Ý nghĩa [Đức: Bedeutung; Anh: Meaning]
Trong các tác phẩm sơ kỳ, Habermas tiếp cận ý nghĩa qua thông diễn học/hermeneutics, tức ý nghĩa được hiểu như là đặc tính của các hành động của con người (bao gồm nói và viết), và các đồ tạo tác của con người (chẳng hạn như sách vở, tác phẩm nghệ thuật và các công trình xây dựng). Nhiệm vụ của nhà thông diễn học, với tư cách người nghiên cứu quá trình diễn giải, là phải hiểu làm cách nào chúng ta có thể rút ra ý nghĩa từ cái prima facie (thoạt nhìn) chỉ là vật chất (đó là các chuyển động có tính vật lý của cơ thể, những tiếng ồn tạo ra khi chúng ta nói, những dấu hiệu chúng ta tạo ra trên giấy khi viết, hay những đồ vật mà các nghệ sĩ, người thợ xây, người thợ máy tạo nên) (Habermas, 1971a, tr. 140–186; 1980; 1988b, tr. 143–170). Mặc dù cách tiếp cận thông diễn đối với ý nghĩa giải thích nhiều về các quá trình diễn giải và thông hiểu vốn tiếp diễn khi con người hiểu được từng hành động của nhau, nhưng nó khiến cho khái niệm ý nghĩa vẫn còn là thứ mơ hồ. Như các ví dụ ở trên cho thấy, nó bao gồm một loạt vô số hiện tượng, từ cử chỉ lăng mạ mà tôi thực hiện bằng bàn tay mình, cho đến những những sắc thái tinh tế của vần điệu và biểu đạt mà tôi đặt vào bài thơ, đến những chuyển động của toàn thể quân đội hay thậm chí dân chúng trong cuộc chinh phục và chiếm đóng lãnh thổ. Trong tác phẩm hậu kỳ về thuyết dụng hành phổ quát/universal pragmatics và lý thuyết về hành động giao tiếp/communicative action, Habermas chuyển nguồn cảm hứng sang triết học phân tích/analytic philosophy, để cung cấp cách giải thích chú trọng hơn vào khái niệm ý nghĩa. Chính xác hơn, Habermas quan tâm tới việc nhận diện các điều kiện theo đó con người có năng lực thấy ngôn ngữ và hành động của những người khác là có ý nghĩa (Habermas, 1979a; 1999a).
Hai cách tiếp cận tổng quát đối với vấn đề ý nghĩa có thể được nhận diện trong triết học phân tích. Cái được biết đến như là cách tiếp cận ngữ nghĩa học hình thức là cách tập trung vào các câu, và hỏi làm thế nào câu có thể có ý nghĩa khi không xét đến người nói hay viết ra câu đó, cũng không xét đến bối cảnh câu được sử dụng. Chẳng hạn, điều gì sẽ làm cho câu ‘Habermas là một triết gia Đức’ có nghĩa? Trước tiên, hãy để ý rằng đây không phải là vấn đề về chân lý/truth của câu. ‘Habermas là triết gia Pháp’ cũng có ý nghĩa như ‘Habermas là triết gia Đức’, mặc dù chỉ một trong hai là đúng. Thứ hai, giả định rằng mối quan tâm của triết gia là đối với các câu này mà không xét đến ai nói ra chúng, chúng muốn nói gì hay chúng xảy ra ở đâu; vấn đề là phải tìm ra các điều kiện tổng quát cần có để bất cứ câu nào, trong bất kỳ ngữ cảnh nào, đều có ý nghĩa với bất kỳ ai nghe hay đọc nó. Cách tiếp cận này đối với ý nghĩa có xu hướng tập trung vào các câu khẳng định điều gì đó về thế giới, và hiểu các điều kiện làm cho các câu đó có ý nghĩa xét theo phạm vi mà cử tọa hoặc phải tưởng tượng về thế giới được mô tả bởi câu đó, hoặc phải kiểm tra các dữ kiện được khẳng định. Do đó, câu ‘Habermas là triết gia Đức’ có ý nghĩa bởi vì tôi hiểu làm thế nào Habermas có thể là triết gia Đức (trong khi, tôi sẽ không thể hiểu làm thế nào mà tam giác có thể có bốn cạnh hay thứ Ba có thể ẩm ướt), và do đó tôi hiểu loại bằng chứng nào phải tìm kiếm để thiết lập nên chân lý của câu. Nói đơn giản, tính có ý nghĩa của câu liên quan đến thực tế rằng nó quy chiếu tới sự vật, con người và các sự kiện ở thế giới bên ngoài. Nhiều cuộc tranh biện trong triết học phân tích đã dựa trên nền tảng đơn giản này.
