa hon của Logic học cũng được biểu hiện trong công trình của Kant: đó là định nghĩa của Epicurus về Logic học như là một bộ chuẩn tắc hay “khoa học về việc sử dụng giác tính một cách thận trọng và đúng đắn” (L tr. 275). Bộ chuẩn tắc này được phân biệt với “bộ công cụ cho nghệ thuật tranh luận” của Aristoteles là bộ đã đưa ra những quy luật cho những suy luận đúng hay những suy luận có sức thuyết phục. Kant tự nhận là đi theo truyền thống Epicurus khi ông nhấn mạnh đến vai trò của Logic học như là một khoa học phân biệt các phán đoán. Thật thế, với PPLTTT, nó mang lại một bộ chuẩn tắc cho việc phân biệt những phán đoán và suy luận đúng với những phán đoán và suy luận sai, còn PPLTTH là giữa những châm ngôn của hành động tốt và những châm ngôn của hành động xấu, và sau cùng, PPNLPĐ là giữa các phán đoán về cái đẹp và những phán đoán về sự dễ chịu và cái thiện. Trong mỗi quyển phê phán, cả phân tích pháp phê phán lẫn biện chứng pháp phê phán đều là những bộ chuẩn tắc theo nghĩa này: phân tích pháp là một “bộ chuẩn tắc cho sự phân xử (về cái đúng đắn hình thức của nhận thức chúng ta)” (L tr. 531), trong khi biện chứng pháp chứa đựng “những dấu hiệu nhận biết và những quy luật phù hợp với những gì ta có thể thừa nhận rằng có cái gì đó không khớp với các tiêu chuẩn hình thức của chân lý, mặc dù nó có vẻ như khớp với các tiêu chuẩn này” (L tr. 532).
Trong Logic học siêu nghiệm, nỗ lực kết hợp Logic học truyền thống và Logic học hiện đại lại với nhau của Kant được triệt để hóa bởi những người kế tục ông như Fichte và Hegel. Họ không thấy nhất thiết phải hòa giải bảng các phán đoán truyền thống với sự tổng hợp của tự-ý thức, mà lập luận trực tiếp từ hoạt động tổng hợp của tự-ý thức cho cả hình thức lẫn nội dung của phán đoán. Sự quá đáng này trong việc phát triển Logic học của Kant rốt cuộc đã gây nên một phản ứng chống lại dự án của Logic học siêu nghiệm. Phản ứng này có nhiều hình thức ảnh hưởng khác nhau, từ các nghiên cứu tâm lý học và xã hội học về các hình thức của lập luận đến một Logic học về tính giá trị hiệu lực đặt trọng điểm vào sự biện minh hình thức cho các mệnh đề mà không kể đến nội dung hay quan hệ của chúng với thế giới.
Đinh Hồng Phúc dịch