Tiên nghiệm/Hậu nghiệm [Đức/Anh: a priori/a posteriori]
Xem thêm: Khái niệm, Diễn dịch, Trình bày, Trực quan, Phán đoán, Thuần túy, Tri thức, Logic học, Siêu hình học, Bản thể học, Tổng hợp,
Trong thế kỷ trước Kant, sự phân biệt giữa tiên nghiệm và hậu nghiệm được dùng để phân biệt giữa các phương cách chứng minh logic: “Khi trí tuệ suy luận từ các nguyên nhân đến các kết quả, chứng minh đó được gọi là tiên nghiệm; khi đi từ các kết quả đến các nguyên nhân, chứng minh đó được gọi là hậu nghiệm” (Arnauld, 1662, tr. 301). Cách dùng theo nghĩa này vẫn được Wolff và Baumgarten sử dụng rộng rãi ở giữa thế kỷ XVIII, và chính cách dùng này đã bị Hume phê phán trong Treatise (Luận văn)
(1739). Kant đã mở rộng đáng kể sự phân biệt này trong Phê phán Lý tính Thuẫn túy (PPLTTT), ở đó quan niệm về cái tiên nghiệm đóng một vai trò then chốt. Trong khi, theo truyền thống, hai thuật ngữ này quy chiếu đến các hình thức của sự chứng minh, thêm vào đó trong trường phái Wolff chúng qui chiếu đến những loại tri thức thu được qua những chứng minh đó, thì Kant lại mở rộng phạm vi của chúng vượt khỏi các loại nhận thức để trước hết áp dụng cho các phán đoán, và rồi, quan trọng hon, cho cả chính các yếu tố cơ bản của nhận thức (các trực quan và các khái niệm).
Đối với Kant, nhận thức hậu nghiệm và các phán đoán hậu nghiệm không đặt ra bất kì vấn đề đặc thù nào cho triết học: “Khả thể của các phán đoán tổng hợp hậu nghiệm, tức của các phán đoán được thu thập từ kinh nghiệm, [cũng như các phán đoán phân tích] đều không đòi hỏi bất kì sự giải thích đặc biệt nào; vì kinh nghiệm không gì khác hơn là một sự nối kết liên tục (tổng hợp) các tri giác lại với nhau” (p [Sơ luận] §5). Nhận thức và các yếu tố như thế của nó được rút ra từ kinh nghiệm, sự tổng hợp của chúng dựa trên “thói quen” hay “sự liên tưởng”. Kant sẵn sàng chấp nhận các phản bác của Hume đối với tính hiệu lực của hình thức nhận thức này, nhưng lại bảo vệ tính hiệu lực của tri thức tiên nghiệm, cùng với những phán đoán cấu thành và những yếu tố của nó. Vì thế, hầu hết phân tích của Kant về sự phân biệt giữa hậu nghiệm và tiên nghiệm tập trung vào tính chất của cái tiên nghiệm. Việc lựa chọn sự tập trung này được thúc đẩy bởi mong muốn bảo vệ tính chất tổng hợp tiên nghiệm của những phán đoán sẽ tạo nên siêu hình học.
Tiêu chuẩn truyền thống để phân biệt giữa hai hình thức chứng minh, dù chúng đi từ nguyên nhân đến kết quả hay ngược lại, rõ ràng không còn hiệu lực đối với Kant. Vì thế Kant phát triển các tiêu chuẩn mới cho nhận thức tiên nghiệm: đó là (a) thuần túy, (b) phổ quát và tất yếu. Các tiêu chuẩn [mới] này được áp dụng một cách riêng rẽ, nhưng vẫn khá thường được áp dụng cùng với nhau trong những trường hợp mà một tiêu chuẩn được giả định một cách không chính đáng để bảo vệ một luận cứ, ủng hộ tiêu chuẩn kia.
Luận cứ cho tính thuần túy của tri thức tiên nghiệm, phán đoán tiên nghiệm và các yếu tố tiên nghiệm cho rằng chúng là những phương cách “rõ ràng và chắc chắn” của tri thức độc lập với kinh nghiệm. Chúng “nảy sinh một cách hoàn toàn tiên nghiệm, hoàn toàn độc lập với kinh nghiệm” đối lập lại với những phương cách nhận thức hậu nghiệm “được vay mượn duy chỉ từ kinh nghiệm” (PPLTTT, A 2). Chúng độc lập với kinh nghiệm ở chỗ chúng không chứa bất kì “sự pha trộn thêm vào” nào của cảm năng, và ở chỗ chúng không thể được rút ra từ nó. Kant lập luận thêm rằng chúng không chỉ độc lập một cách rõ ràng với kinh nghiệm - “tri thức độc lập tuyệt đối với mọi kinh nghiệm” (PPLTTT B 3) - mà thậm chí còn là điều kiện của kinh nghiệm.