Một cách tiếp cận khác tập trung vào những gì được gọi là phương diện dụng hành (pragmatic) của ngôn ngữ. Ở đây mối quan tâm hàng đầu là làm thế nào mà những người cụ thể tạo ý nghĩa một câu cụ thể được phát ra trong ngữ cảnh cụ thể. Ở mức độ cực đoan nhất, cách tiếp cận này cho rằng những hành động khái quát hoá của cách tiếp cận ngữ nghĩa học hình thức là sai lầm. Không có các quy tắc chung đối với ý nghĩa. Ý nghĩa dựa trên bối cảnh cụ thể trong đó câu được phát ngôn, và dựa trên tri thức và các tiền giả định mà cử tọa mang tới bối cảnh đó. Quả thực, đây là cách tiếp cận gần gũi hơn với cách tiếp cận thông diễn học về ngôn ngữ và ý nghĩa, ít nhất trong chừng mực các nhà thông diễn học cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiểu biết sẵn có (pre-understanding) mà con người mang theo khi cố diễn giải các văn bản và các hành động hay đối tượng có ý nghĩa khác. Do đó, để hiểu một phát biểu, tôi có lẽ cần biết ít nhiều về các động cơ của cá nhân khi họ nói ra những điều ấy—hay, như triết gia người Anh, R.G. Collingwood từng nhận xét, vấn đề của cách tiếp cận ngữ nghĩa học hình thức là không dò xét tông giọng của người nói. Nhưng ngôn từ giống hệt nhau có thể có những ý nghĩa rất khác nhau nếu được nói một cách châm biếm hay mỉa mai (vì thế, thực tế câu ‘Habermas là một triết gia Đức’ có thể là câu hỏi về giá trị của triết học Đức nói chung, hay, một cách mỉa mai, bác bỏ việc khẳng định một nhà xã hội học được tôn vinh lại thành một triết gia).
Cách tiếp cận dụng hành thậm chí nhấn mạnh nhiều hơn đến các chi tiết đặc thù của ngữ cảnh phát ngôn. Do đó, để hiểu câu ‘Habermas là triết gia Đức’, tôi phải biết đôi điều về ngữ cảnh. Nếu nó là để đáp lại câu hỏi ‘Thủ đô của Peru là gì?’, thì nó vô nghĩa (và tôi xem như cho rằng người trả lời nghe lầm câu hỏi, và đã không hiểu tôi). Các triết gia, chẳng hạn như Wittgenstein, bàn về hình thức của đời sống hay cuộc chơi ngôn ngữ trong đó phát ngôn được tạo ra, chỉ ra rằng các quy tắc chi phối ý nghĩa thay đổi một cách tinh tế theo ngữ cảnh. Câu hỏi, ‘Thủ đô của Peru là gì?’, có nghĩa chỉ trong những ngữ cảnh nhất định, chẳng hạn như một bài kiểm tra địa lý hay chương trình đố vui (và thậm chí ở đây có thể có vấn đề, vì câu hỏi này có thể trông như quá đơn giản trong kỳ thi đại học đến mức nó có thể gây khó hiểu cho các thí sinh).
Nếu cách tiếp cận ngữ nghĩa học hình thức tập trung vào những khẳng quyết, thì lợi điểm của cách tiếp cận dụng hành là có thể đối phó với các cách sử dụng khác nhau đối với ngôn ngữ, chẳng hạn các câu hỏi, hành vi ra lệnh, và các câu cảm thán diễn tả nỗi bất ngờ (xem hành động phát ngôn/speech acts). Hơn nữa, sẽ có các quy tắc riêng biệt chi phối những gì khiến cho mệnh lệnh trở nên có ý nghĩa (vì thế khi ra lệnh trung sĩ ‘tước vũ khí kẻ địch’ thì viên đại uý đã tạo ý nghĩa trên chiến trường, trong khi yêu cầu ‘bỏ con chó ra’ sẽ thành ra kỳ khôi trong hoàn cảnh này).
Habermas thừa nhận những lợi thế của cách tiếp cận dụng hành so với cách tiếp cận ngữ nghĩa học hình thức. Dù vậy, ông vẫn phê phán cách tiếp cận dụng hành vì nó tập trung thái quá vào chi tiết của các cuộc gặp gỡ và trao đổi đặc thù. Ý nghĩa dường như phân mảnh thành nhiều bó quy tắc khác nhau, mà hiếm có hoặc không có điều gì chung cả. Cương lĩnh về thuyết dụng hành phổ quát/universal pragmatics của Habermas (hay sau đó ông gọi là ‘thuyết dụng hành hình thức’ [formal pragmatics]) vừa cố bao hàm những hiểu biết của ngữ dụng học, vừa tìm cách xác định các quy tắc khác nhau vốn phải chi phối việc sử dụng ngôn ngữ có ý nghĩa bất kể ngữ cảnh. Ông tập trung vào năng lực của người dùng ngôn ngữ hàng ngày để phát ngôn—tức là ông ít quan tâm hơn đến ý nghĩa của câu (như cách tiếp cận ngữ nghĩa học hình thức) so với các điều kiện và các quy tắc chi phối các phát ngôn, từ đó chuyển sang nói về việc sử dụng các câu trong các hoàn cảnh đặc thù. Từ đó, ông có thể tìm cách xác định tri thức mà mọi người phát ngôn đủ năng lực (competent speakers) phải có, ngoài tri thức cụ thể do ngữ cảnh ấy đòi hỏi, nếu muốn sử dụng ngôn ngữ một cách phù hợp, bất kể bối cảnh văn hoá hay ngữ cảnh đặc thù trong đó họ nói và hành động. Kết quả là sự thừa nhận các điều kiện khiến một phát ngôn có thể được cử tọa chấp nhận. Do vậy, chẳng hạn, ‘Habermas là triết gia Đức’ là câu không thể chấp nhận và vì thế vô nghĩa khi để trả lời câu hỏi ‘Thủ đô của Peru là gì?’, cũng như câu ‘Bỏ con chó ra’ là câu không thể chấp nhận và vô nghĩa ở chiến trường.
Đọc thêm: Cooke, 1994