Bên trong (cái)/Bên ngoài (cái) [Đức: das Innere und Äussere; Anh: inner/outer]
Xem thêm: Khái niệm của sự phản tư (các), Đồng nhất (sự), Ảo tượng, Đối lập (sự),
Sự đối lập này, cùng với những sự đối lập như: đồng nhất và dị biệt, nhất trí và đối lập, chất liệu và mô thức, tạo thành những khái niệm của sự phản tư được bàn trong PPLTTT. Đây là những khái niệm đã được năng lực phán đoán sử dụng trước khi có sự tổng hợp, và chúng được dùng để quy các biểu tượng vào cho trực quan hoặc cho giác tính.
Nếu những khái niệm này được ứng dụng trực tiếp cho kinh nghiệm, thì chúng sẽ làm xuất hiện những tính nước đôi (amphibolies) mà Kant đã nhận diện trong tác phẩm của Locke và Leibniz, đó là: Leibniz “đã trí tuệ hóa những hiện tượng”, còn Locke thì “cảm tính hóa tất cả các khái niệm của giác tính” (PPLTTT A 271/B 327). Trong trường hợp của cái bên trong và cái bên ngoài, tính nước đôi xuất hiện cốt yếu ở việc những khái niệm tương quan dừng để định hướng khái niệm và trực quan đã bị coi như là những phẩm tính khách quan. Thay vì để đánh dấu mối tương quan giữa đối tượng và phán đoán của chúng ta thì chứng lại được xem một cách không đúng đắn như những quan hệ khách quan giữa những sự vật. Những ảo tượng mà tình trạng nước đôi tạo ra là một loạt những ảo tượng của giác tính được bàn luận trước tiên trong AM [Các ảo mộng của Thầy Bùa. Lý giải bằng các ảo mộng của Siêu hình học] về sự lẫn lộn về cái bên trong và cái bên ngoài.
Trần Kỳ Đồng dịch