Tính thuần túy của các yếu tố cơ bản của nhận thức tiên nghiệm được chứng minh bằng một tiến trình trừu tượng hóa [gạt bỏ].
“Các mô thức thuần túy của trực quan cảm tính nói chung” - tức không gian và thời gian - được khám phá bằng việc gạt bỏ khỏi kinh nghiệm “tất cả những gì mà giác tính suy tưởng thông qua các khái niệm của nó”, nhờ đó “cô lập” cảm năng, và sau đó “tách biệt” “tất cả những gì thuộc về cảm giác, khiến cho không gì có thể còn sót lại trừ trực quan thuần túy và mô thức đơn thuần của những hiện tượng, đó sẽ là tất cả những gì mà cảm năng có thể mang lại một cách tiên nghiệm” (PPLTTT A 22/ B 36). Tiến trình tương tự cũng được dùng để chứng minh cho các khái niệm tiên nghiệm hay “các phạm trù”, tức “những điều kiện tiên nghiệm làm chỗ dựa cho khả thể của kinh nghiệm, và là những gì còn lại như những cơ sở nền tảng của kinh nghiệm khi tất cả những gì thường nghiệm đều được trừu tượng hóa hết ra khỏi những hiện tượng” (A 96). Tuy nhiên, việc thiết lập tính thuần túy của các nguyên tắc tiên nghiệm tự nó đòi hỏi một tiêu chuẩn, vì nếu không thì làm thế nào có thể biết được tiến trình trừu tượng hóa đã đạt đến điểm cuối cùng nơi cái tiên nghiệm?
Các tiêu chuẩn còn lại của tính phổ quát và tính tất yếu được dùng để ghi nhận việc đạt được một phán đoán hay một yếu tố tiên nghiệm. Nếu trực quan hay khái niệm này tất yếu phải có đối với mọi kinh nghiệm, thì nó được gọi là mang tính tiên nghiệm. Kant dùng luận cứ này trong rất nhiều trường hợp trong PPLTTT, khi làm việc với nhận thức, các phán đoán, các khái niệm và các trực quan phổ quát và tất yếu, tất cả đều được mô tả như là tiên nghiệm. Ở một trường hợp trong “Lời Dẫn nhập cho Ấn bản thứ hai (1787)”, Kant đi từ nhận thức tiên nghiệm đến các phán đoán, các khái niệm và kết thúc với “một quan năng nhận thức tiên nghiệm”. Kant viết: “Như thế, tính tất yếu và tính phổ quát chặt chẽ là những tiêu chuẩn chắc chắn của một nhận tri thức tiên nghiệm, và chúng không thể tách rời nhau được” (PPLTTT B 4). Sau đó ông khẳng định rằng: “Thật dễ để chỉ ra rằng trong tri thức của con người thực sự có các phán đoán tất yếu và phổ quát theo nghĩa chặt chẽ nhất, vì thế chúng là những phán đoán thuần túy tiên nghiệm” (PPLTTT B 4), rồi dẫn ra ví dụ là các mệnh đề toán học.
Từ việc phân tích tri thức và các phán đoán tiên nghiệm, Kant chuyển nhanh sang những luận cứ chứng minh cho sự hiện hữu của các Nguyên tắc tiên nghiệm. Bằng chứng đầu tiên viện đến vai trò tất yếu của chúng trong kinh nghiệm: “có thể chỉ ra rằng các nguyên tắc thuần túy tiên nghiệm là không thể thiếu được cho khả thể của kinh nghiêm, và bằng cách đó chứng minh sự tồn tại một cách tiên nghiệm của chúng. Vì do đâu mà kinh nghiệm có thể có được sự chắc chắn của nó, nếu tất cả mọi quy tắc, mà nó dựa vào để tiến hành, tự chúng lúc nào cũng mang tính thường nghiệm, và do đó là bất tất? (PPTTTT B 5). Ở đây, tính thuần túy của cái tiên nghiệm được dùng để bảo vệ cho tính phổ quát và tất yếu của nó. Bằng chứng thứ hai tiến hành bằng con đường trừu tượng hóa. Bằng chứng của một mô thức tiên nghiệm của trực quan là từ việc gạt bỏ hết mọi chất của một vật thể thường nghiệm cho đến khi đạt đến không gian như cái còn lại không thể tránh khỏi hay đó chính là mô thức tiên nghiệm của trực quan. Còn bằng chứng về một khái niệm tiên nghiệm là do việc gạt bỏ hết ra khỏi đối tượng “mọi thuộc tính mà kinh nghiệm đã dạy cho chúng ta biết” để đạt đến khái niệm hay phạm trù tiên nghiệm, mà trong trường hợp này, chính là [phạm trù] bản thể (B 5, 6).
