Tôn kính (sự, lòng) [Đức: Achtung; Anh: respect/reverence]
Xem thêm: Ví dụ điển hình, Động cơ, vương quốc của những mục đích, Quy luật, Nhân cách, Triết học thực hành, Cao cả (cái),
Trong PPNLPĐ, Kant định nghĩa Achtung là “xúc cảm về nỗi bất lực của chúng ta trong việc đạt đến được một Ý niệm [của lý tính], khi Ý niệm ấy là một quy luật đối với ta” (§27), cho dù ông dùng thuật ngữ này theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, trong PPNLPĐ, xúc cảm đối với cái cao cả trong tự nhiên “là sự tôn kính [Achtung] trước sứ mệnh của riêng ta; một sự tôn kính vốn được chúng ta dành cho một đối tượng của tự nhiên do một sự lẫn lộn (Subreption) nào đó (tôn kính đối tượng thay vì tôn kính Ý niệm về con người trong chính chủ thể của ta)” (sđd.ỵ Trong trường hợp này, Achtung nền được dịch, theo gợi ý của Kant trong PPLTTH (tr. 146, tr. 149) là xúc cảm của sự ngưỡng mộ hay xúc động của sự ngạc nhiên. Trong PPLTTH, cái “xúc cảm luân lý” của Achtung được gây ra hoàn toàn bởi lý tính, và không có trong nó những gì thuộc sinh lý; cái xúc cảm luân lý chỉ giữ vai trò là một động cơ biến quy luật luân lý thành châm ngôn hành động của ta. Tuy nhiên, quan trọng ở đây là phân biệt giữa Achtung đích thực và Achtung dành cho con người do “một sự lẫn lộn nào đó”. Achtung (sự tôn kính) đối với sứ mệnh của riêng ta, vốn được gán cho tự nhiên và làm thành nguồn suối của lòng ngưỡng mộ và sự ngạc nhiên là những cái cấu tạo nên xúc cảm về cái cao cả, cũng có thể được dành cho những nhân cách. Trong trường hợp này, Achtung có thể được dịch là lòng tôn kính đối với con người như là mục đích tự thân, một sự tôn kính “luôn được ta dành cho những con người, chứ không bao giờ dành cho các sự vật” (tr. 77, tr. 79). Nhưng điều này, giống cái cao cả, cũng chỉ là một sự lẫn lộn, trong khi thực chất Achtung hay sự tôn kính là dành cho quy luật: lòng tôn kính được chúng ta dành cho một con người “thì thực ra là sự tôn kính, dành cho quy luật (luân lý), thể hiện nơi tấm gương của người ấy trước chúng ta” (tr. 78, tr. 81).
Lê Quang Hồ dịch