Giác quan [Đức: Sinn; Anh: sense]
Xem thêm: Xúc động (sự), Tưởng tượng (trí), Cảm năng,
Trong bản A quyển PPTTTT, Kant chia cảm năng thành giác quan và trí tưởng tượng. Giác quan là “quan năng của trực quan có sự hiện diện của một đối tượng”; trí tưởng tượng cũng là quan năng của trực quan nhưng không có sự hiện diện của đối tượng đó (A §15). Ông còn phân biệt giữa giác quan bên trong và giác quan bên ngoài. Giác quan bên ngoài chỉ sự kích động của cơ thể con người bởi những sự vật vật chất, còn giác quan bên trong chỉ sự kích động của cơ thể bởi chính tâm thức (Gemüt). Các giác quan bên ngoài tương ứng với năm giác quan được nói tới trong §§17-20, và được chia thành ba giác quan “khách quan” như xúc giác, thị giác và thính giác, và hai giác quan “chủ quan” là khứu giác và vị giác. Giác quan bên trong, đến lượt mình, tương ứng với “ý thức về những gì con người kinh nghiệm, trong chừng mực chúng bị kích động bởi chính trò chơi tư tưởng của con người” (A §24). Trong PPTTTT, giác quan bên trong có tầm quan trọng hơn nhiều, biểu thị sự xác định việc ta tồn tại trong thời gian.
Mai Sơn dịch