Bằng chứng về tính thuần túy hay tính phổ quát và tất yếu của một mô thức tiên nghiệm của trực quan được gọi là một sự trình bày, trong khi chứng cứ về một khái niệm tiên nghiệm của giác tính hay phạm trù thì được gọi là một sự diễn dịch. Nếu các nguyên tắc hay các yếu tố tiên nghiệm có thể được thiết lập thông qua việc trình bày và diễn dịch, thì Kant không chỉ đã chứng mình được sự hiện hữu của các nguyên tắc tiên nghiệm mà còn xác định phạm vi áp dụng của chúng. Tuy nhiên, các luận cứ của ông trong “Học thuyết siêu nghiệm vê các yếu tố [cơ bản của nhận thức]” đã khơi ra một cuộc tranh luận lớn đến nay vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Một vấn đề mấu chốt của Kant là phải nghiên cứu về nhận thức được biện minh không theo phái duy nghiệm cũng không theo phái duy tâm [đúng hơn là “duy lý”. N.D]. Phần lớn cuộc tranh luận đều liên quan đến nguồn gốc của các nguyên tắc tiên nghiệm, cũng như của tính phổ quát và tất yếu của chúng. Nguồn gốc không nằm trong cảm năng hay kinh nghiệm (Locke), cũng không nằm ở Thượng đế (Descartes và Malebranche), thậm chí cũng không nằm ở các ý tưởng “tự nhiên” hay “bẩm sinh” (Leibniz và Wolff).
Một trong những lý do chính khiến cuộc tranh luận kéo dài là do việc mô tả hàm hồ và thường là bí hiểm về nguồn gốc của tính phổ quát tiên nghiệm mà Kant đã đưa ra trong các tác phẩm đã xuất bản của ông. Tuy nhiên, chúng có thể được làm sáng tỏ khi tham chiếu những ghi chú và những phản tư suy nghĩ chưa được xuất bản của ông. Trong PPLTTT, Kant chỉ gián tiếp liên hệ nguồn gốc của tính phổ quát và tất yếu tiên nghiệm với hành động tự khởi của chủ thể, nhưng trong các ghi chú chưa xuất bản của ông thì sự liên hệ đó đã được nới rộng hơn nhiều: mọi hoạt động của “chúng ta cũng như của những hữu thể khác đều bị quy định một cách tất yếu, chỉ duy có lý tính (và ý chí trong chừng mực nó có thể được lý tính quy định) là tự do và là một hoạt động tự thân thuần túy không bị bất cứ gì khác quy định ngoài chính nó. Nếu không có tính tự khởi căn nguyên và bất biến này, chúng ta ắt không biết được bất cứ điều gì một cách tiên nghiệm cả...” (R mục 5441). Ở đây, vấn đề lý thuyết về cái tiên nghiệm được nối kết rõ rệt với tính tự khởi và sự tự do, và qua chúng là với triết học thực hành. Vì thế, vấn đề “cái tiên nghiệm” có nguy cơ xóa nhòa sự phân biệt giữa triết học lý thuyết và triết học thực hành, một bước đi mà các nhà duy tâm kế thừa trực tiếp triết học Kant đã thực hiện [Fichte, Schelling, Hegel...].
Fichte đã định vị trí cái tiên nghiệm trong hoạt động vừa mang tính lý thuyết vừa mang tính thực hành của chủ thể. Luận cứ của ông có ảnh hưởng lớn lên thuyết Kant mới từ giữa đến cuối thế kỷ XIX, thuyết này đã xác lập nghị trình cho các nghiên cứu về Kant ở thế kỷ XX, nhấn mạnh đến các vấn đề của sự trình bày (Exposition) và diễn dịch (Deduktion). Tác phẩm có ảnh hưởng lớn: Kants Theorie der Erfahrung [Lý thuyết của Kant về kỉnh nghiệm] (1871) của Hermann Cohen theo đuổi một nghị trình điển hình nhằm chứng minh “lý thuyết của Kant về cáỉ tiên nghiệm một cách mới mẻ”. Đây là bộ phận của một khuynh hướng chung muốn đi tìm các nguồn gốc tiên nghiệm mới về tính phổ quát và tất yếu, dù là ở trong tâm lý học, sinh lý học hay xã hội học.
Một sự phát triển gây ảnh hưởng lớn được mở màn bởi Frege, người đã chuyển trọng tâm nghiên cứu về nguồn gốc của tính phổ quát và tất yếu tiên nghiệm sang việc biện minh cho các phán đoán tiên nghiệm.
Khi làm như vậy, Frege vô tình đã quay trở lại với vấn đề nguyên thủy của Kant là xác lập các tiêu chuẩn cho các phán đoán tiên nghiệm, một sự quay trở lại được ghi dấu ấn bằng định nghĩa “thuộc thời trước Kant” của Wittgenstein về một chân lý tiên nghiệm như là “một chân lý mà khả thể của nó đảm bảo cho chân lý của nó” (Tractatus/Luận văn Lôgíc-triết học, câu 3.04).
Trần Kỳ Đồng dịch